U23 VN: Bí hiểm & Nguy hiểm

18/11/2011 15:05 GMT+7 | SEA Games 26

(TT&VH) - Ngoài cuộc “tập bắn” với mục tiêu là mành lưới U23 Brunei, 4/5 trận đấu còn lại, U23 VN chỉ thực sự nóng máy ở hiệp nhì. Đã có ý hài hước rằng, đội bóng của HLV Falko Goetz đang được vận hành bằng loại máy chạy dầu cũ kỹ. Nhưng cái gì cũng có nguyên nhân của nó.

Đặc biệt hay dị biệt?

Trong buổi tập (bắt đầu lúc 15h30 chiều), một ngày trước khi diễn ra trận đấu cuối vòng bảng gặp U23 Lào, HLV Goetz một lần nữa “cấm cửa” báo chí. Lý do được đưa ra là bởi ông không muốn để lộ bài vở, cũng như tiêu chí làm chiến thuật chuẩn bị cho các trận đấu ở vòng “knock-out”. Vậy tại sân Ciracas chiều hôm đó, có nét gì mới trong các bài tập của thuyền trưởng người Đức, so với thường nhật?

Đầu tiên là đá tập chia đôi đội hình (các thủ môn không tham gia) trên diện tích 1/4 sân bóng, chiếm nửa thời lượng buổi tập. Sau đó đến màn tập dứt điểm cầu môn, với các đường chuyền vào từ 2 cánh. Tại đây có thêm sự xuất hiện của trung vệ Anh Quang. Những chuẩn bị cho việc cần phải thay đổi lối chơi, để nếu không may U23 VN bị dẫn trước, lúc đó Anh Quang sẽ được đôn lên đá tiền đạo trong sơ đồ 3-3-4.

Cũng tại Ciracas, HLV Goetz đã đánh dấu chéo những cái tên sẽ lĩnh ấn đá penalty, khi trận đấu ở vòng “knock-out” cần giải quyết thắng thua từ chấp 11m. Đó là Trọng Hoàng, Thành Lương, Ngọc Anh, Hoàng Thiên, Văn Quyết, Hoàng Thịnh và Đình Tùng. Tỷ lệ sút penalty thành công của Văn Quyết và Trọng Hoàng là cao nhất, nhưng hôm qua Hoàng lại là người đá ra ngoài từ chấm 11m.

Vì tất cả sự bí hiểm như thế, nên HLV Goetz mới yêu cầu đóng cửa sân tập, với lo sợ có “yếu tố nước ngoài” lẻn vào. Với những người không tận mắt chứng kiến sự việc, thoạt nghe kể lại cứ như chuyện đùa, bởi lối chơi của U23 VN kể từ đầu giải quả thật là rất ít điểm nhấn.

HLV Goetz và U23 VN vẫn chưa làm cho người hâm mộ VN thật sự yên tâm. Ảnh: Quốc Khánh

Nghi ngại tiềm tàng

Sáng qua, U23 VN vẫn duy trì chế độ “tập thể dục buổi sáng” như thông lệ. Sau bữa buffet sáng, cầu thủ của ông Goetz trở lại phòng và đúng 10h00 phải có mặt ở dưới sảnh KS Sultan để tập các bài tập bổ trợ với tiêu chí nâng cao sức mạnh, cũng như sự mềm dẻo, sức chịu đựng của cơ thể. 10h45, cầu thủ trở lại phòng tắm giặt, trước khi ăn trưa vào lúc 12h00.

Theo quy định của BTC với những trận đấu diễn ra vào lúc 16h00, đội bóng phải có mặt tại sân thi đấu từ trước 2 giờ đồng hồ trước khi bóng lăn để làm các thủ tục trận đấu. Điều đó có nghĩa là sau bữa trưa, cầu thủ gần như không được ngủ để đến sân muộn nhất lúc 13h30 chiều. So với thói quen ở CLB, cũng như các lần tập trung ĐT trước đây, nhịp sinh học của cầu thủ VN đã thay đổi.

Lại nói đến khái niệm khoa học thể thao. Với đặc thù của môn thể thao vua, trong khoảng 24h đồng hồ, cầu thủ không thể đổ mồ hôi (bài tiết) hơn một lần. Khi hệ bài tiết bị rối loạn, cơ địa đương nhiên trở nên mệt mỏi. Đó là chưa nói đến các vấn đề về tâm lý với sự chập chờn về giờ giấc sinh hoạt, sẽ khiến cho cái đầu không thông. Một khi tư tưởng không thoải mái, đôi chân sao có thể thanh thoát?

Cho đến thời điểm này, có thể thấy rõ phản ứng phụ của việc duy trì các buổi “tập thể dục” buổi sáng rồi cũng như các buổi họp giao ban ngẫu hứng mang tên Falko Goetz. Bắt đầu từ vòng bán kết, đối thủ nào sẽ cho U23 VN 45 phút làm nóng?!

Tùy Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm