Giải quyết bài toán “một ông chủ 2 đội bóng” ở V-League: VPF cho các ĐTQG?

19/12/2011 12:33 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH)- Có 2 điều gần như không được nhắc đến tại Đại hội cổ đông lần thứ nhất của VPF: (1) Vấn đề một ông chủ 2 đội bóng và (2) Việc cải tổ sâu rộng cung cách hoạt động của các ĐTQG nhằm mang lại hiệu quả cao hơn, sau 2 thất bại liên tiếp trong 2 năm vừa qua của bóng đá VN.

Nếu như vấn đề thứ nhất được nhìn nhận như một sự tế nhị của các ông bầu VPF nhằm tạo thêm điều kiện về thời gian và lộ trình để bầu Hiển “biết ý” hơn, sau bao công sức và tiền bạc mà ông đã đổ vào HN.T&T cùng SHB.ĐN; thì vấn đề thứ hai, nếu nói về lý không nằm trong chủ quyền của VPF. Bởi tôn chỉ và phạm vi hoạt động của VPF là rất rõ ràng, Công ty ấy trước mắt sẽ có nhiệm vụ tổ chức thật tốt giải VĐQG và giải hạng Nhất, còn hoạt động của các cấp độ ĐTQG vẫn nằm trong tay VFF.



Sẽ rất vô nghĩa nếu VPF thành công với những ý định của mình, nhưng cuối năm tới ĐTVN lại bất lực tại AFF Cup 2012, như tấn bi kịch của U23 VN tại SEA Games 26 vừa qua- Ảnh: Quốc Khánh

Nhưng vẫn phải đặt ra một vấn đề rằng mục tiêu tối thượng của VPF là nâng tầm nền bóng đá VN, và nhiệm vụ ấy (phải) có mối quan hệ hữu cơ với hình ảnh (chất lượng) của các ĐTQG. Sẽ rất vô nghĩa nếu VPF thành công với những ý định của mình, nhưng cuối năm tới ĐTVN lại bất lực tại AFF Cup 2012; bởi trong mắt của hầu hết người hâm mộ, chiếc HCV SEA Games hoặc chiếc Cúp vô địch ĐNA mới là thành quả đáng ghi nhận, chứ không phải là các trận đấu ở V-League hoặc hạng Nhất tới đây sẽ bớt “mùi” hơn.

Nếu đối chiếu với tình hình hiện tại thì không có gì đảm bảo sự “vô nghĩa” vừa nhắc ở trên sẽ không diễn ra vào cuối năm tới. Một SEA Games 26 thảm hại của bóng đá nam đã kết thúc bằng buổi họp phân tích, mổ xẻ hời hợt. Trong khi “thay đổi” là thứ mọi người đều nói đến sau thất bại thì ngay từ những việc nhỏ nhất đã không thấy một sự thay đổi nào cả.

Một sự bất hợp lý mà ai cũng thấy là hầu như các ĐTQG trên thế giới đều tập trung quanh năm trong những quãng thời gian ngắn hạn thì với riêng bóng đá VN, điều đó vẫn giống như chuyện ở hành tinh khác. Phải tới gần cuối tháng 8 sang năm, ĐTVN mới bắt đầu có đợt tập trung đầu tiên trong đợt huấn luyện kéo dài hơn 2 tháng chuẩn bị cho AFF Cup 2012 diễn ra vào tháng 11.

Tức là mất gần một năm nữa, người ta mới được chứng kiến VFF và HLV Goetz “rút kinh nghiệm” như thế nào sau những thất bại của họ, còn hệ quả là diện mạo của ĐTVN tại AFF Cup sẽ ra sao một lần nữa lại giống như trò ú tim tại SEA Games 26. Quả có phần khó hiểu nếu đấy là cách ứng xử với công việc được xác định là trọng điểm của năm 2012, sau khi tất cả đều cảm thấy mất mát và tổn thương với những gì diễn ra trong 2 năm qua xét trên bình diện các ĐTQG.

Không khó để nhận ra rằng ngay cả khi các ông bầu bóng đá đã thắng thế thì vẫn còn đó một sự e ngại về chuyện “tiếm quyền” của VFF. Bằng chứng là lợi nhuận của VPF, như tuyên bố tại Đại hội cổ đông, vẫn sẽ được trích một phần để phục vụ các hoạt động của VFF. Nên viễn cảnh “nước sông phạm nước giếng” chắc rất khó xảy ra.

Song nếu các ông bầu đã từng chia sẻ rất thật lòng rằng họ không thể chịu được thực trạng đang diễn ra trong làng bóng đá VN nên mới phải “ra tay”, thì không lẽ bầu Kiên cùng những “đồng đội” có tầm ảnh hưởng rất lớn của mình lại có thể nhắm mắt trước một nguy cơ đang hiển hiện? Cho dù sự ra đời của một VPF 2 với chức năng điều hành các hoạt động của ĐTQG nếu có đặt ra cũng không khác gì một bộ phim khoa học giả tưởng. 

Đức Hoàng



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm