Người tạo 'cuộc cách mạng cuối' trong rock ‘n’ roll

05/04/2014 07:41 GMT+7 | Âm nhạc


(Thethaovanhoa.vn) - Hôm nay là tròn 20 năm kể từ khi Kurt Cobain, thành viên trụ cột ban nhạc rock Nirvana tự vẫn vào ngày 5/4/1994, ở tuổi 27. Tuy sự nghiệp ngắn ngủi, Cobain vẫn được xem là một “biểu tượng văn hóa”, gây nên ảnh hưởng khổng lồ với không ít người.

1. Cobain đã làm thay đổi thế giới của Win Butler, thành viên trụ cột của ban nhạc rock Arcade Fire (Canada). Billie Joe Armstrong, thủ lĩnh nhóm Green Day, cho rằng Cobain là John Lennon và Paul McCartney của thế hệ mình. Còn Beck (nghệ sĩ nổi tiếng người Mỹ) luôn nhớ ơn Cobain, ca sĩ kiêm nghệ sĩ guitar giúp đưa người yêu nhạc tới một khung cảnh văn hóa mới lạ, nhưng sau này đã phát triển mạnh. Nhân dịp này, các nghệ sĩ nêu trên đã kể lại những ký ức của họ về Cobain.

Beck biết đến Nirvana 3 năm trước khi album Nevermind của họ làm thay đổi thế giới âm nhạc đại chúng. Anh chưa hề nghe nói đến ban nhạc cho đến khi lần đầu đi xem một màn diễn của họ. Ký ức của Beck về màn diễn ấy cho đến nay vẫn rất sống động trong anh.

“Tôi đã xem rất nhiều màn diễn nhạc punk và thứ đọng lại trong tôi là vẻ hiếu chiến. Nhưng khi xem Nirvana, tôi thấy khác hẳn. Tôi vẫn nhớ trên gương mặt Cobain nở nụ cười. Tôi vẫn nhớ khi họ bắt đầu chơi nhạc, tất cả khán giả đã nhiệt tình hưởng ứng theo. Theo trải nghiệm cá nhân, khi người nghệ sĩ trình diễn trước đông khán giả xa lạ, họ thường không chú ý đến anh ta lắm. Nhưng Nirvana đã chinh phục được khán giả ngay từ những giây phút đầu tiên trong màn diễn ấy, cực kỳ ấn tượng. Và tôi đã trở thành fan của Nirvana kể từ đó” - Beck kể.

2. Billie Joe Armstrong thì nhớ khi thực hiện chuyến lưu diễn đầu tiên với ban nhạc punk rock Green Day hồi năm 1990, anh đã thấy hình graffiti của Nirvana trong một loạt các câu lạc bộ nhỏ ở miền Tây. Lúc đó, anh đã nghe các đĩa nhạc của Nirvana do hãng thu âm độc lập Sub Pop phát hành, gồm album đầu tay Bleach, song không chú ý nhiều đến ban nhạc.

Một năm sau, Nirvana nổi tiếng khắp thế giới. Chỉ khi đó Armstrong mới nhận thấy Cobain có tầm ảnh hưởng quan trọng trong thế hệ của anh, giống như ảnh hưởng mà Lennon và McCartney đã tạo nên trong thế hệ của họ.

“Tôi vẫn nhớ cảm giác khi nghe album Nevermind của Nirvana, lúc đó tôi nghĩ cuối cùng thế hệ chúng tôi cũng có được một Beatles của mình. Từ đó đến nay, chưa có một ban nhạc nào gây được ảnh hưởng như Nirvana. Họ thực sự đã tạo nên cuộc cách mạng cuối cùng trong làng rock 'n' roll”.

3. Giống như Armstrong, Win Butler vô cùng xúc động khi lần đầu tiên nghe Nevermind hồi năm 1991. Và nhiều người khác xung quanh Butler ở Texas cũng vậy.

Đến nay, Butler cùng ban nhạc của anh vẫn lấy cảm hứng từ Cobain và Nirvana. Sau khi đoạt giải Grammy Album của năm với The Suburbs hồi năm 2010, Butler và Arcade Fire đã phát hành Reflektor. Lúc thực hiện album này, ban nhạc đã “lờ” đi mọi sự quyến rũ của pop, giống như Nirvana đã làm khi họ thu âm album cuối cùng In Utero hồi năm 1993.

“Ngay sau khi được phát hành, In Utero lập tức đã trở thành một nguồn cảm hứng lớn. Đến nay, album vẫn trụ vững qua thử thách của thời gian. Tôi cho rằng All Apologies là một trong những ca khúc hay nhất” - Butler nói.

4. Cobain đã nhận được nhiều phản ứng tích cực từ những nghệ sĩ mà anh ngưỡng mộ. Trước khi qua đời Cobain còn gây được sự chú ý của Neil Young, nghệ sĩ được tín đồ của dòng nhạc grunge (gồm anh) gọi là “bố già của grunge”. Chính Neil Young đã tạo ảnh hưởng tới âm nhạc của Cobain.     

Young cũng từng phải khổ sở đối diện với danh tiếng như Cobain và điều đó đã giúp ông hiểu được những gì mà Cobain phải trải qua. Sau khi Cobain tìm đến cái chết, Young xúc động đến mức ông đã thu âm album Sleeps With Angels dành tặng Cobain. Đến nay ông vẫn tự hỏi điều gì sẽ thể xảy ra, nếu như ông có thể chuyện trò với Cobain trước khi anh qua đời.

“Thật buồn khi Cobain không có ai để chuyện trò, không có ai có thể đưa ra cho anh những lời an ủi, động viên. Nếu trước đó có cơ hội gặp được Cobain, tôi sẽ nói với cậu ấy rằng: “Cậu sẽ vượt qua được giai đoạn này, mọi chuyện không có gì tồi tệ, rồi sẽ ổn thôi. Đừng lo lắng gì cả. Tại sao cậu không dành thời gian để nghỉ ngơi”. Nhưng thật tiếc, tôi đã không làm được điều đó” - Young chia sẻ.

Kurt Donald Cobain (1967-1994) là thủ lĩnh, ca sĩ, tay guitar điệu nghệ và là người viết nhạc cho Nirvana.

Với ca khúc Smells Like Teen Spirit thuộc album thứ 2 mang tên Nevermind (1991), Nirvana đóng vai trò tiên phong của dòng nhạc grunge. Nhạc của Nirvana nhanh chóng tràn ngập radio và những kênh âm nhạc của Mỹ đầu những năm 1990. Cobain được tôn vinh như “Người phát ngôn của một thế hệ”.

Vào những năm cuối cùng của cuộc đời, với sự dày vò của bệnh tật, bất đồng với 2 thành viên còn lại và cuộc sống gia đình không phải lúc nào cũng yên ấm, Cobain trở nên u uất và nghiện ngập. Ngày 8/4/1994, xác của anh được tìm thấy tại nhà riêng ở Seattle.

1 năm sau cái chết của Cobain, anh đã được tôn vinh như một biểu tượng trong lịch sử nhạc alternative. Cobain không có phần mộ của mình. Anh được hỏa thiêu. Tro được rải xuống dòng sông Wishkah tại Washington. Rất nhiều những người hâm mộ Nirvana đã tìm tới Viretta, công viên gần ngôi nhà bên hồ của Cobain để tưởng nhớ tới anh.

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm