Bóng đá Việt không còn là 'trang sức'

14/08/2014 13:06 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Một phản xạ như thể vô điều kiện trước đây, hễ cứ có một nhà tài trợ nào chung tay “vì sự phát triển của bóng đá địa phương”, đặc biệt là tại các thành phố - trung tâm kinh tế lớn, người ta nghĩ ngay đến những dự án đầu tư được hứa hẹn cấp phép, hoặc nặng hơn là quỹ đất vàng ở đâu đó hay nữa, giành quyền khai thác nguồn nguyên vật liệu tại chỗ như quặng, khoáng sản… phục vụ doanh nghiệp.

Khi cơn sốt bất động sản còn sôi sình sịch, đất vàng là một trong những mục tiêu hàng đầu của chủ đầu tư (bóng đá). Vì lý do gì sau đó, nếu bóng đá không còn tồn tại như tiêu chí ban đầu, quỹ đất ấy có thể được hoá giá mà chủ đầu tư sẽ chiếm lợi thế về giá, nhưng khó có thể thu hồi. Trung tâm bóng đá TMN.CSG bên Q.7, TP.HCM là một ví dụ. Trước đó, N.Sài Gòn cũng từng nhắm vào quỹ đất rộng nhiều hecta bên Q.9.

Điều này cũng dễ hiểu và kể cũng công bằng thôi, vì bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam là cỗ máy ngốn tiền công suất cực lớn, trong khi chưa thể sinh lời. Nói bóng đá có thể nuôi được chính cơ thể mình là chuyện trên trời. Nếu có thể xem bóng đá là kênh quảng bá hữu hiệu, cũng chỉ mỗi bầu Đức của HA.GL thành công. Trước và sau ông chủ phố núi, không một ai bắt được con-bò-bóng-đá cho sữa.

Nhưng ông Đức lúc này cũng bớt nhiệt nhiều rồi và bằng chứng là, đội 1 HA.GL của ông đã không thể tìm lại được đỉnh vinh quang suốt 1 thập niên qua, nhưng dường như ông chẳng có động tĩnh nào cải thiện cả. Nói theo ông Lê Tiến Anh, cựu chủ tịch K.Khánh Hoà, một đội bóng từng được bảo trợ bởi doanh nghiệp Nhà nước (Tổng công ty Khánh Việt), làm bóng đá còn là nhiệm vụ chính trị. Thế cũng còn có lý do!

Có thể nói, K.Khánh Hoà là một trong những tiêu biểu cho cung cách làm bóng đá thời kỳ đầu hậu bao cấp. Theo đó, các doanh nghiệp quốc doanh trực thuộc tỉnh luôn có nhiệm vụ chia sẻ trách nhiệm xã hội. Tuy nhiên, mô hình này không thể kéo dài, bởi bất cứ công nhân nào cũng chạnh lòng ngay. K.Khánh Hoà đã nhượng cả suất chơi và con người cho Hải Phòng, mới đây thêm Than Quảng Ninh làm điều tương tự.

Giải hạng Nhất 2014, cái tên Sanna Khánh Hoà xuất hiện, nhưng lại không chọn Nha Trang làm nơi đóng quân, thi đấu, mà là Ninh Thuận. V-League 2015, đội bóng này có thể đóng đô ở TP.HCM luôn và không chắc cái “đuôi” Khánh Hoà có còn giữ?! Bóng đá thuộc về xã hội và như Thể thao & Văn hoá đã đề cập, nó nên để cho xã hội (tư nhân) chung tay vào. Chỉ với cam kết đó, bóng đá mới hy vọng phát triển bền vững.

Năm 2011, khi Tập đoàn Xi măng Xuân Thành mua lại suất chơi hạng Nhất của V&V, đem vào TP.HCM để biến thành XMXT.Sài Gòn (hay phiên hiệu Sài Gòn FC trong gian đoạn sau đó), chúng tôi đã đặt vấn đề với ông chủ tối thượng của đội bóng rằng, Tập đoàn đã có hạng mục đầu tư nào tại TP.HCM chưa và có kế hoạch khai thác thị trường ở đây không, nhưng bầu Thuỵ (chủ tịch Nguyễn Đức Thuỵ) lắc lia lịa.

Bóng đá với ông Thuỵ là cuộc chơi và bản thân ông bầu trẻ cũng không ít lần khẳng định, ông chơi bóng đá (vì đam mê) chứ không làm (kinh doanh) bóng đá. Có thời điểm, bầu Thuỵ bỏ bê bóng đá vì ông lỡ yêu… golf hơn. Nói tóm lại, với một số ông chủ như Nguyễn Đức Thuỵ, bóng đá đơn giản chỉ là một thứ trang sức. Đắt rẻ hay định giá bao nhiêu, thì còn phải tuỳ thuộc độ chơi của người chơi và sự cảm nhận.

Ơn trời, những người coi bóng đá là một thứ trang sức như bầu Thuỵ giờ đã vơi đi vài phần. Nói thế không có nghĩa là ở V-League 2014 không có các ông chủ và nghiệp đoàn của họ thôi không nghĩ nếp cũ. Hãy hỏi thẳng lãnh đạo B.Bình Dương xem họ làm bóng đá để làm gì, với rất nhiều các chiến dịch mua sắm tính bằng tiền triệu USD cho mỗi mùa giải?! Chắc không chỉ để đổi lấy chiếc Cúp giá vài tỷ đồng.

Trần Hải
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm