Giải bóng bàn các tay vợt xuất sắc ĐNÁ lần 1: Quy mô lớn nhất từ trước tới nay

09/09/2010 10:45 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH) - Không chỉ tạo điểm nhấn từ mức tiền thưởng kỷ lục, giải còn có sự góp mặt của 24 cây vợt nam nữ xuất sắc nhất VN cùng các tay vợt hàng đầu trong khu vực đến từ Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan. Người hâm mộ bóng bàn VN hứa hẹn sẽ được thưởng thức một bữa tiệc đầy màu sắc trong 2 ngày diễn ra giải.

Tín hiệu mừng từ tiền thưởng


Mặc dù bóng bàn được đánh giá là một trong những môn thể thao có tiến trình xã hội hoá mạnh mẽ trong thời gian gần đây, nhưng việc BTC công bố tổng mức tiền thưởng lên tới 17.800 USD khiến không ít người cảm thấy… “choáng”. Đây được coi là số tiền thưởng kỷ lục của BBVN trong hơn một thập kỷ qua, tính ở các giải đấu có tính chất mở rộng và không thuộc hệ thống thi đấu của LĐBB châu Á (ATTU) hoặc thế giới (ITTF). Giải thưởng cao nhất cho chức vô địch đơn nam và đơn nữ là 3.000 USD (mọi năm là 10 triệu đồng), con số mà ngay cả những tay vợt có “thâm niên” tham dự các giải đấu chuyên nghiệp nằm trong hệ thống thi đấu chính thức của ITTF (Pro Tour) cũng phải bất ngờ.


 Đoàn Kiến Quốc sẽ là niềm hy vọng lớn nhất của chủ nhà Việt Nam tại giải

Nếu làm một phép tính so sánh sẽ thấy mức tiền thưởng cho chức vô địch lần này còn cao hơn 200 USD so với phần thưởng của ngôi vị quán quân nội dung đơn 2 giải Pro Tour diễn ra tại Marốc và Ai Cập hồi tháng 7 vừa qua (“chỉ” 2.800 USD). Không những thế, tại giải bóng bàn các tay vợt xuất sắc ĐNA lần 1-Cup VOV, ngay cả tay vợt đứng ở hạng cuối cùng (hạng 16) cũng sẽ có tiền thưởng. Đây được cho là một tín hiệu mừng với BBVN, bởi bao năm qua, giải thưởng ở các giải đấu lớn quá khiêm tốn nên không thu hút được các tay vợt mạnh của nước ngoài, khiến cho tính cạnh tranh của giải đấu cũng vì thế mà giảm sút. Được biết, Đài tiếng nói VN (VOV) sẽ tài trợ cho giải 5 năm liền và có khả năng mức tiền thưởng của các năm sau còn cao hơn nữa, khi mà giải đã gây được tiếng vang lớn.

Chẳng khác gì SEA Games


Đã rất lâu người hâm mộ BBVN mới có dịp được thưởng thức một giải đấu có chất lượng chuyên môn hàng đầu khu vực như giải lần này. Tại đây, sân chơi SEA Games được tái hiện với sự góp mặt của 3 quốc gia có nền bóng bàn phát triển nhất ĐNA là Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Dù không mời được những tay vợt mạnh nhất trong khu vực (chủ yếu là Singapore) vì thời gian cập rập, nhưng với những khách mời lần này, BTC cũng hoàn toàn có quyền tự hào về một giải đấu chất lượng nhất từ trước tới nay. Ở nội dung đơn nam, đáng chú ý nhất là Gao Ning, tay vợt gốc Trung Quốc hiện đang khoác áo Singapore (hạng 19 TG). Gao Ning chẳng xa lạ gì với làng bóng bàn thế giới, bởi tay vợt này sở hữu hàng loạt các danh hiệu tại các giải Pro Tour ở Australia, Ấn Độ, Chile, Thụy Sỹ… . Thành tích gần đây nhất của nhà vô địch SEA Games 25 (đơn nam, đồng đội nam) là vào đến tứ kết giải Trung Quốc mở rộng. Với đẳng cấp vượt trội, Gao Ning chắc chắn sẽ không khó khăn để “ẵm” 3.000 USD tiền thưởng cho chức vô địch. Ngoài Gao Ning còn phải kể đến Gonzales Richard, chuyên gia cắt bóng người Philippines (thắng Nam Hải tại SEA Games 25) và tay vợt có lối chơi lì lợm Chai Kian Beng (Malaysia, hạng 594 TG).


Với các tay vợt nam của chủ nhà (12 đại diện có thứ hạng cao nhất tại giải VĐTQ 2010),  xét về đẳng cấp và phong độ hiện tại, chỉ có Đoàn Kiến Quốc là có khả năng gây ra khó khăn với Gao Ning. Tại trận chung kết SEA Games 25, Kiến Quốc suýt hạ Gao Ning ở nội dung đồng đội, khi bị đối thủ dẫn trước 2-0 đã xuất sắc gỡ hòa 2-2 nhưng thua vào phút chót rất đáng tiếc. Tuy nhiên, tại trận bán kết đôi nam, Kiến Quốc/Quang Ninh lại thắng Gao Ninh/Yang Zi 3-1 để giành ngôi vô địch.

Hiện BTC cũng đã xác định được 4 hạt giống của giải dựa trên BXH của ITTF, trong đó, 3 đại diện của chủ nhà là Tuấn Quỳnh (234), Kiến Quốc (243), Quang Linh (255) cùng với hạt giống số 1 Gao Ning đứng đầu 4 bảng đấu của nội dung đơn nam.

Trong khi đó, ở nội dung đơn nữ, các tay vợt VN gần như không có khả năng tranh ngôi vô địch khi phải đối đầu với 4 tay vợt hàng đầu khu vực. Đáng chú ý nhất là tay vợt hạng 17 thế giới Yu Mengyu (Singapore). Ngoài ra, còn cặp VĐV Thái Lan từng một thời làm mưa làm gió tại đấu trường khu vực là Nathana Komwong- Anisara Muangsuk. Gương mặt cuối cùng là Beh Lee Wei (Malaysia) cũng chẳng dễ chơi khi đang xếp hạng 127 TG. Cả 4 gương mặt trên đều được xếp là hạt giống của giải.

Đáng tiếc ở giải đấu chất lượng như này, một số tay vợt mạnh trong nước không thể tham dự. Đáng chú ý nhất đó là trường hợp của á quân đơn nam giải VĐQG Trần Huy Bảo (TP.HCM) do đang bận đi học. Người thay Huy Bảo sẽ là tay vợt Nguyễn Văn Ngọc (Hải Dương). Ở giải nữ, Nguyễn Phạm Thanh Thuý An (Vĩnh Long) vắng mặt nên thay vào đó là Lê Thị Phương Dung (Tiền Giang).

Gia Minh

Theo điều lệ, 16 cây vợt nam, 16 cây vợt nữ được chia làm 4 bảng thi đấu vòng tròn 1 lượt tính điểm, nhằm xác định thứ hạng cụ thể từng bảng. Sau vòng đấu bảng, 2 cây vợt dẫn đầu sẽ giành quyền tranh tài ở tốp 8, số còn lại thi đấu xếp hạng 9-16. Vì giải lần đầu tổ chức nên chưa đưa vào hệ thống thi đấu của ITTF hay Hiệp hội Bóng bàn Đông Nam Á (ATTU). Do vậy, ngoài tiền thưởng, các VĐV không có cơ hội tích lũy điểm trên bảng xếp hạng bóng bàn thế giới. Các trận đấu của giải diễn ra từ ngày 11 đến 12/9 tại NTĐ Hải Dương.

16 tay vợt nam: Đoàn Kiến Quốc, Hồ Ngọc Thuận, Phan Huy Hoàng, Trần Tuấn Quỳnh, Nguyễn Nam Hải, Nguyễn Anh Tú, Đinh Quang Linh, Nguyễn Thành Luân, Dương Văn Nam, Lê Tiến Đạt, Đào Duy Hoàng, Nguyễn Văn Ngọc, Đỗ Đức Duy, Gao Ning, Gonzales Richard, Chai Kian Beng, Santoso Supit.

16 tay vợt nữ: Mai Hoàng Mỹ Trang, Mai Xuân Hằng, Trần Ngọc Quỳnh Trâm, Nguyễn Thị Việt Linh, Phan Hoàng Tường Giang, Lương Thị Tám, Dương Thị Mai, Phạm Thị Thiên Kim, Lê Thị Phương Dung, Đinh Thị Hằng, Nguyễn Lê Thuỳ Dương, Nguyễn Thị Nga, Yu Mengyu, Nathana Komwong, Anisara Muangsuk, Beh Lee Wei.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm