Hà Nội đề xuất điều chỉnh giá nước: Tăng tới 60%

17/09/2009 12:05 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Ngày 16/9, theo thông tin mới nhất về phương án điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch của Liên ngành Tài chính – LĐ,TB&XH – Xây dựng Hà Nội, tới đây người dân sẽ phải trả tối thiểu 4.000 đ/m3 thay vì 2.800 đ/m3 như hiện nay; mức tăng cao nhất lên tới 12.000 đ/m3 thay cho mức giá hiện nay chỉ có 7.500 đ/m3.

Mức cao nhất: 12.000 đ/m3

Tổng giám đốc Cty Kinh doanh Nước sạch Hà Nội Nguyễn Như Hải khẳng định như vậy ngày 16/9. Ông Hải cho biết: “Theo phương án điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch trên địa bàn Hà Nội, tới đây mức tăng ít nhất là 700 đ/m3; cao nhất là 4.500 đ/m3. Sau khi áp dụng giá mới, giá nước sạch được bán tối thiểu 4.000 đ/m3; tối đa 12.000 đ/m3”. Theo phương án này, giá nước sinh hoạt sẽ được áp theo các mức khác nhau: 16m3 nước đầu tiên sẽ có giá mới là 4.000 đ/m3 thay cho mức giá hiện nay là 2.800 đ/m3; từ 16 m3 - 20 m3 sẽ phải trả 4.700 đ/m3 thay cho mức 3.500 đ/m 3 như hiện nay.

Ông Nguyễn Như Hải cho rằng, tăng giá cũng chỉ đủ để duy trì hệ thống sản xuất, cung ứng nước.


Theo cách tính luỹ tiến này thì những hộ tiêu thụ càng nhiều nước sẽ càng phải trả tiền cao hơn nhiều so với những hộ tiêu thụ ít. Cụ thể, dùng từ 20 m3 - 35m3/tháng sẽ phải trả 5.700 đ/m3 thay vì giá 5.000 đ/m3 như hiện nay. Những hộ dùng trên 35 m3/tháng sẽ luỹ tiến lên mức 9.400 đ/m3, trong khi giá hiện nay chỉ có 7.500 đ/m3. Đối với các cơ quan hành chính sự nghiệp, sẽ tăng thêm 1.700 đ/m3, từ 4.000 đ/m3 lên 5.700 đ/m3. Giá nước tại các cơ quan sự nghiệp tăng thêm 1.200 đ/m3, từ 4.500 đ/m3 lên 5.700 đ/m3. Riêng các cơ sở sản xuất, mức tăng khá cao: 2.500 đ/m3, từ 4.500 đ lên 7.000 đ/m3. Tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ mức tăng lên tới 60%, từ 7.500 đ lên 12.000 đ/m3. Phương án điều chỉnh mới này cũng không quên “truy” các nguồn nước phục vụ mục đích công cộng như nước trong hộp cứu hoả; nước tại các bể nước công cộng cho khu ký túc xá sinh viên... vốn trước đây không phải trả tiền, nay sẽ phải trả 4.700 đ/m3 – tương đương với mức 2 áp cho các hộ dùng từ 16 m3 đến 20 m3/tháng.

Liên quan đến ý kiến cho rằng, việc tăng giá là để bù đắp cho khoản thất thoát nước khổng lồ hàng năm, TGĐ Nguyễn Như Hải khẳng định là không phải. Ông Hải còn cho rằng, nếu năm nay giá nước chậm điều chỉnh thì sẽ không đủ bù đắp chi phí sản xuất. Chưa kể, các dự án thay thế đồng hồ đo nước qua 10 năm sử dụng không thể thực hiện được đúng tiến độ, tăng nguy cơ sai sót trong quá trình chạy gây thiệt hại cho người dân. Đồng thời, một loạt kế hoạch nâng cấp, mở rộng cấp nước sạch cho các vùng Gia Lâm, Bắc Thăng Long, Hoàng Mai, Tây Hồ, Cầu Giấy... sẽ gặp khó khăn.

Tăng giá, nước vẫn không hết... amoni!

Theo quy định của Bộ Tài chính, khung giá nước sạch tối thiểu tại Hà Nội chỉ có 3.000 đ/m3, trong khi đó, phương án mà Hà Nội đề xuất điều chỉnh lần này mức thấp nhất đã là 4.000 đ/m3. Tuy nhiên, ông Hải lại cho rằng, mức 4.000 đ/m3 đã là giá “bao cấp”, thấp hơn chi phí sản xuất lưu thông nước sạch (4.682 đ/m3). Ông Hải còn khẳng định, người dân được hưởng lợi từ việc không phải trả chi phí đấu nối từ đường ống dịch vụ vào nhà (khoảng 1,5 triệu đồng/cụm); được sửa chữa thay thế miễn phí khi đồng hồ đo nước bị hỏng, chạy không chính xác. Riêng khoản chi phí này, mỗi năm phía cty phải chi tới 75 tỉ đồng để phát triển 50.000 khách hàng mới.

PGĐ Sở LĐ,TB&XH Nguyễn Thị Xuân Phương cho biết, theo phương án điều chỉnh mới, sinh viên và những người lao động ngoại tỉnh sẽ không phải chịu mức giá nước đắt “cắt cổ” mà các chủ nhà trọ đề ra. Quy định này nêu rõ, một căn hộ hoặc tại 1 gia đình cứ có 4 người ở trọ trở lên thì 4 người đó sẽ được tính là 1 hộ và chỉ phải trả tiền nước sinh hoạt theo giá của Nhà nước quy định.

Thực tế, việc chi thêm vài chục ngàn tiền nước hàng tháng không phải là vấn đề quá nan giải đối với hầu hết những người dân Hà Nội. Nhưng điều quan trọng là phải được cung ứng một dịch vụ có chất lượng tương xứng với nó. Trong khi đó, tình trạng nước máy nhiễm amoni phổ biến ở nhiều vùng trên địa bàn Hà Nội (amoni là chất được phân huỷ từ các loại chất thải có trong nước cực kỳ nguy hiểm, vì khi gặp không khí sẽ chuyển hoá thành chất nitrit có khả năng gây bệnh ung thư. Thậm chí, khi ăn vào cơ thể nó sẽ kết hợp với axit sẵn có trong dạ dày tạo thành chất mới gây nguy cơ ung thư rất cao). Trực tiếp chứng kiến các mẫu thử trên nước máy của Ts Trần Văn Nhị (Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam) tại phố Phương Liệt mới thấy kết quả hãi hùng: vô số vẩn màu vàng xuất hiện ngay sau khi nhỏ dung dịch thử vài giây. Vài phút sau vẩn vàng này lắng xuống đáy tạo thành lớp cặn dày. Ts Nhị khẳng định, phản ứng đó cho thấy mẫu nước bị nhiễm amoni nặng. Nước máy này được cung cấp từ nhà máy nước Pháp Vân. Tiến hành thử tại một loạt các khu vực khác như Kim Đồng, Giáp Bát, Sông Lừ... đều phát hiện nước nhiễm amoni và cả asen với hàm lượng lên tới 30 – 40 microgam/lít (tiêu chuẩn cho phép là 10 microgam/lít). Ts Trần Văn Nhị cho hay, sau khi làm các test thử ông phát hiện một loạt các nhà máy nước bị nhiễm amoni như nhà máy nước Pháp Vân, Tương Mai, Hạ Đình...

Ông Nguyễn Như Hải khẳng định: “Chất lượng nước là vấn đề sống còn của Cty”. Thế nhưng, ông cũng cho biết, với mức giá nước như trên, chỉ là tạo điều kiện để các cty kinh doanh nước sạch có khả năng tài chính đầu tư cải tạo mạng lưới cấp nước; giảm thất thoát thu nước sạch. Và chỉ đủ để duy trì hoạt động cung cấp nước, trang trải các chi phí cho sản xuất nước, chứ không thể đủ để tái đầu tư hay phát triển, mở rộng mạng lưới cấp nước. Dự kiến tháng 10 tới đây, phương án này sẽ được trình UBND TP thông qua và có thể sẽ áp dụng ngay trong năm nay. Có nghĩa, dù giá nước có tăng thì nhiều người dân Hà Nội, đặc biệt ở khu vực phía nam, vẫn tiếp tục phải dùng nguồn nước bị nhiễm amoni.

Bùi Nguyễn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm