Đạo diễn Lý An: Từ đáy cùng tuyệt vọng

31/12/2012 18:58 GMT+7 | Phim


Trong thời khắc những người hâm mộ điện ảnh còn đang chìm đắm trong không gian kỳ diệu của Life of Pi, hãy cùng tìm hiểu về cuộc đời của đạo diễn Lý An, với một góc nhìn khác để thấy rõ hơn nền tảng của một tài năng điện ảnh.

Đó là góc nhìn của Quả Tử Hùng, người bạn thuở nhỏ lớn lên cùng khu phố với đạo diễn Lý An ở Đài Loan. Sau này, ông là biên kịch rồi trở thành giáo sư giảng dạy về Mỹ học tại trường Đại học Trung Sơn, đồng thời cũng là người hâm mộ đặc biệt các tác phẩm của bạn mình.

Tác phẩm tạo nên tên tuổi người nghệ sỹ

Thành công của Lý An ngày nay nhiều người đã biết tới, nhưng ít ai ngờ được rằng, ông đã có một quãng thời gian khó khăn, đen tối như thế nào khi có tài mà không được dụng, có chí mà không được làm. Suốt 4 năm, Lý An ở nhà trở thành “người đàn ông nội trợ”, sáng đi chợ, chiều đón con. Với quan niệm truyền thống, có thể nói ông không phải là “bậc nam tử hán đại trượng phu lẫy lừng” nhưng Lý An vẫn cam chịu và tìm thấy niềm vui trong việc chăm sóc gia đình.

Đạo diễn Lý An

Nhưng có lẽ con người là vậy, khi ở tận đáy cùng của tuyệt vọng, họ lại luôn nỗ lực để tự vực mình dậy. Lý An cũng là người như thế. Sự thành công của ông bây giờ chính là một bài học tuyệt vời cho ý chí, nghị lực không lùi bước, không bỏ cuộc, đặc biệt với một người cũng đang trong tâm trạng chán nản đến tiêu cực như tôi thời đó.

Tôi và Lý An có hoàn cảnh khó khăn tương tự nhau, cuộc sống cũng tương tự nhau, cũng vì lẽ đó, tôi đã từng nghĩ sự nghiệp của Lý An đã thành danh, có lẽ rồi đến một ngày, tôi cũng được như vậy. Cho dù tôi biết, khó có thể có được tiếng tăm như Lý An nhưng ít nhất, tôi sẽ kiếm được khoản thu nhập kha khá. Tâm trạng đó được cảm nhận rõ rệt khi tôi đọc "Nhật ký thất nghiệp" của đạo diễn trẻ do Ngụy Đức Thánh – người Đài Loan viết. Vì vậy, khi nghe nói, tập truyện về Lý An do Trương Tịnh Bội viết được xuất bản, tôi nhanh chân đến tìm mua, xin được chữ ký của Lý An, chụp ảnh chung với Lý An, tôi cảm thấy đó chính là động lực cho tôi trong sự nghiệp.

Tập truyện về Lý An có tựa đề “Mười năm – một giấc mộng điện ảnh”, dày gần 500 trang, tập truyện đã mở ra nhiều điều lý thú liên quan đến ông, những điều mà tôi luôn thắc mắc về ông bao lâu nay đã tìm được lời giải đáp.

Một con người sống theo nguyên tác, bảo thủ, thẳng thắn, con trai một vị hiệu trưởng, vậy tại sao ông lại có thể làm những bộ phim đa dạng, phức tạp đến vậy? Làm phim và viết tiểu thuyết có một điểm chung, đó là bản thân người thực hiện cần giữ được đầu lạnh, có như vậy mới biểu hiện được đa tầng về tính cách con người cũng như đa diện của xã hội. Lý An là người ôn hòa, nho nhã, khiêm nhường lễ độ, vì vậy hợp với những bộ phim xã hội mang tính giáo dục.

Tôi tò mò về một người có tính cách như thế nào, mà có thể làm ra những bộ phim với đề tài rộng lớn đến vậy, từ phương Đông đến phương Tây, từ hiện đại về quá khứ, nội dung cả về văn lẫn võ?

Tôi tò mò về một người được sinh ra ở Đài Loan, lớn lên trên đất Mỹ nhưng lại làm các bộ phim về Trung Quốc? Vậy nếu một nhà sản xuất phim mời ông làm đạo diễn cho “Thành phố bi ai”, ông sẽ thể hiện thế nào? Một thông tin cho hay, ông đã từng được một nhà sản xuất mời làm đạo diễn một phần trong loạt phim 007 “Die another day”, nếu như vậy, không biết bộ phim sẽ ra sao?

Còn nhiều câu hỏi xung quanh cuộc đời ông đều được tìm thấy trong tập truyện này …



Nói về tài làm phim, không thể không phủ nhận rằng Lý An là người có tài thiên bẩm. Với ông, ống kính máy quay chính là miền đất mang lại niềm vui. Ông sống với nó, vất vả với nó. Có ý kiến cho rằng, vòng tròn điện ảnh phức tạp, không theo trật tự, nhưng ông đã lấy chính những kinh nghiệm của mình để bác những thành kiến đó. Ông cho rằng, cuộc sống con người bản thân đã là tổng hợp những câu chuyện phức tạp, ô hợp, điện ảnh là sự phản ánh cuộc sống, vì vậy điện ảnh cũng phức tạp như vậy. Tuy nhiên khi đưa vào phim, cách thể hiện trên phim cũng cần khác so với ngoài đời thực. “Phim có thể xử lý được nhiều điều nhưng tôi không thể nắm bắt hoàn toàn được thực tế”, Lý An tâm sự. Vì vậy, trong các tác phẩm điện ảnh của Lý An, một mặt thể hiện giáo dục về đạo lý, lấy từ truyền thống văn hóa của Trung quốc, một mặt thể hiện tiềm thức, thể hiện những tâm tư, thể hiện sự đố kị, áp bức, những điều có khi ngoài đời thường không tồn tại, thì được đưa vào phim như một sự bù đắp.

Bộ phim của Lý An thường có sự xung đột nhau, mọi yếu tố về kịch tính đều được ông cô lại, đưa vào nên đôi khi tạo cảm giác nặng nề. Tiêu biểu như “Ẩm thực nam nữ”, bộ phim đã từng làm cho bản thân ông không giải thích được tại sao phản ứng khán giả lại kém đến thế. Trực giác tôi cho rằng, dấu vết của kịch bản quá rõ nét, những điểm mâu thuẫn, kết cấu đa chiều, đan xen khiến bộ phim phần nào trở nên xa lạ với người xem. Bộ phim “Ngọa hổ tàng long” cũng là một bộ phim như vậy, tuy cảnh quay đẹp nhưng cách làm phim hoàn toàn khác với bộ phim Đài quen thuôc với cảnh quay rộng, xa, tình tiết đơn giản, tiết tấu chậm. “Ngọa hổ tàng long” có diễn biến nhanh và nhiều đoạn gợi mở. Chính vì thế, phim ông mới mang tầm Hollywood, không chỉ gói gọn trong không gian điện ảnh châu Á. Nhưng mặt khác, các tình huống mâu thuẫn trong phim cũng đậm chất Á Đông với các xung đột gia đình và những lựa chọn giữa quy chuẩn đạo đức và ẩn ức cá nhân.

Ông đã từng nói, ông được học về điện ảnh ở Mỹ, cũng đã từng ở Mỹ làm phim, nhưng ông luôn giữ khoảng cách với Hollywood. Một người thông minh như Lý An luôn tìm cách cân bằng giữa nghệ thuật và thị trường, cũng dễ dàng hiểu được rằng, bộ phim của những đạo diễn không phải người Âu – Mỹ muốn bán được cần có tính nghệ thuật.

Thêm vào đó, phim của ông có đôi chút pha tạp, một chút ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, văn hóa Đài Loan, văn hóa Mỹ. Ông được sinh ra ở Đài Loan, ông là người con ở đó, nhưng sang Trung Quốc, ông trở thành kiều bào, sang Mỹ, ông là người ngoại quốc. Chính tình cảm với quê hương Đài Loan, cái duyên với Trung Quốc cùng với giấc mơ từ nước Mỹ đã hợp thành phong cách làm phim của ông. Những mâu thuẫn trong cuộc sống cá nhân chưa bao giờ được ông giải quyết triệt để khi chất văn hóa phương Đông – Trung Hoa cổ truyền thấm đẫm trong người Lý An nhưng càng ngày ông càng sống trong môi trường Tây hóa. Vì vậy, chỉ có thể trong thế giới tưởng tượng của điện ảnh, ông mới tạm thời tìm được nơi an thân, vỗ về cho cái tôi mâu thuẫn.

Bất kể bạn nhìn nhận Lý An ra sao, nhưng sự thành công của ông đã là câu trả lời cho tất cả những nỗ lực và chịu đựng. Sự chờ đợi và chuẩn bị cho thời cơ một cách kiên trì và chu đáo đã làm nên tên tuổi Lý An ngày hôm nay.

Theo Thế giới điện ảnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm