11/11/2024 14:54 GMT+7 | Bạn cần biết
tiếp tục cập nhật...
Ghi nhận đầu giờ chiều nay 11/11 giá vàng trên thị trường đồng loạt giảm ở cả hai chiều mua vào và bán ra.
Giá vàng trong nước
Giá mua vào giảm từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng/lượng. Giá bán ra giảm từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng/lượng.
Vàng SJC 81,9 triệu đồng/lượng mua vào giảm 100.000 đồng, 85,4 triệu đồng/lượng bán ra giảm 400.000 đồng.
Giá vàng DOJI tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ở mức 81,9 triệu đồng/lượng mua vào giảm 100.000 đồng và 85,4 triệu đồng/lượng bán ra giảm 400.000 đồng.
Vàng PNJ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh giảm 300.000 đồng/lượng ở cả hai chiều, ở mức 83,1 triệu đồng/lượng mua vào và 84,9 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng SJC tại Bảo Tín Minh Châu và Công ty vàng bạc Phú Quý đều được giao dịch ở mức 82,1 triệu đồng/lượng mua vào và 85,4 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng thế giới tiếp tục giảm và là phiên thứ hai liên tiếp giảm trong khi các nhà đầu tư chờ đợi Mỹ công bố các số liệu kinh tế mới.
Thị trường cũng quan tâm đến những bình luận từ các quan chức của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) để có thêm định hướng về chính sách lãi suất của Mỹ trong tương lai.
Giá vàng giao ngay giảm 0,5% xuống 2.669,22 USD/ounce vào lúc 10 giờ 06 phút (giờ Việt Nam). Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng giảm 0,7% xuống 2.675,90 USD/ounce.
Chuyên gia thị trường Yeap Jun Rong của IG cho biết, giá vàng trước đây được coi là một công cụ phòng ngừa rủi ro và bất ổn. Ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nhanh hơn dự kiến có thể là một yếu tố giải tỏa bớt những lo ngại của thị trường trong ngắn hạn. Đồng USD mạnh cũng khiến giá vàng giảm.
Chuyên gia Yeap cũng kỳ vọng Fed sẽ thận trọng hơn trong chính sách nới lỏng tiền tệ sắp tới, điều này có thể hạn chế giá vàng tăng.
Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng chờ đợi dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng và chỉ số giá sản xuất, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần và số liệu doanh số bán lẻ của Mỹ cũng sẽ được công bố trong tuần này.
Theo công cụ FedWatch của CME, các nhà giao dịch dự đoán 65% khả năng Fed sẽ giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 12/2024 và 35% khả năng không thay đổi.
Tại Việt Nam, lúc 11 giờ 45 phút sáng 11/11, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 81,90 - 85,40 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Bên lề Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Giải quyết sự mất cân đối cung - cầu về vàng trong nước
Theo TTXVN, sáng 11/11, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội thể hiện sự tâm tới việc quản lý thị trường vàng và hoạt động mua bán vàng miếng.
Là đại biểu tham gia chất vấn và tranh luận với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng về hoạt động mua bán vàng miếng, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết ý kiến chất vấn của ông đã được Thống đốc trả lời và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành chất vấn đề nghị Thống đốc trả lời thêm và cụ thể băng văn bản.
Làm rõ ý kiến của mình, đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết, trong hai câu hỏi chất vấn, câu hỏi thứ nhất, đại biểu đặt câu hỏi với Thống đốc vì sao Nhà nước, ngân hàng bán vàng mà ngân hàng lại không mua? Người dân mua vàng miếng của ngân hàng, nhưng khi cần tiền để sử dụng và bán vàng ra, ngân hàng và các cửa hàng vàng lại không mua. Điều này gây khó khăn cho người dân.
Từ câu trả lời của Thống đốc và trao đổi thêm với báo chí, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu, sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trong đó cho phép các doanh nghiệp trong nước có điều kiện kinh doanh vàng nguyên liệu về Việt Nam để tạo sự cạnh tranh công bằng. Đồng thời Ngân hàng đã có hoạt động bán vàng thì cũng cần có dịch vụ thu mua lại vàng theo nhu cầu của người dân.
"Lượng vàng trong dân rất nhiều. Người dân có nhu cầu tích trữ vàng như là nguồn dự trữ an toàn nhất, nhưng cũng có người rất cần tiền để tiêu dùng nhưng không bán vàng được. Cho nên, tôi đề nghị Nhà nước duy trì việc bán vàng để bình ổn giá vàng trong nước, đồng thời cũng phải mua lại vàng cho dân nếu người dân cần", đại biểu nhấn mạnh.
Cùng chung quan tâm đến công tác quản lý thị trường vàng, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh) nhấn mạnh, gần 1/3 ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là liên quan đến thị trường vàng. Như vậy, cho thấy đây là vấn đề rất "nóng" hiện nay.
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy cho rằng, phần trả lời chất vấn về mối quan hệ giữa thị trường vàng trong nước và thị trường vàng thế giới, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã trả lời rất rõ ràng: Việt Nam không phải là quốc gia sản xuất vàng mà phải nhập khẩu vàng từ thế giới, cho nên chúng ta không có sự chủ động và phụ thuộc rất lớn vào biến động của thị trường vàng thế giới.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cá nhân Thống đốc đã rất trách nhiệm, đề ra nhiều giải pháp, song thị trường vàng trong trong nước không tránh khỏi những tác động của sự biến động từ thị trường vàng thế giới, dẫn đến hiệu quả của những chính sách liên quan đến thị trường cũng bị tác động.
Đại biểu bày tỏ đồng tình với phần trả lời chất vấn của Thống đốc khi cần nhìn nhận vấn đề điều hành thị trường vàng trong nước trên nhiều khía cạnh; đề từ đó có sự thông cảm, chia sẻ với Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi phải điều hành thị trường vàng nói riêng, các thị trường hàng hóa khác nói chung trước rất nhiều khó khăn, thách thức khác với bối cảnh trước đây.
Cùng quan điểm với đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy về chính sách điều hành thị trường vàng, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhận định các chính sách điều hành của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với thị trường vàng thời gian qua, bước đầu đạt được một số mục tiêu đề ra.
"Trước đây, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới lên đến 15 triệu đồng, nay chỉ còn chênh lệch từ 3-5 triệu đồng. Đây là mức chênh lệch hợp lý. Điều đó chứng tỏ những can thiệp của Ngân hàng Nhà nước vào thị trường đã giải quyết được vấn đề cân bằng cung - cầu trong nước", đại biểu chia sẻ và cho biết các ý kiến đại biểu Quốc hội cũng mong muốn Nhà nước cần có những can thiệp cao hơn nữa, đó là đảm bảo cả mua và bán vàng.
"Hiện việc quản lý thị trường vàng miếng mới chỉ có bán để tăng cung, giảm chênh lệch giá vàng quá lớn so với thế giới. Tuy nhiên, như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã nêu, trong tương lai sẽ có thể tính đến lập sàn giao dịch vàng, nhưng cần phải có một cơ chế kiểm soát, điều hành, tránh những rủi ro lớn. Tôi kỳ vọng sắp tới chúng ta sẽ lập được sàn giao dịch vàng. Và khi có sàn giao dịch vàng, các tổ chức tín dụng có thể tham gia vào kinh doanh vàng và không phải chỉ kinh doanh vàng vật chất, như chuyện mua-bán vàng miếng mà có thể là bằng các loại vàng tín chỉ. Khi đó, người dân có thể mua-bán vàng dễ dàng, không bị ảnh hưởng của việc kiểm soát chất lượng vàng mua, vàng bán. Đây cũng là giải pháp quan trọng giúp chúng ta liên thông thị trường vàng trong nước với thế giới, đồng thời giảm việc tích trữ vàng miếng trong dân, gây ra tình trạng tồn đọng vốn", đại biểu Hoàng Văn Cường chia sẻ.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất