Đường Sơn đại địa chấn nhòa trong nước mắt khán giả

15/07/2010 14:11 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Khi đạo diễn Phùng Tiểu Cương mang tác phẩm điện ảnh mới nhất của mình – Đường Sơn đại địa chấn – tới Đường Sơn công chiếu vào hôm 12/7, ông từng rất lo lắng tâm trạng của khán giả khi xem phim bởi điều này rất có ý nghĩa với đoàn làm phim. Và nhiều cư dân từng hoảng sợ với thảm họa động đất cách đây 34 năm của thành phố này đã có những cảm xúc lẫn lộn khi một lần nữa “chứng kiến” những cảnh tượng đã qua, nhưng không ai cầm được nước mắt.

Cảm xúc lẫn lộn


Áp-phích phim Đường Sơn đại địa chấn

Hơn 240.000 người đã thiệt mạng trong trận động đất mạnh 7,8 độ richter ở Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, vào ngày 28/7/1976.  Khoảng 2/3 trong số 15.000 khán giả mặc những chiếc áo phông màu xanh da trời hoặc vàng sau lưng có dòng chữ “Đường Sơn lay động thế giới” mà nhiều người tin rằng đó là dòng chữ viết tay của đạo diễn Phùng.

Thiên sử thi này, tốn kém 100 triệu NDT (khoảng 15 triệu USD) dàn dựng, đang được chiếu tại sân vận động Đường Sơn và sẽ chiếu rộng rãi khắp Trung Quốc vào ngày 22/7.

Trong 130 phút chiếu phim, nhiều khán giả đã không ngừng lau nước mắt với những chiếc khăn mùi soa mà các nhà bảo trợ đã chuẩn bị sẵn. Họ đã lường trước được việc này bởi trong các buổi chiếu thử nghiệm, mắt ai cũng ướt nhòe và các nhà bảo trợ phim đã phải cung cấp giấy lau cho khán giả. “Lần này, chúng tôi chuẩn bị khăn mùi soa, một phần vì sợ giấy không xuể, một phần vì nhận thấy sẽ gây ảnh hưởng tới môi trường nếu như một lượng giấy lớn như vậy thải ra. Sau buổi chiếu, khán giả có thể giữ những chiếc khăn đó làm kỷ niệm”, Xiong Guoxiang, một quan chức văn hóa của thành phố Đường Sơn cho biết.

Chiều 12/7, đạo diễn Phùng cùng đoàn làm phim đã tới đặt vòng hoa trước bức tường tưởng niệm trận động đất Đường Sơn. Bức tường đá cẩm thạch màu đen dài 300m này, còn được gọi là “tường than khóc”, có tên của tất cả các nạn nhân trong trận động đất.

Trận động đất năm 1976 ở Đường Sơn được cho là một trong những thảm họa thiên nhiên làm nhiều người chết nhất trong thế kỷ 20. Những người còn sống sót tin rằng phim là một sự tưởng niệm đích thực cho những người đã chết, tuy nhiên nhiều người lại lo ngại rằng phim sẽ gợi lại những vết thương đã lành miệng trong những người còn sống sót.


Khán giả viết cảm xúc của mình trên một bảng lớn sau khi xem phim
Đường Sơn đại địa chấn vào hôm 12/7 ở Đường Sơn
Năm nay 35 tuổi, nhưng Liu Qiubin mới chỉ 1 tuổi khi anh đã mất cả 7 thành viên trong gia đình của người bác trong trận động đất. “Tôi còn quá nhỏ nên không có ký ức gì về trận động đất, nhưng tôi nhớ mình phải sống trong những lều trại trong một thời gian dài. Tôi dã nóng lòng được xem phim và qua bộ phim này, tôi được tận mắt chứng kiến những gì đã xảy ra khi đó, cảm nhận được sợ hãi và nỗi đau mà Đường Sơn đã trải qua, và đây là một cách để tỏ lòng tôn kính của mình tới những người đã chết và vết thương lòng của mỗi người ở Đường Sơn”, Liu nói.

Trong bộ phim này, đạo diễn Phùng xoáy đến hậu quả của thảm họa động đất qua hành trình dài 3 thập kỷ để có được cuộc đoàn tụ đầy cảm xúc của một người mẹ với cô con gái mà bà nghĩ đã mất trong trận động đất. Người mẹ, do vợ của đạo diễn Phùng là Từ Phàm thủ vai, đã phải lựa chọn giữa việc cứu con gái và con trai. Bà đã cứu con trai. Nhưng cô con gái, được cứu sống nhờ cha mẹ nuôi, đã vô cùng oán giận người mẹ trong suốt 32 năm.

Ông Li Changjun, 62 tuổi, người đã mất cô con gái 2 tuổi trong động đất, bày tỏ: “Vợ tôi không kìm được nước mắt khi bà nhìn thấy cô gái bé nhỏ đi quanh các xác chết. Chúng tôi không thể xem phim bởi thấy quá đau đớn”.

Còn Zhao Xicheng, 62 tuổi, người thoát chết trong vụ động đất, nói: “Đối với những người lớn tuổi như chúng tôi, bộ phim này chắc chắn gợi lại quá khứ đau buồn. Tuy nhiên, nó cũng cho chúng ta thấy rằng mình có thể khắc phục được bất cứ khó khăn nào vì luôn nhận được sự hỗ trợ của nhà nước, đó chính là lý do tại sao chúng ta đã khắc phục được hai trận động đất ở Tứ Xuyên cách đây 2 năm và ở Thanh Hải. Đối với người trẻ, họ có thể học được lòng vị tha và ý chí mạnh mẽ của con người sau trận động đất”.


Hơn 15.000 khán giả tới xem Đường Sơn đại địa chấn
trong buổi công chiếu phim ở Đường Sơn

Chiếu trên màn hình lớn nhất thế giới

Sun Ao, phụ trách mảng kinh doanh của tập đoàn Huayi Brothers, một trong những nhà đồng sản xuất phim cùng Tập đoàn Điện ảnh Trung Quốc và Chính quyền thành phố Đường Sơn, cho biết, màn hình chiếu phim Đường Sơn đại địa chấn, dài 33 m và cao 15 m, là màn hình lớn nhất thế giới. Đường Sơn đại địa chấn là phim đầu tiên được quay bằng máy IMAX (sử dụng phim riêng, độ phân giải lớn hơn nhiều so với phim 35mm thường được sử dụng) và được chiếu trong hệ thống rạp chiếu IMAX chất lượng cao.

Nữ diễn viên Từ Phàm đã có màn diễn xuất đầy ám ảnh trong vai người mẹ hoang mang lo sợ khi chứng kiến cái chết của chồng và mất đứa con gái. Đối với Từ Phàm, phim đã đem lại cho chị một trải nghiệm không bao giờ quên: "Nhiều diễn viên phụ trong phim là những người sống sót thực ngoài đời, họ còn mang con mình tới trường quay bởi họ muốn con cái mình biết được mẹ chúng đã lê ra từ đống đổ nát như thế nào. Nhiều người khóc suốt trong quá trình đóng phim”.

Việt Lâm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm