Gặp lại cô Mai của "Nửa chừng xuân" (Kỳ 1)

03/07/2008 14:39 GMT+7 | Đọc - Xem

Kỳ 1: Với ông Trân, rau tần là... rau muống!

(TT&VH Online) - “Mưa bay trắng lá rau tần/ Thuyền ai bốc khói xa dần bến mưa...”, hễ đọc những câu thơ hắt hiu đầy thương nhớ ấy không ai là không nhớ đến nhà thơ Trần Huyền Trân (1913-1989) và nhóm thơ ““áo bào gốc liễu”(cùng với Thâm Tâm, Nguyễn Bính). Cuộc gặp gỡ với bà Hạc Đính, vợ nhà thơ đã khiến tôi như được trở lại với “rau tần- ngõ cũ- người xưa”...

Ông bà Trần Huyền Trân và con

1. Nhân đến Văn Miếu-Quốc Tử Giám gần đây, tại bàn vẽ ký hoạ, mọi người phải xếp hàng để được nhà thơ - hoạ sỹ Trần Nhượng vẽ tặng một bức chân dung. Tôi để ý đến một cụ bà có lẽ đã rất cao tuổi nhưng lại tinh anh, nhanh nhẹn khác thường. Khi anh Trần Nhượng trao bức ký hoạ cho bà, thấy dòng chữ “Kính tặng chị Hạc Đính”, tôi vồ vập hỏi ngay: “Xin lỗi bác, bác là bác Hạc Đính, vợ nhà thơ Trần Huyền Trân phải không ạ?”.“Vâng tôi đây”.

Thế là tôi bỏ cả hội thơ đang có nhiều trò hấp dẫn để theo bà về nhà. Vì tôi biết “những người muôn năm cũ”, chứng nhân của một thời, bây giờ còn ít lắm. Còn mà lại vẫn minh mẫn, nhiệt tình, lại cũng là một nghệ sỹ tài hoa như bà lại càng hiếm.

Đường vào ngõ phố ngày càng hẹp và quanh co. Rất nhiều người quen chào bà là “bà Trân”, nhân đó bà bảo tôi: “Lần sau anh đến nếu có quên nhà thì cứ hỏi “bà Trân”, chứ hỏi “bà Hạc Đính” không mấy ai biết đâu”. Thì ra những người hàng xóm của bà, hoặc không biết, hoặc không còn nhớ về một nghệ sỹ Hạc Đính từng đóng vai cô Mai (nhân vật chính trong vở Nửa chừng xuân, chuyển thể từ tiểu thuyết của Khái Hưng), đóng vai Thị Lộ (nhân vật chính của vở Lệ Chi Viên) đẹp lộng lẫy trên sân khấu Hà Thành trước Cách mạng, mà chỉ biết đến bà là vợ ông Trân – nhà thơ, nhà đạo diễn chèo, hay một ông Trân bình thường của lối xóm năm xưa. Nghĩa là từ khi lấy chồng, sự nghiệp chính của bà là gia đình, chứ không phải sân khấu. Sự hy sinh thầm lặng mà cao đẹp biết bao.
Bà Hạc Đính

Phía sau nhà bà thông với một ao rộng, đầy khoai môn và bèo nhật bản, nhìn sang bên kia là nhà thờ Nam Đồng. Ao đầm gợi những cảnh đời nghèo khó, tảo tần trở đi trở lại trong thơ Trần Huyền Trân những năm ba mươi, bốn mươi của thế kỷ trước:

Mưa bay trắng lá rau tần
Thuyền ai bốc khói xa dần bến mưa
Có người về khép song thưa
Để rêu ngõ trúc tương tư lá vàng.

Tôi hỏi: “Rau tần trong thơ Trần Huyền Trân là rau gì vậy bác?”. “Là rau muống” – bà Trân nói. “Vậy sao trong tập Rau tần (1986) vẽ thứ rau mà thực ra là một thứ cỏ, quê cháu vẫn gọi là cỏ bợ?”. Bà cười: “Tôi chẳng biết, đấy là do cách hiểu của người vẽ bìa, chứ với ông Trân, rau tần chính là rau muống. Tôi cũng không hiểu sao ông ấy gọi rau muống là rau tần”.

Bất giác, tôi nghĩ tới sự tích Rau tần rau tảo đã đọc ở đâu đó. Chuyện rằng xưa có người phụ nữ có chồng là học trò nghèo; chị đầu hôm sớm mai đi hái rau tần, rau tảo về bán nuôi chồng ăn học cho tới khi đỗ đạt. Về sau, từ "tần tảo" dùng để chỉ những người phụ nữ chịu thương, chịu khó, hết lòng vì gia đình. Chắc là nhà thơ muốn nói đến ý nghĩa này chăng? Nếu thế thì thật thú vị.
 
Rau tần có thể không phải là rau muống, nhưng nhà thơ đã ghép ý nghĩa này cho rau muống. Rau muống là thứ rau có thể giúp con người qua những trận đói, lại là thứ rau mà có thể sống bất cứ chỗ nào, trên cạn hay dưới nước (ao sâu thì thả muống bè, rất tốt). Tôi nhớ những năm cuối thập niên bảy mươi, đầu tám mươi của thế kỷ trước, có phong trào trồng rau muống chống đói. Trên đồi cao, dưới lòng mương, rệ đường, thậm chí sân nhà tập thể, sân trường,… đâu đâu cũng trồng rau muống “cải thiện).
Phòng lưu niệm nhà thơ Trần Huyền Trân tại nhà 

2. Phòng lưu niệm về Trần Huyền Trân thật đơn giản. Mấy tấm ảnh chụp chung với Văn Cao, Thanh Châu,… mấy bức ký hoạ, hý hoạ do hoạ sỹ Bùi Xuân Phái, Hoàng Lập Ngôn vẽ, hai bài thơ chép tay (phóng to), một của của Trần Huyền Trân, một của Thâm Tâm, một ít sách cũ, chủ yếu là hai loại thơ và chèo, hai ngành gắn với đời văn của ông. Giá như còn mấy bài thơ thêu trên lụa từ những năm bốn mươi của của cô gái nào đó yêu thơ Trần Huyền Trân đến đam mê. Nhưng mà thôi, tài sản của một nhà thơ nghèo, suốt đời nghèo, lại đi qua chiến tranh, lại bị cháy nhà, có lẽ còn lại thế cũng là may rồi.

Có ai đó nói đại ý rằng, một nhà thơ đích thực, bao giờ cũng là nhà thơ của một vùng đất. Trần Tế Xương là nhà thơ của thành phố Nam Định. Nguyễn Khuyến là nhà thơ của vùng chiêm trũng Hà Nam. Hoàng Cầm là nhà thơ của xứ Kinh Bắc. Riêng Trần Huyền Trân đi về một không gian thơ rất hẹp: chỉ mấy ngõ phố, mấy ao đầm loanh quanh Khâm Thiên và làng Nam Đồng, xa hơn một chút nữa đến đến Ngã Tư Sở, Ô chợ Dừa. Phố Khâm Thiên hẹp. Các ngõ và ngách của nó lại càng hẹp.

Trần Huyền Trân có tên trong Thi nhân Việt Nam. Ông đã được Hoài Thanh viết với những lời đầy trân trọng “Viết đến đây tôi đã định khép cửa lại, dẫu có thiên tài đến gõ cũng không mở. Thế mà lại phải mở cửa để đón một nhà thơ nữa! Trần Huyền Trân....”. Ông đoạt Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2007.

Đọc thơ Trần Huyền Trân, những ngõ nhỏ, những ao đầm và ngay cả những cảnh đời nghèo khó nơi đây cũng trở nên thân thương vô cùng. Kể cả những ngày tàn của thi sỹ Tản Đà khi về ngụ ở Ngã Tư Sở cũng thật cảm động và đáng kính trọng. Cho nên tôi rất thích nhận xét của nhà văn Tô Hoài: “Đọc lại bản thảo thơ Trần Huyền Trân cảm thấy thật lạ lùng khi nhẩm lại tưởng như mặt trông rõ được thơ quấn quýt với đời, từ đầu thế kỷ tới hôm nay. Hầu hết cả đời anh đi về một góc thành phố, từ khi lặn lội vùng ao chuôm sau lưng Khâm Thiên sang Ô Chợ Dừa. Bao nhiêu năm nay anh lại về ở Nam Đồng. Ngoài song cửa bây giờ lưa thưa bóng trúc và xa kia nhấp nhô ánh nước ngát mùi hoa sen”.

Tưởng người nên lại thấy người về đây.
Phố Hoàng Hoa, tháng 2 – tháng 6/ 2008
Đào Tiến Thi

Bài 2: Người con gái thêu thơ Trần Huyền Trân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm