Giải mã thành công của Bayern: Khán giả. Lãnh đạo. Tài chính

09/02/2014 15:04 GMT+7 | Bayern Munich

(Thethaovanhoa.vn) - Bayern đang lần lượt chinh phục mọi đỉnh cao. Nhưng thành công này không từ trên trời rơi xuống mà là thành quả của những nỗ lực miệt mài trong suốt 30 năm qua.

"Nhiều đội bóng không có nổi một triết lý: họ bị dắt mũi bởi các nhà đầu tư, những người chỉ muốn thành công", chủ tịch Uli Hoeness mở đầu câu chuyện với tạp chí FourFourTwo.

Cổ động viên là số một

"Để lên đỉnh, họ ít chú ý tới các cổ động viên. Nhưng với Bayern, khán giả là trung tâm. Với người hâm mộ và các thành viên của chúng tôi, Bayern còn hơn cả một CLB. Đó là một gia đình", ông Hoeness chia sẻ. Năm ngoái, vị chủ tịch này cho biết Bayern có thể kiếm thêm 2 triệu euro nếu tăng giá vé nhưng không làm như vậy bởi khoản tiền này chẳng giúp CLB giàu thêm bao nhiêu nhưng lại là gánh nặng với các CĐV. Thậm chí, do giá vé sân khách trận knock-out Champions League khá cao, Bayern còn “trợ giá” cho các CĐV tới Arsenal cổ vũ đội nhà.

Cũng vì chiều các CĐV, Bayern đã đưa ra một quy định bắt buộc với HLV Pep Guardiola: phải mở cửa các buổi tập cho khán giả. CEO Karl Heinz Rummenigge chia sẻ: "Tôi nghĩ chúng tôi là đội bóng duy nhất trong top 10 châu Âu vẫn làm vậy. Tôi nói với Pep điều này rất quan trọng bởi chúng tôi muốn hòa hợp và gần gũi với các CĐV". Trong buổi tập đầu tiên dưới thời Guardiola, đã có 10.000 CĐV tới xem và toàn bộ số tiền bán vé đều để làm từ thiện. Bayern khi mới thành lập là một đội bóng phi lợi nhuận và hiện nay, thuộc về 223.985 thành viên.

Lãnh đạo sống chết với bóng đá

Nhiều CLB lớn đang bị thao túng bởi các ông chủ lắm tiền, gần như không biết gì về bóng đá và thay đổi nhân sự ngay khi doanh thu giảm. Ngược lại, bộ sậu của Bayern khá ổn định và đều là những nhân vật sừng sỏ trong làng túc cầu. "Hãy nhìn xem trong 30-40 năm qua, Bayern có bao nhiêu chủ tịch, người quản lý. Không nhiều. So với các đội khác, đây là sự khác biệt lớn", ông Hoeness tiết lộ. Vị chủ tịch này cũng từng tán đồng ý tưởng những Schweinsteiger hay Philipp Lahm sẽ trở thành lãnh đạo của Bayern trong tương lai.

CEO Rummenigge cho biết Guardiola từng rất ấn tượng với cấu trúc của Bayern: "Khi bàn về chuyển nhượng, HLV cùng ngồi với lãnh đạo, bàn bạc xem cần gì, nên làm gì và như thế nào. Tôi nghĩ cậu ấy không quen với việc này bởi ở Barcelona, chủ tịch quyết định gần hết mọi việc.". “Cấu trúc có thể thay đổi nhưng tinh thần còn nguyên: đó là niềm tin vào nhân sự và làm việc cùng nhau", Sammer chia sẻ thêm.

Tài chính phải bền vững

Một yếu tố khác giúp Bayern thành công là tài chính vững vàng. Ông Hoeness nhớ lại: "Khi tôi bắt đầu làm quản lý năm 1979, không có những việc như marketing hay kinh doanh, chỉ có chút tiền bản quyền truyền hình. Khi thời tiết xấu, người ta ở nhà nhưng chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào các khán giả: 85% doanh thu của Bayern đến từ tiền bán vé. Tôi sang Mỹ học xem người ta kiếm hàng triệu USD từ bóng bầu dục và bóng chày như thế nào. Tôi cũng xem cách Man United, một mô hình độc nhất khi đó, kiếm tiền nữa. Hiện nay, khán giả của Bayern đông gấp đôi nhưng tiền vé chỉ chiếm 15% doanh thu".

Theo báo cáo của hãng kiểm toán Deloitte, mùa trước, Bayern là đội kiếm tiền nhiều thứ 3 trên thế giới và ông Hoeness từng mơ đội nhà sẽ giàu nhất vào một ngày không xa. Theo tạp chí FourFourTwo, trong vài năm tới, không có nhiều đội bóng có nền tảng tài chính khả quan như Bayern. CEO Rummenigge cũng tiết lộ không ít đội bóng đã đến học hỏi mô hình của Bayern: "Chúng tôi thường xuyên phải tiếp khách. Từ 5 giải hàng đầu châu Âu, từ cả Đông Âu nơi các CLB hoàn toàn phụ thuộc vào các nhà tài phiệt".

Trần Khánh An
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm