Giải Nobel Văn học đang “tự mất mát”?

17/10/2009 09:17 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH Cuối tuần) - Cuối tuần trước, khi được hãng tin DPA phỏng vấn về sự kiện Viện Hàn lâm Thụy Điển trao giải Nobel Văn học 2009 cho Herta Mueller, nhà phê bình hàng đầu Marcel Reich- Ranicki, người được mệnh danh là “Giáo hoàng văn học Đức”, thiếu hào hứng tới mức đã khước từ trả lời: “Tôi không muốn nói gì về Herta Mueller cả”.

Ngay ở nước Đức, nơi Herta Mueller sinh sống, hầu như không có ai tính đến việc bà được trao giải Nobel Văn học năm nay. Các nhà phát hành sách Đức, những người khá nhạy bén với đời sống văn chương, thực sự bị bất ngờ trước sự lựa chọn của Viện Hàn lâm Thụy Điển, hội đồng xét trao giải Nobel Văn học. Chủ nhiều hiệu sách ở Đức cho biết tại cửa hàng của họ hiện không có một tác phẩm nào của Herta Mueller. Meinolf Reul, chủ một hiệu sách ở Nordrhein- Westfalen, nói: “Tôi hoàn toàn không dự tính tới việc bà ấy được trao giải”. Dưới đầu đề Một nhà Nobel nhiều năm nay không được ai để ý, tờ Muestersche Zeitung (Đức) cho biết sách của Herta Mueller ít được bạn đọc Đức quan tâm, mặc dù bà đã giành khá nhiều giải thưởng văn chương. Thí dụ tại thư viện Steinfurt, cuốn Herztier - một trong những tác phẩm quan trọng nhất của Herta Mueller - được nhập về từ năm 1995 nhưng cho đến nay mới chỉ có bốn người mượn đọc.

Herta Mueller? Bà là ai?

Đó cũng là lý do khiến giải Nobel Văn học năm nay tiếp tục gây ra các cuộc tranh cãi: Bên cạnh những lời khen cũng có không ít ý kiến bày tỏ sự thất vọng.

Tờ El Periódico De Catalunya (Tây Ban Nha) nhận xét: “Tuy được giới phê bình văn học ca ngợi nhưng Herta Mueller vẫn chưa có được một lượng độc giả rộng lớn ở ngay tại nước Đức, phần còn lại của thế giới thì càng không”.

Dưới đầu đề Herta Mueller? Bà là ai?, tờ Times của Anh xếp nữ văn sĩ Đức này vào số những tác giả đoạt Nobel nhưng có nguy cơ nhanh chóng bị lãng quên như Elfriede Jelinek, Imre Kertesz hay Wislawa Szymborska và tiếp tục tiếc nuối khi nhiều tên tuổi lớn của nền văn học thế giới - như Marcel Proust, James Joyce, Graham Greene - không được trao giải.

Tờ báo Pháp Le Figaro cũng thấy sự lựa chọn của Viện Hàn lâm Thụy Điển thật khó lý giải và bình luận: “Đây là nỗi thất vọng tiếp theo đối với các nhà văn đã được công nhận như Philip Roth, Mario Vargas Llosa, Amos Oz, Haruki Murakami..., những người thường xuyên là ứng cử viên sáng giá cho một giải thưởng được quyết định bởi một hội đồng giám khảo có những động cơ thật khó hiểu”.

Những lời chê bai cũng đến từ Đông Âu. Tờ Dziennik Gazeta Prawna của Ba Lan phê phán Viện Hàn lâm Thụy Điển ngày càng chú trọng tới sự “hợp lý chính trị” hơn là chất lượng nghệ thuật. Ngay cả Nxb Hanser Verlag (Đức), nơi giữ bản quyền một số tác phẩm của Herta Mueller, cũng thừa nhận có khả năng Viện Hàn lâm Thụy Điển đã tìm cách “chính trị hóa” thời điểm 20 năm tan rã của hệ thống các nước XHCN tại Đông Âu bằng việc trao giải Nobel Văn học cho tác giả này, vì bà có không ít tác phẩm nói về bối cảnh ở Romania thời Ceausescu.


Lại một người đoạt giải Nobel mơ hồ!

Báo chí Mỹ, năm ngoái từng hết sức bất bình về việc Horace Engdahl - hồi ấy còn là thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Thụy Điển - đã báo trước rằng xứ cờ hoa không có hy vọng đoạt giải Nobel Văn học 2008 với lý do “văn học Mỹ quá biệt lập và thiển cận”, nhìn chung chê nhiều hơn khen về giải năm nay. Tạp chí Entertainment Weekly đăng tít lớn Herta - ai vậy?, rồi nhận xét: “Lại một người đoạt giải Nobel mơ hồ!”. Tờ New York Times thì chỉ ra rằng đến nay mới có bốn tác phẩm của Herta Mueller được dịch sang tiếng Anh và dẫn lời bà Sara Bertschel, Giám đốc Nxb Metropolitan Books, nơi từng phát hành hai cuốn sách của người đoạt giải Nobel Văn học 2009, cho biết nữ văn sĩ này có một lượng độc giả rất khiêm tốn ở Mỹ. Người Mỹ cảm thấy thật khó chấp nhận khi suốt 15 năm qua không một tác giả Mỹ nào được trao giải, mặc dù họ hiện có một loạt tên tuổi ít nhiều đã được thế giới công nhận như Thomas Pynchon, Philip Roth, Don DeLillo hay Joyce Carol Oates.


Đây cũng là một trong những lý do khiến việc trao giải cho bà Herta Mueller càng làm dấy lên ý kiến rằng Viện Hàn lâm Thụy Điển mang tư tưởng “eurocentric” (quá thiên vị châu Âu) và thiếu một tầm nhìn bao quát đối với văn học thế giới bởi các thành viên của nó - tất cả đều là người Thụy Điển - ít có dịp tiếp xúc những nền văn học ngoài châu Âu. Thực tế trong một phần tư thế kỷ gần đây, đa số các tác giả đoạt giải đến từ khu vực ngôn ngữ Bắc và Trung Âu.

Kể từ khi người đoạt Nobel là nhà văn Trung Quốc sống ở Pháp Cao Hành Kiện hồi năm 2000 cho đến giờ đây là Herta Mueller, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã thường xuyên gây bất ngờ khi trao giải cho những cây bút ít được biết đến. Điều này khiến ngày càng có nhiều nhà bình luận cảm thấy khó nắm bắt được tiêu chí của giải Nobel Văn học. Thay vì tôn vinh các cây bút đã được thừa nhận rộng rãi trên thế giới như từng làm với Hermann Hesse (1946), William Faulkner (1949), Francois Mauriac (1952), Ernest Hemingway (1954), Albert Camus (1957), Jean-Paul Sartre (1964), Mikhail Sholokhov (1965), Samuel Beckett (1969)..., dường như Viện Hàn lâm Thụy Điển ngày càng trở thành một “hội tìm kiếm và hỗ trợ tài năng”, như tạp chí Đức Spiegel nhận xét. Nếu hiểu theo nghĩa đó, “người ta chẳng có gì phải xôn xao trong trường hợp bà Mueller”, Spiegel bình luận.

Chỉ còn là một trong nhiều giải thưởng văn học

      Herta Mueller là người phụ nữ thứ ba đoạt Nobel Văn học chỉ trong vòng có sáu kỳ giải qua, sau Elfriede Jelinek (Áo, 2004) và Doris Lessing (Anh, 2007).

Bà cũng là người phụ nữ thứ 12 (trong số 106 tác giả) đã được trao giải Nobel Văn học từ trước tới nay:

2009: Herta Mueller (Đức, sinh năm 1953)
2007: Doris Lessing (Anh, 1919)
2004: Elfriede Jelinek (Áo, 1946)
1996: Wislawa Szymborska (Ba Lan, 1923)
1993: Toni Morrison (Mỹ, 1931)
1991: Nadine Gordimer (Nam Phi, 1923)
1966: Nelly Sachs (Đức, 1891-1970)
1945: Gabriela Mistral (Chile, 1889-1957)
1938: Pearl S. Buck (Mỹ, 1892-1973)
1928: Sigrid Undset (Na Uy, 1882-1949)
1926: Grazia Deledda (Italia, 1871-1936)
1909: Selma Lagerlof (Thụy Điển, 1858- 1940)

Với chức năng “tìm kiếm và hỗ trợ tài năng”, trong chín năm qua, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã giúp những cây bút như Cao Hành Kiện, Imre Kertesz, Elfriede Jelinek, Jean-Marie Gustave Le Clezio hay Herta Mueller... từ các “góc rất khuất của văn học” (Die Presse) đột nhiên bước ra ánh sáng, tạo điều kiện cho độc giả có dịp khám phá những giá trị văn chương còn ẩn khuất. Nhưng chức năng ấy cũng liên tục gây ra tranh cãi, thậm chí ngay trong Viện Hàn lâm Thụy Điển. Năm 2005, Knut Ahnlund - một thành viên của viện này - đã tuyên bố từ chức để phản đối việc trao giải Nobel cho nhà văn nữ người Áo “gần như vô danh” Elfriede Jelinek bởi theo ông, sự lựa chọn đó “gây ra những thiệt hại vô phương cứu chữa cho văn chương nói chung và danh tiếng của giải Nobel nói riêng”.


Tờ Die Presse của Áo cho rằng nếu không có truyền thống lâu đời và khoản tiền thưởng hậu hĩnh đối với một giải văn học (hiện khoảng 1,4 triệu USD) thì giờ đây “có lẽ chẳng còn ai coi trọng vài vị học giả ở đất nước Thụy Điển bé nhỏ ấy trong vai trò là những giám khảo của nền văn học thế giới”. Tờ Dziennik Gazeta Prawna có vẻ nặng lời hơn khi bình luận qua việc trao giải cho Herta Mueller, “giải Nobel đang tự mất mát - ngày nay nó chỉ còn là một trong nhiều giải thưởng văn học”.

      Herta Mueller, sinh ngày 17/8/1953 trong một gia đình nông dân thuộc cộng đồng thiểu số Đức ở Romania, từng theo học ngữ văn Đức và Romania tại Đại học Timisoara. Bắt đầu bước vào làng văn chương năm 1982 với tập truyện ngắn Niederungen, bà viết cả tiểu thuyết, thơ và tiểu luận. Từ năm 1987, bà cùng chồng - cũng là một nhà văn - sang Đức và định cư ở đó cho đến nay. Trước giải Nobel, bà từng được nhận khá nhiều giải thưởng trong khu vực các nước nói tiếng Đức.

      Trong số những tác phẩm được nhắc tới nhiều nhất của Herta Mueller có tiểu thuyết Herztier đoạt giải Kleist 1994 và cuốn Atemschaukel vừa ra mắt bạn đọc năm 2009.


Đức Anh (theo các báo Đức)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm