Giấc mộng đêm hè

27/06/2010 12:00 GMT+7 | World Cup 2010

(TT&VH) - Hôm nay, trước trận thư hùng Anh - Đức tôi lôi “Nỗi đau của chàng Werther” ra đọc và chợt nhận thấy những logic khá thú vị giữa văn học –bóng đá, một sự liên kết khá tình cờ để lý giải cho tình yêu của người hâm mộ đối với tuyển Đức cũng như tuyển Anh.

Không ai trên thế giới này lại không biết William Shakespeare - đại văn hào Anh nổi tiếng với những với những tác phẩm bất hủ về tình yêu, sự hiến dâng, lòng thù hận thể hiện qua cả bi kịch lẫn hài kịch. Người ta yêu Shakespeare bởi sự lãng mạn, bay bổng, ngôn ngữ đẹp như những vần thơ trác tuyệt có sức thẩm thấu nhanh vào lòng người và khiến người ta xúc động, say mê ngay lập tức.

Đó cũng là con đường mà người hâm mộ đến với tuyển Anh. Sự hào hoa, phóng khoáng, lối đá nhanh, đơn giản nhưng khó kiểm soát, một sự tiếp cận trực diện và nhanh chóng.

Còn con đường để người yêu văn học, yêu cái đẹp đến với Johann Wolfgang von Goethe - nhà thơ, nhà viết kịch, tiểu thuyết gia, nhà văn, họa sĩ kiêm nhà khoa học của Đức thì không như vậy. Mặc dù nhiều tác phẩm của Goethe đã trở thành nguồn cảm hứng cho những sáng tác nghệ thuật của Đức và châu Âu thời kỳ Khai sáng, nhưng để say mê được Goethe thì cần có thời gian, có sự chiêm nghiệm, thậm chí tìm hiểu nghiêm túc.

Bởi vậy nếu với các tác phẩm của Shakespeare - đội tuyển Anh thì có thể ví như một anh chàng đẹp trai, dễ mến, phong cách cuốn hút, tính tình hào sảng chỉ thoạt nhìn là yêu ngay. Thì với Goethe và Đức lại là một trung niên có vẻ hơi khó tiếp cận, thâm trầm, ít thể hiện, nhưng càng tiếp xúc, càng yêu, càng khám phá ra những điều thú vị trong thế giới nội tâm của chàng và càng say mê.

Trở lại với bóng đá, trước mọi trận đấu của Đức và Anh, thì cuộc chiến bên ngoài sân cỏ luôn nóng hơn rất nhiều và diễn ra trước trận đấu nhiều giờ, nhiều ngày cũng như tiếp tục nhiều ngày tháng, thậm chí hàng chục năm sau đó. Giống như sự thù hằn của hai dòng họ Montague và Capulet (nhưng có lẽ sẽ không bao giờ có kết cục như Romeo và Juliet: tình yêu và cái chết của đôi trẻ hóa giải được hận thù) khi mà người Anh thì muốn tìm đến vinh quang lần thứ 2 sau 34 năm ngày World Cup diễn ra trên đất nước họ, còn Đức thì hướng đến ngôi sao thứ 4.

Dẫu vẫn biết mọi thống kê mang tính lịch sử chả có ý nghĩa gì, nhưng có một thực tế là dù Đức chưa bao giờ sở hữu nhiều ngôi sao “hàng khủng,” cũng chẳng có cầu thủ Đức nào làm “cả thế giới điên đảo” như David Beckham hay như Rooney, song, nếu tính từ trận bán kết mùa hè Italia thì Tam sư chưa có cơ hội lần thứ 2 vào đến bán kết. Còn Mannschaft đã vô địch năm đó, đã là Á quân năm 2002, thứ 3 năm 2006 và bỏ túi thêm 1 Á quân Euro, một vô địch Euro.

Shakespeare có một vở kịch khá nổi tiếng nhưng không được phổ biến nhiều ở Việt Nam là Giấc Mộng Đêm Hè” (Midsummer Night's Dream) mà thông qua tình huống kịch, ông muốn gửi gắm thông điệp  “tình yêu không theo luật lệ nào ngoài thứ luật của chính nó!” Đêm nay, sẽ có một Giấc mộng đêm hè và lại khẩu chiến (không thể khác được) xin lỗi Tam Sư, Đức đã hẹn với Argentine ở tứ kết nên đành phải biến giấc mộng của các bạn thành ác mộng!  

Đoàn Ngọc Thu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm