11/10/2023 15:40 GMT+7 | Bạn cần biết
Chiều nay 11/10/2023 liên Bộ Công thương Tài chính công bố giá xăng dầu cơ sở cho chu kỳ điều hành mới.
tiếp tục cập nhật
Giá xăng dầu giảm mạnh từ 16h chiều nay
Bộ Công Thương vừa công bố thông tin điều chỉnh giá xăng từ 16h chiều nay 11/10.
Xăng E5RON92 không cao hơn 21.907 đồng/lít, giảm 1.595 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành
Xăng RON95-III không cao hơn 23.044 đồng/lít, giảm 1.798 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành.
Dầu điêzen 0.05S không cao hơn 22.410 đồng/lít, giảm 1.184 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành.
Dầu hỏa không cao hơn 22.464 đồng/lít, giảm 1.352 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành.
Dầu madút 180CST 3.5S không cao hơn 16.238 đồng/kg, giảm 1.214 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành.
Trong kỳ điều hành lần này, Bộ Công Thương không trích lập Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu. Đồng thời tiếp tục không chi sử dụng Quỹ BOG đối với 02 mặt hàng xăng, dầu madút, ngừng chi sử dụng Quỹ BOG đối với 02 mặt hàng dầu điêzen (kỳ trước chi 285 đồng/lít) và dầu hỏa (kỳ trước chi 109 đồng/lít).
Thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 02/10/2023-10/10/2023) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: Tâm lý thận trọng của các nhà giao dịch trước khả năng gián đoạn nguồn cung do căng thẳng tại khu vực Trung Đông đang diễn ra; việc giảm kỳ vọng đối với các biện pháp hạn chế sản lượng tự nguyện của Ả rập xê út…các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu từ ngày 02/10 đến 10/10 có biến động tăng giảm đan xen nhưng xu thế chung là giảm.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 02/10/2023 và kỳ điều hành ngày 11/10/2023 là: 92,040 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (giảm 9,454 USD/thùng, tương đương giảm 9,32% so với kỳ trước); 97,021 USD/thùng xăng RON95 (giảm 9,811 USD/thùng, tương đương giảm 9,18% so với kỳ trước); 113,919 USD/thùng dầu hỏa (giảm 8,896 USD/thùng, tương đương giảm 7,24% so với kỳ trước); 114,460 USD/thùng dầu điêzen (giảm 8,904 USD/thùng, tương đương giảm 7,22% so với kỳ trước); 484,764 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (giảm 45,687 USD/tấn, tương đương giảm 8,61% so với kỳ trước).
Phương án điều hành giá xăng dầu nêu trên nhằm góp phần bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước cơ bản phù hợp với biến động giá xăng dầu thế giới; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học theo chủ trương của Chính phủ; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Giá bán lẻ xăng dầu 11/10 được áp dụng từ phiên điều chỉnh ngày 2/10:
Trong kỳ điều chỉnh giá hôm nay 11/10, giá xăng trong nước được dự báo giảm lần thứ hai liên tiếp.
Dự báo giá xăng có thể giảm mạnh 1.300 đồng/lít, trong khi giá dầu có thể giảm tới 1.000 đồng/lít,kg nếu liên Bộ Công Thương - Tài chính không tác động vào quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Giá xăng E5 RON92 giảm 695 đồng/lít, xuống 23.502 đồng/lít, giá xăng RON95 giảm 906 đồng/lít, còn hơn 24.842 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu mazut giảm 395 đồng/kg, không cao hơn 17.452 đồng/kg; giá dầu diesel không cao hơn 23.594 đồng/lít, giữ nguyên so với giá kỳ trước; giá dầu hỏa không cao hơn 23.816 đồng/lít, cũng không thay đổi so với kỳ trước.
Tính từ đầu năm đến nay, cơ quan điều hành đã thực hiện 28 kỳ điều chỉnh giá xăng dầu với 16 kỳ tăng, 8 kỳ giảm và 4 kỳ giữ nguyên giá bán.
Nếu dự báo của các chuyên gia chính xác thì giá xăng hôm nay có lần thứ hai liên tiếp được điều chỉnh giảm mạnh và là lần giảm thứ 9 kể từ đầu năm đến nay.
Giữa bối cảnh các bộ trưởng Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, còn gọi là OPEC+, chuẩn bị nhóm họp để đánh giá thị trường dầu mỏ toàn cầu, không có dấu hiệu nào cho thấy nhóm này sẽ tìm cách "hạ nhiệt" đà tăng đã đưa giá lên gần 100 USD/thùng hiện nay.
Giá dầu thô thế giới đã tăng hơn 20% trong ba tháng qua, khi các nhà lãnh đạo OPEC+ siết chặt nguồn cung trong lúc nhu cầu nhiên liệu thế giới đạt mức cao kỷ lục. Sự gia tăng này có nguy cơ làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu vốn đang mong manh, gây tổn hại cho người tiêu dùng với một đợt lạm phát tăng vọt khác và phá hỏng kế hoạch kết thúc lộ trình tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương.
Tuy nhiên, các đại diện của OPEC+ không kỳ vọng rằng cuộc họp ngày 11/10 của Ủy ban Giám sát chung cấp bộ trưởng của nhóm này sẽ đề xuất bất kỳ sự thay đổi chính sách nào. Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) Suhail al Mazrouei cho biết, OPEC+ có "chính sách đúng đắn".
Giá dầu cao đang mang lại "vận may bất ngờ" cho Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman, khi Vương quốc này đang vung tiền vào mọi thứ, từ các thành phố tương lai và các hợp đồng viễn thông quốc tế, cho đến các cầu thủ bóng đá và tay chơi golf hàng đầu. Đây cũng là nguồn thu nhập bổ sung quan trọng cho Tổng thống Nga Vladimir Putin khi đất nước ông tiếp tục cuộc xung đột với Ukraine.
Bob McNally, Chủ tịch Tập đoàn Năng lượng Rapidan và cũng là cựu quan chức Nhà Trắng, nói với Bloomberg: "Thị trường dầu mỏ đang bị siết chặt, nhưng sẽ còn bị siết chặt hơn nữa. Mọi thứ thực sự phụ thuộc vào những gì Saudi Arabia sẽ làm".
Saudi Arabia đã cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày trong tháng 7/2023, làm gia tăng mức cắt giảm trước đó được thực hiện cùng với OPEC+ và đưa sản lượng xuống mức thấp nhất trong hai năm là khoảng 9 triệu thùng/ngày. Nước này cam kết giữ nguyên giới hạn đó cho đến cuối năm nay. Trong khi Nga đã cam kết cắt giảm xuất khẩu dầu khiêm tốn hơn, chỉ ở mức 300.000 thùng/ngày.
Hai nước dẫn đầu nhóm OPEC+ cho biết họ sẽ xem xét quyết sách sản lượng mỗi tháng, nhưng có rất ít kỳ vọng về bất kỳ thay đổi nào sẽ được đưa ra tại cuộc họp tuần này. Hầu hết các thành viên OPEC+ không tham gia cắt giảm sản lượng bổ sung, vốn đã thúc đẩy giá tăng, có nghĩa là bất kỳ điều chỉnh nào do Saudi Arabia và Nga thực hiện đều có xu hướng được đưa ra trong các tuyên bố riêng biệt.
Ít nhất hiện tại, các "ông trùm" của OPEC+ vẫn có lý do để duy trì sự kiểm soát nguồn cung của họ. Giá dầu Brent đã tăng lên mức trên 97 USD/thùng vào tuần trước, nhưng sau đó đã giảm xuống gần 90 USD/thùng tại thị trường London do lo ngại về nền kinh tế toàn cầu.
Bằng cách hạn chế nguồn cung ngay khi mức tiêu thụ phục hồi sau đại dịch, việc cắt giảm sản lượng đang làm cạn kiệt lượng dầu tồn kho trên toàn thế giới với tốc độ nhanh nhất trong nhiều năm. Ở Mỹ, các kho chứa đã cạn dầu đến mức chúng khó có thể hoạt động bình thường. Điều này gây tổn thương cho người tiêu dùng. Ông Pankaj Jain từ Bộ Dầu mỏ và Khí đốt tự nhiên Ấn Độ, cho biết tại hội nghị năng lượng Adipec ở Abu Dhabi hôm 9/10 rằng: "Giá dầu đang quá cao. Ấn Độ, một khách hàng lớn của dầu mỏ Saudi và Nga, không thoải mái với giá ở mức này và nhu cầu sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực".
Tháng trước, quan chức năng lượng Indonesia Tutuka Ariadji đã phàn nàn về "gánh nặng lớn" về chi phí nhiên liệu đối với quốc gia đông dân thứ tư thế giới, trong khi các hãng hàng không Mỹ bao gồm Southwest Airlines Co. và United Airlines Holdings Inc. cảnh báo hành khách phải chuẩn bị cho giá nhiên liệu máy bay tăng cao hơn.
Các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã phát đi tín hiệu rằng lãi suất sẽ cần phải duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn để kiềm chế lạm phát. Do đó, giá dầu tăng cao hơn cũng có thể là mối nguy hiểm chính trị đối với Tổng thống Joe Biden khi ông chuẩn bị cho chiến dịch tái tranh cử vào năm tới với giá xăng gần 4 USD/gallon (1 gallon = 3,78 lít).
OPEC+ đã đưa ra nhiều lý do hợp lý cho chính sách của mình, đồng thời liên tục phủ nhận rằng họ đang nhắm mục tiêu vào một mức giá cụ thể. Tổng thư ký OPEC Haitham Al Ghais cho biết, ông lạc quan về nhu cầu dầu mỏ, trong khi Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Cơ sở hạ tầng UAE, Suhail bin Mohammed Al Mazrouei, cho biết mục đích của nhóm là khuyến khích đầu tư vào nguồn cung mới. Tháng trước, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, đã mô tả chiến lược này là "chủ động", trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc có những bất ổn.
Nếu việc siết chặt nguồn cung của các-ten này đẩy giá dầu lên trên 100 USD/thùng, câu chuyện có thể chuyển sang việc liệu Saudi Arabia có can thiệp để ngăn chặn thị trường tăng vọt hay không. Goldman Sachs Group Inc. dự báo rằng Saudi Arabia sẽ khôi phục nguồn cung để ngăn giá tăng vượt 105 USD/thùng, trong trường hợp giá cao làm giảm mức tiêu thụ.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất