Di sản của David Moyes

23/04/2015 22:28 GMT+7 | Man United

(Thethaovanhoa.vn) - Man United đã tiến triển rất nhiều so với một năm trước, khi David Moyes bị sa thải, nhưng cần phải ghi nhận rằng những bản hợp đồng mà chiến lược gia người Scotland mang về đã đóng vai trò quan trọng trong sự hồi sinh ấy.

1. Ngày 20/04 năm ngoái, Man United gục ngã trên sân Everton, đội bóng cũ của David Moyes. Điều đáng nói là trên đường về Manchester, một số cầu thủ đã biết ông thầy sắp bị sa thải. Trái lại, David Moyes chỉ biết mình mất việc khi đọc tin qua báo. Được biết, ban lãnh đạo Man United đã thống nhất sa thải Moyes từ 21/04, nhưng phải đợi đến hơn 1 ngày sau mới ra quyết định vì cần thêm thời gian để thỏa thuận về mức bồi thường hợp đồng cũng như xác nhận từ người sẽ tạm thời thay thế Moyes (Ryan Giggs).

Cuối tuần này, Man United lại đến Goodison Park, nhưng tình thế của họ đã tươi sáng hơn rất nhiều so với một năm trước. Sau những kết quả tích cực trên sân cỏ, họ gần như nắm chắc tấm vé dự Champions League - nhiệm vụ bất khả thi dưới thời Moyes.

Mùa trước, Man United của David Moyes đã thua cả Liverpool và Man City ở hai lượt trận. Họ đã trả được món nợ ấy bằng những chiến thắng thuyết phục trong thời gian gần đây (2-1 và 4-2). Nhưng thật ra, Quỷ đỏ đã thể hiện một bộ mặt tầm thường trong phần lớn thời gian ở mùa giải này. Họ chỉ thực sự tiến bộ từ tháng Ba khi Van Gaal bắt đầu tạo tầm ảnh hưởng tích cực lên đội bóng.

Nhưng hoàn cảnh Van Gaal bây giờ không giống với Moyes một năm trước. Các cầu thủ trụ cột mùa trước không đứng về phía HLV như bây giờ, các nhân viên CLB đã chấp nhận sự thực rằng Sir Alex không thể dẫn dắt đội mãi mãi được, trong khi phó chủ tịch điều hành Ed Woodward thì cũng khôn ngoan hơn trên thị trường chuyển nhượng.

2. David Moyes mất việc vì để thua quá nhiều trận, nhưng còn những cầu thủ mà ông đã mua về (Marouane Fellaini, Juan Mata) hoặc từng muốn mua về (Ander Herrera)? Họ đều đang là những ngôi sao trong chiến dịch hồi sinh của Man United vừa qua.

Mata, từng bị coi là một món hàng hớ, đang là một trong những cầu thủ có phong độ tốt nhất tại Premier League hiện tại. Fellaini, vốn bị coi là một bản hợp đồng được mua trong giây phút hoảng loạn, giờ đang là một nhân tố quan trọng của hàng tiền vệ Man United. Trong khi đó, Herrera cung cấp năng lượng và sáng tạo cho tuyến giữa Man United, điều mà họ thiếu vắng trong nhiều năm qua.

Nhưng chiến tích lớn nhất của Moyes trong giai đoạn dẫn dắt Man United có lẽ là việc giữ chân thành công Wayne Rooney, người mà sau này được Van Gaal tín nhiệm trao cho tấm băng đội trưởng. Từ hồi Sir Alex còn tại vị, Rooney đã suýt ra đi, và Shinji Kagawa được cho là sẽ tiếp quản chiếc áo số 10 của anh. Nhưng dưới thời Moyes, Rooney là một trong số ít những cầu thủ bộc lộ đúng phẩm chất của mình.

“Có rất nhiều tin đồn trong mùa hè nhưng tôi hài lòng khi David Moyes tới đây. Ông ấy rất tin tưởng tôi”, Rooney đã nói như thế hồi tháng Hai năm ngoái, khi gia hạn hợp đồng 5 năm với Man United.

3. Ngoài những gương mặt trên, phong độ của Smalling hay Ashley Young cũng đóng vai trò quan trọng cho sự hồi sinh của Man United. Van Gaal tất nhiên có công trong việc giúp họ tìm lại những màn trình diễn ấn tượng, nhưng còn những bản hợp đồng mà ông mua về thì sao?

Những ngôi sao đắt giá ấy đều chưa đáp ứng được sự kỳ vọng. Falcao, cầu thủ mỗi tuần ngốn 280 nghìn bảng, mới ghi vỏn vẹn 4 bàn, ngang với… trung vệ Smalling, người còn đá ít hơn anh 2 trận. Cầu thủ đắt giá nhất trong lịch sử Premier League Angel di Maria (59,7 triệu bảng), sau khởi đầu khá ấn tượng, giờ đây phải chật vật tìm kiếm vị trí đá chính tại Man United. Chỉ Marcos Rojo và Daley Blind là đạt yêu cầu.

Di sản của Moyes không chỉ là một đống đổ nát.

Tuấn Cương
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm