16/01/2023 13:11 GMT+7 | HighTech
Thị trường xe điện bùng nổ đang khiến các quốc gia và công ty thèm muốn phân khúc vận chuyển then chốt và quan trọng này.
Trước khi một chiếc ô tô lăn bánh lên đường, nó có nhiều khả năng đã lênh đênh trên biển cả bằng một con tàu chuyên dụng và đồ sộ.
Những con tàu lớn này, giống như những nhà để xe nổi khổng lồ, có thể chở hàng nghìn chiếc ô tô cùng một lúc. Trong nhiều thập kỷ, Nhật Bản, trong quá trình định vị vị thế là một cường quốc ô tô, đã xây dựng một đội tàu vận chuyển thống trị toàn cầu. Theo dữ liệu từ Clarksons Research, gần 40% đội tàu chở ô tô trên thế giới là của Nhật Bản, được đo bằng cả số lượng tàu và sức chứa của tàu.
Ngược lại, tàu của các quốc gia lớn khác như Na Uy, Hàn Quốc và cả Trung Quốc chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong đội tàu quốc tế. Tính đến tháng 12/2022, Trung Quốc chỉ chiếm 3% công suất vận chuyển ô tô toàn cầu. Dẫu 41 trong số 750 tàu chở ô tô hiện đang hoạt động trên toàn thế giới là của Trung Quốc, nhưng chỉ 10 chiếc trong số đó có khả năng thực hiện các chuyến đi biển có lộ trình từ trung bình đến dài.
Tuy nhiên, khi việc xuất khẩu ô tô của Trung Quốc tăng mạnh nhờ doanh số bán xe điện, các nhà sản xuất nước này đang ngày càng tìm cách kiểm soát tốt hơn phân khúc vận tải biển của chuỗi cung ứng. Một số công ty Trung Quốc, như tập đoàn xe điện khổng lồ BYD, đã chuyển mình thành một công ty vận chuyển. Trong khi đó, các nhà máy đóng tàu Trung Quốc đang bận rộn đóng hàng chục chiếc tàu chở ô tô mới.
“Xuất khẩu ô tô của Trung Quốc sẽ không bị kìm kẹp bởi vận tải đường biển”, một bài báo gần đây trên tờ China Automotive News đã tuyên bố. “Bắt buộc phải phát triển 'ô tô quốc gia, giao thông quốc gia'.”
Nhìn lại lịch sử của các hãng vận tải ô tô
Các hãng vận chuyển ô tô thường dùng loại tàu được gọi là roll-on/roll-off, hay còn gọi tắt là ro-ro. Nó được gọi như vậy vì ô tô thường tự lăn bánh lên tàu trên các đường dốc tại cảng khởi hành và lăn bánh xuống tại các điểm đến. Nó khác với loại tàu dùng chuyên chở các loại hàng phải sử dụng container, không thể tự vận hành để lên tàu được.
Theo James McNamara, một cựu binh trong ngành vận tải biển và trước đây là Chủ tịch Cục Hàng hóa Quốc gia Mỹ, thì trước khi tàu ro-ro được phát triển, việc vận chuyển ô tô cần phải dùng cách nâng ô tô lên và xuống tàu chở hàng bằng cần trục và cần cẩu.
Tuy nhiên vào đầu những năm 1960, xuất khẩu ô tô của châu Âu và châu Á đã vượt xa khả năng chở hàng của các tàu chở hàng truyền thống.
Vì thế, ngành công nghiệp ô tô chuyển sang sử dụng các tàu chở hàng rời chuyên chở các loại hàng hóa như ngũ cốc, đậu nành và than đá trên các hành trình xuất ngoại và ô tô trong các chuyến hành trình về quê hương của họ. Nhưng việc nâng từng chiếc ô tô riêng lẻ lên những con tàu này vẫn là một quá trình tốn nhiều thời gian và công sức. Cuối cùng, hệ thống roll-on/roll-off đã hình thành.
“Đó là một ý tưởng hoàn toàn mới, bạn chỉ cần lái ô tô lên và xuống tàu”, công ty vận tải Nhật Bản Mitsui OSK Lines viết trên trang web của mình .
Năm 1965, Mitsui OSK hạ thủy con tàu ro-ro đầu tiên do Nhật Bản chế tạo, tên là Oppama Maru. Nó có khả năng vận chuyển 1.200 ô tô và chất hàng lên xuống với tốc độ 100 ô tô mỗi giờ. Theo McNamara, đến những năm 1980, các tàu chở hàng rời đã nhanh chóng được thay thế bằng các tàu ro-ro lớn, loại vẫn vận chuyển ô tô trên khắp thế giới ngày nay.
Tuy nhiên, trong thập kỷ vừa qua, tốc độ tăng trưởng công suất của đội tàu biển trên toàn cầu đã giảm mạnh, theo dữ liệu từ Clarksons Research. Thậm chí đã có hai năm tăng trưởng âm liên tiếp vào năm 2019 và 2020 - khác xa so với mức tăng trưởng cao của đầu những năm 2000 - và mức tăng trưởng rất thấp trong hai năm tiếp theo kể từ đó.
Tuy nhiên, giai đoạn trì trệ trong đội tàu biển này lại trùng hợp với sự gia tăng doanh số bán xe hơi trên toàn thế giới. Những xu hướng song song này đã dẫn đến sự thiếu hụt không gian trên các tàu chở ô tô. Kết hợp mọi thứ với sự gián đoạn chuỗi cung ứng liên quan đến đại dịch, giá vận chuyển ô tô đã bị đẩy cao lên tới 300% từ năm 2020 đến cuối năm ngoái.
Sự trỗi dậy Trung Quốc khi mua lại các hãng vận tải ô tô mới
Giờ đây, khi thị trường xe hơi lớn nhất thế giới - Trung Quốc - đang nhắm đến một thị phần lớn trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu bằng cách đẩy mạnh việc xâm nhập các thị trường nước ngoài bằng xe điện của mình, thì họ cũng đang tập trung vào lĩnh vực vận chuyển ô tô.
Theo Clarksons Research, năm ngoái, các nhà máy đóng tàu Trung Quốc đã nhận được đơn đặt hàng cho ít nhất 58 tàu chở ô tô mới, nhiều hơn toàn bộ đội tàu hiện tại và chiếm hơn 86% tổng số đơn đặt hàng trên toàn thế giới.
Đối với Trung Quốc, lợi thế thương mại của việc vận hành các đội tàu riêng của họ là rất lớn. Trung Quốc có thể kiểm soát chi phí cung cấp vận chuyển để làm cho ô tô của họ cạnh tranh hơn về giá, đồng thời có khả năng từ chối dịch vụ vận chuyển cho các công ty hoặc quốc gia đối thủ. Chưa kể trong một số trường hợp nó cũng có nhiều ý nghĩa về mặt quân sự.
Tuy nhiên, về cơ bản, việc nước này đang chi bạo để mua lại các hãng vận tải ô tô cũng là một sự đánh cược lớn vào sự tăng trưởng liên tục của doanh số bán ô tô toàn cầu, cũng như sự gia tăng đồng thời về nhu cầu đối với năng lực vận chuyển ô tô. Trung Quốc tin rằng đây sẽ là một lĩnh vực cực kỳ béo bở. Một số trang tin chính thống ở nước này đã đưa tin rằng khi xuất khẩu ô tô bùng nổ, các con tàu chở ô tô sẽ trở thành “máy in tiền trên biển”.
Tham khảo Qz
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất