Đừng 'xử tệ' với những ngày Xuân!

13/02/2019 08:00 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Đối với chị bạn tôi, cái Tết rồi những ngày đầu Xuân vừa rồi thật sự vất vả. Chị bảo: “Mệt lắm, ngày nào cũng nấu nướng, dọn dẹp, phục vụ hết chồng lại đến nhà chồng. Thế mà Tết dài quá”.

Hết Tết, còn Xuân

Hết Tết, còn Xuân

Tròn một tuần trước, chúng ta còn đang hào hứng chào đón những giờ phút đầu tiên của năm mới Kỷ Hợi. Để rồi bây giờ, dù phía trước còn một ngày rằm tháng Giêng theo truyền thống, ai cũng hiểu: Tết âm lịch đã thật sự chấm dứt và nhường chỗ cho chuỗi ngày thường.

Nhìn vẻ mặt cám cảnh của chị là đủ hiểumột cái Tết ra sao đối với một người phụ nữ vẫn theo tư duy đảm đang và dâu con rể khách truyền thống...

Đấy là một cái Tết “lê lết” (chữ của chị) từ quê chồng đến quê mình, sau đó tiếp tục là ăn uống và dọn dẹp ở nhà mình trên Hà Nội, khi chồng chị tiếp khách đến chơi nhà và họ ăn uống kéo dài. Tết dài quá, ngày nào cũng ăn, cũng dọn rồi kéo nhau du Xuân...

Với chị, Tết không hề là dịp nghỉ ngơi hoặc có thời gian nào đó chăm sóc cho bản thân mình. Hơn 20 năm như thế rồi và không có gì thay đổi.

Chú thích ảnh
Ảnh: Internet

Và giờ, chị đối mặt với một nỗi ám ảnh mới: Những câu chuyện hậu Tết. Tháng Giêng là tháng ăn chơi, và ăn chơi với gia đình chị không chỉ là triền miên những cuộc nhậu nhẹt ăn uống của gia đình, họ hàng và bạn bè đồng nghiệp, mà còn những cuộc du Xuân càng ngày càng trở nên vất vả và nhọc nhằn hơn trước.

Nhà không phải không có điều kiện, có đầy đủ xe cộ để đi lễ, nhưng cái cảnh ầm ĩ, đông đúc, chen chúc và chặt chém ở tất cả những nơi nhà chị đi qua khiến cho những ước muốn tìm nơi thanh tịnh không bao giờ thành hiện thực.

Nhưng chồng chị thì không bao giờ dứt ra khỏi cái tâm lý phải đến các địa điểm tâm linh để cầu lộc này nọ. Anh còn thăng quan tiến chức và nhiều thứ khác, anh đã duy trì một thói quen không bao giờ thay đổi trong những năm qua liên quan đến tâm linh.

Trong những năm qua, tôi đã gặp nhiều người như chị, đã nói chuyện với họ để tìm hiểu xem điều gì đã thúc đẩy họ làm những việc mà họ cảm thấy không có hứng thú nhưng vẫn phải thực hiện như một trách nhiệm.Và đâu là lý do thúc đẩy một số rất đông những người như chồng chị đổ xô đến các địa điểm tâm linh và tìm cách xóa bỏ những điềm xấu với mình bằng cách đi cúng giải hạn.

Trong khi những người phụ nữ không thể hoặc không đủ dũng cảm để vượt qua những định kiến, thì những người đi lễ“xin xỏ” kia không hề giảm. Họ chìm trong nỗi sợ hãi về việc mất tài lộc hoặc không bao giờ có được nó. Họ chen chúc, chỉ thiếu mỗi nước giẫm đạp lên nhau, để hy vọng có được vận may.

Tôi hiểu ra là những người như chị khi sinh ra đã được mẹ dạy về những chức phận của người phụ nữ để làm trònvà nghĩ rằng, như thế mới là đảm đang.

Còn những người như chồng chị, càng thăng quan tiến chức bằng những con đường “quanh co” theo cách chạy chọt và quan hệ, lại càng lo sợ cái bổng lộc ấy sẽ mất bất cứ lúc nào. Tết, và rồi sau đó, trở thành một gánh nặng không hề nhỏ đối với những người như họ, khi những ngày Xuân hóa ra chẳng thấy vui vẻ và thanh thản gì.

Rồi năm nào cũng thế, nhìn con số những vụ tai nạn giao thông trong những ngày Tết, những vụ đánh nhau vì rượu mà rùng mình, khi thấy không khác gì một bản thống kê thiệt hại chiến tranh. Xuân là phải vui chứ, phải là những gì thực sự ý nghĩa khi ta chúc nhau đầu năm, đâu phải những gì như chị và chồng chị đã trải qua, hay những con số về người chết, người bị thương liên quan đến các tai nạn đủ loại?

Chị nói, chị muốn thay đổi, vì đã quá mệt mỏi. Chị sẽ làm thế nào để thay đổi mình và lối sống của chồng tôi không rõ, nhưng tôi luôn tin rằng, nếu người phụ nữ đã quyết tâm thay đổi, chắc chắn họ sẽ làm được, để không chỉ có cách “đối xử” với Xuân tốt hơn, mà thực chất hướng đến một cuộc sống văn minh và lành mạnh hơn.

Anh Ngọc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm