Mỹ lại thất bại ở giải Mỹ mở rộng 2010: Không vua, không hoàng tử...

11/09/2010 07:09 GMT+7 | Tennis

(TT&VH cuối tuần) - Hai ngày trước khi giải Mỹ mở rộng khởi tranh, John McEnroe có hỏi Fernando Verdasco và Tommy Robredo rằng ông chuẩn bị mở một học viện và muốn được họ tư vấn, làm thế nào để có thể “đẻ” ra được nhiều các tay vợt hàng đầu như quần vợt Tây Ban Nha. Một câu hỏi vui, nhưng chỉ ra sự suy tàn của quần vợt nam nước Mỹ và cả sự bất lực của người Mỹ khi không còn sản sinh ra những tài năng xuất chúng.

Thất bại toàn diện.


Ryan Harrison được người Mỹ gọi là "Hoàng tử hy vọng" nhưng cũng chỉ gây bất ngờ được một trận, Ảnh Getty
Andy Roddick, ngọn cờ đầu của quần vợt Mỹ bị loại ngay từ vòng hai bởi Janko Tipsarevic. John Isner trụ được tới vòng ba. Mardy Fish, người đã giảm tới 15 kg với hy vọng sẽ làm nên được điều gì đó ở giải năm nay cũng dừng chân sau vòng ba. Sam Querrey là người đi xa nhất, đã chiến đấu rất quả cảm, nhưng cũng thua sau năm set ở vòng bốn trước Stanislas Wawrinka (Thụy Sĩ) đang hồi sinh.

Ryan Harrison, 18 tuổi, được truyền thông Mỹ ca tụng như một tài năng trẻ xuất chúng, là “hoàng tử hy vọng”, cũng không thể viết nên câu chuyện cổ tích. Harrison hạ gục lão tướng Ivan Ljubicic ở vòng một, nhưng không thể tiếp tục làm nên bất ngờ ở vòng hai trước đàn anh Sergiy Stakhovsky (thua 2-3). Vậy là hai năm liên tiếp, quần vợt Mỹ không có đại diện ở vòng tứ kết đơn nam. Đã bảy năm qua, không có tay vợt nam của Mỹ nào vô địch ở giải Mỹ mở rộng. Người Mỹ cuối cùng vô địch là Andy Roddick, năm 2003.

Andy Roddick vừa trở lại top 10 (thứ chín) trên bảng xếp hạng ATP, khôi phục thành tích 37 năm liên tiếp người Mỹ luôn có mặt trong top 10 thế giới. Nhưng không ai dám chắc, Roddick, nay 28 tuổi, sẽ trụ lại ở đó bao lâu, và chuyện không có tay vợt nam của Mỹ nào ở tứ kết có dừng lại ở con số hai năm.

Người Mỹ không còn yêu quần vợt?

Có. Người Mỹ rất yêu quần vợt. Ngày càng có nhiều người đến với môn thể thao này. Hiệp hội sản xuất dụng cụ thể thao Mỹ thống kê, từ năm 2000 tới 2009, tỉ lệ người chơi quần vợt ở Mỹ đã tăng đột biến, lên tới 43%. Hiện ước tính khoảng 18,5 triệu người Mỹ chơi quần vợt, nhiều nhất trong các môn thể thao dùng vợt.

Trong khi đó, tỉ lệ người chơi golf ở Mỹ trong năm 2009 giảm 5%, xuống còn khoảng 27 triệu người. Lý do không chỉ là vì sự sụp đổ của thần tượng Tiger Woods mà còn bởi kinh tế suy thoái khiến người Mỹ phải bỏ môn thể thao đắt đỏ này để đến với quần vợt. Hàng nghìn người vẫn tham dự hai lễ hội tổ chức trong khuôn khổ giải Mỹ mở rộng 2010, đầu tiên là Kid’s Day và tiếp đến là Family Day. Điều đó chứng tỏ người Mỹ không hề hời hợt tham dự hay chơi quần vợt chỉ để giảm béo.

Người Mỹ không đầu tư?

Có. Họ đầu tư rất nhiều, cả trên hai mặt trận: phong trào và đỉnh cao.

Nếu như sự bùng nổ phong trào quần vợt ở Mỹ cách nay hơn 40 năm là nhờ sự nổi lên của hàng loạt các huyền thoại như Jimmy Connors, Billie Jean King hay Arthur Ashe, thì sự bùng nổ lần này là một phần nhờ vào sự đầu tư khổng lồ của Hiệp hội quần vợt Mỹ (USTA). Năm ngoái, tổ chức này chi tới 40 triệu USD để phát triển phong trào, và đó là năm thứ 12 liên tiếp, USTA chi mạnh tay.

USTA không chỉ có kiếm tiền và tiêu tiền, hay phó mặc việc đầu tư chuyên nghiệp cho các gia đình. Patrick McEnroe, anh trai của John McEnroe, vừa từ chức đội trưởng đội tuyển Davis Cup của Mỹ, nhưng vẫn là giám đốc điều hành dự án đào tạo các tay vợt chuyên nghiệp của USTA. Dưới ông có 20 huấn luyện viên chuyên trách đào tạo cho các tay vợt trẻ của Mỹ. Trong tổ chức này còn có 22 chuyên gia tư vấn, giám sát.

Hệ quả

Tất cả 35 tay vợt chủ nhà, đa phần là trẻ, tham dự vòng loại giải Mỹ mở rộng năm nay, nhưng chỉ ba người lọt vào tới vòng đấu chính thức, bao gồm “Hoàng tử hy vọng” Ryan Harrison. Nhưng cũng như hai người còn lại là Irina Falconi và Robert Kendrick (30 tuổi, đúng ra cũng không nên tính), Harrison không trưởng thành nhờ USTA. Những tay vợt được nuôi dưỡng bởi dự án phát triển của USTA đều bật bãi ngay từ vòng sơ loại.

Trận tứ kết ngoạn mục giữa David Ferrer và Verdasco, đều là người Tây Ban Nha, chỉ có vài ngàn người xem, bằng khoảng một phần ba sức chứa của sân Luis Amstrong. Trận tứ kết khác cũng toàn Tây Ban Nha diễn ra trên sân chính 24.000 chỗ ngồi Arthur Ashe cũng không kín sân, dù có sự xuất hiện của tay vợt số một thế giới Rafael Nadal. Người Mỹ mặc dù chơi quần vợt nhiều hơn, nhưng rõ ràng không phải ai cũng sẵn sàng tới xem Mỹ mở rộng biến thành Tây Ban Nha mở rộng.

Năm 2009, năm đầu tiên tứ kết nam không có người Mỹ, và trận chung kết nữ cũng chỉ có nàng dâu nước Mỹ (Kim Cljister, người Bỉ, lấy chồng Mỹ), chỉ có 2,6 triệu lượt người tới Flushing Meadows xem trực tiếp. Trong khi đó, năm 1991, con số tương ứng là 5,5 triệu người. Thời điểm ấy, quần vợt Mỹ thống trị thế giới.

Quần vợt là môn thể thao không mang tính màu cờ sắc áo nhiều như những môn thể thao khác. Roland Garros, Wimbledon, Australia Open cũng đang mỏi mắt chờ tay vợt chủ nhà lên ngôi, nhưng riêng ở Mỹ, đất nước nhiều huyền thoại quần vợt thế giới nhất, nhiều chức vô địch Grand Slam nhất (51 lần so với Thụy Điển đứng thứ hai, 25 lần), không có đại diện nào ở tứ kết là một nỗi đau quá khó tiêu hóa.

Phạm Diệu Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm