Giá vàng trong nước ổn định, giá thế giới giảm phiên thứ hai liên tiếp

23/08/2024 08:27 GMT+7 | Bạn cần biết

Giá vàng trong nước

Thị trường vàng trong nước ổn định với giá vàng miếng và vàng nhẫn neo ở mức của rạng sáng qua.

Vàng miếng SJC đang được các ngân hàng Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank và các công ty vàng bạc đá quý bán ra ở mức 81 triệu đồng/lượng. Ở chiều mua, giá vàng các thương hiệu được niêm yết ở mức 79 triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn SJC 9999 niêm yết lần lượt ở mức 77,1 triệu đồng/lượng mua vào và 78,4 triệu đồng/lượng bán ra. DOJI tại thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh niêm yết giá mua - bán vàng nhẫn ở mức 77,15 triệu đồng/lượng và 78,35 triệu đồng/lượng. 

Giá mua và giá bán vàng nhẫn thương hiệu PNJ niêm yết ở mức 77,1 triệu đồng/lượng và 78,35 triệu đồng/lượng.

Giá nhẫn tròn trơn của Bảo Tín Minh Châu neo ở mốc 77,08 triệu đồng/lượng mua vào và 78,38 triệu đồng/lượng bán ra. Phú Quý SJC giữ nguyên giá mua và bán ở mốc 77,1 triệu đồng/lượng và 78,4 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước ổn định, giá thế giới giảm phiên thứ hai liên tiếp - Ảnh 1.

Bảng giá vàng cập nhật rạng sáng nay 23/8

Giá vàng giảm phiên thứ hai liên tiếp

Giá vàng giảm phiên thứ hai liên tiếp trong phiên giao dịch 22/8, nhưng mức giảm không xa mức cao kỷ lục trên 2.500 USD/ounce do Phố Wall kỳ vọng vào việc Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng 9/2024.

Giá vàng giao tháng 12/2024 của Mỹ lúc đóng cửa ở mức 2.517,80 USD/ounce, giảm 29 USD (1,1%) so với phiên giao dịch trước đó. Trong phiên này giá vàng có lúc được giao dịch ở mức 2.506,45 USD/ounce, nhưng vẫn thấp hơn 3% so với mức đỉnh 2.570,40 USD/ounce được thiết lập hôm 20/8.

Tính từ đầu năm đến nay giá vàng tăng hơn 20% và là kim loại quý có mức tăng mạnh thứ hai, chỉ sau bạc với mức tăng 22%.

Phố Wall kỳ vọng rằng Fed sẽ thực hiện một đợt cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm tại cuộc họp ngày 18/9. Khả năng cắt giảm lãi suất của Mỹ - về mặt logic, sẽ đẩy đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ xuống và đưa giá vàng lên cao hơn.

Diễn biến mới nhất về nhu cầu tại hai thị trường vàng lớn nhất thế giới

Ấn Độ và Trung Quốc- hai thị trường vàng lớn nhất thế giới - tiếp tục cho thấy hai bức tranh tương phản về nhu cầu tiêu thụ. Trong khi người tiêu dùng Ấn Độ giải phóng nhu cầu bị kìm nén thời gian qua, người tiêu dùng Trung Quốc kiềm chế mua vàng so với đà mua kỷ lục hồi đầu năm.

Theo các báo cáo ban đầu, thị trường vàng Ấn Độ đã chứng kiến các giao dịch sôi động hơn sau khi Chính phủ Ấn Độ giảm thuế nhập khẩu kim loại quý này từ 15% xuống còn 6%.

Bà Kavita Chacko, trưởng bộ phận nghiên cứu của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) tại Ấn Độ, cho biết: "Các báo cáo không chính thức cho thấy xu hướng mua mạnh mẽ hơn từ các nhà bán lẻ trang sức cũng như người tiêu dùng Ấn Độ kể từ khi thuế nhập khẩu giảm. Tại Triển lãm Trang sức Quốc tế Ấn Độ vừa kết thúc, các nhà sản xuất vàng đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể trong lượng đơn đặt hàng từ các nhà bán lẻ đang chuẩn bị cho mùa lễ hội và mùa cưới kéo dài đến tháng 12 tới. Thậm chí, lượng đơn đặt hàng cho một số sản phẩm vàng đã đạt đến mức chưa từng thấy trong nhiều năm".

Theo nghiên cứu của JPMorgan, chuỗi trang sức Senco Gold của Ấn Độ đã chứng kiến doanh số bán tăng 25-30% trong nửa đầu quý II/2024, so với mức tăng 10% trong quý đầu tiên. Bà Chacko cho biết, việc giảm thuế nhập khẩu vàng có thể giúp tăng nhu cầu vàng vật chất của Ấn Độ lên 50 tấn trong nửa cuối năm nay.

Tuy nhiên, thị trường Ấn Độ vẫn phải đối mặt với một số thách thức. Thách thức lớn nhất vẫn là  giá tăng mạnh. Ngay cả với thuế nhập khẩu thấp hơn, bà Chacko lưu ý rằng giá vàng tại Ấn Độ đã tăng 10% kể từ đầu năm nay. Bà nói: "Nguyên nhân của đà tăng này có thể là bởi sự tăng mạnh của giá vàng toàn cầu (tăng 18% từ đầu năm đến nay) do xu hướng mua vào của các ngân hàng trung ương, rủi ro địa chính trị gia tăng, và kỳ vọng về sự thay đổi chính sách tiền tệ từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed)".

Thị trường vàng của Ấn Độ hoàn toàn trái ngược với diễn biến của Trung Quốc, thị trường vàng lớn nhất thế giới. Sau khởi đầu tốt chưa từng có trong đầu năm nay, nhu cầu tiêu thụ vàng tại Trung Quốc đã chậm lại đáng kể trong vài tháng qua.

Theo dữ liệu chính thức, nhập khẩu vàng của Trung Quốc đạt 44,6 tấn trong tháng 7/2024, giảm 24% so với tháng Sáu, chạm mức thấp nhất trong hai năm. Dữ liệu ảm đạm của tháng Bảy diễn ra theo sau mức giảm 58% của tháng Sáu.

Các nhà phân tích hàng hóa tại BMO Capital Markets cho biết: "Giá vàng đạt mức cao kỷ lục và nền kinh tế trì trệ tiếp tục ngăn cản người tiêu dùng Trung Quốc mua sắm, đặc biệt là các khoản mua sắm tùy ý như đồ trang sức".

Tuy nhiên, không phải ai cũng tin rằng nhu cầu của Trung Quốc sẽ tiếp tục suy yếu. Tuần trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng mới cho một số ngân hàng nước này. Các nhà phân tích cho rằng đây có thể là dấu hiệu của đợt phục hồi nhu cầu vàng.

Ông James Hyerczyk, một nhà phân tích thị trường tại FXEmpire, cho biết các biện pháp gần đây của Chính phủ Trung Quốc nhằm ổn định nền kinh tế trong nước có thể thúc đẩy sự quan tâm mới đến vàng. Với các chính sách nhằm tăng cường niềm tin của người tiêu dùng và khuyến khích chi tiêu, các hộ gia đình Trung Quốc có thể ngày càng chuyển sang vàng như một "tài sản trú ẩn an toàn" trong thời kỳ bất ổn.

Ông Hyerczyk nói thêm là nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, giao dịch vàng tại Trung Quốc có tác động mạnh đến thị trường quốc tế. Sự gia tăng nhu cầu từ Trung Quốc có thể đẩy giá lên cao hơn, đặc biệt nếu các yếu tố khác như lạm phát và căng thẳng địa chính trị gia tăng, và tiếp tục hỗ trợ cho sự hấp dẫn của vàng.

Thảo Vy

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm