13/06/2017 14:02 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Thực tế cho thấy, do nhiều biến động của đời sống hiện đại, bữa cơm gia đình truyền thống đang bị nhiều gia đình xem nhẹ. Ngày Gia đình Việt Nam 28.6 năm nay đã được Bộ VHTTDL lựa chọn với chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” nhằm khôi phục lại sinh hoạt văn hóa truyền thống đáng trân trọng này.
GS.TS Đặng Cảnh Khanh chia sẻ: “Ngày nay cái không khí “râu tôm nấu với ruột bầu, chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon” có vẻ như không còn hợp nữa với một gia đình khá giả của cuộc sống hiện đại, nhưng cái tình cảm gia đình, tình vợ chồng, sự nhân ái và nhân đạo trong quan hệ gia đình ở bát canh tôm ruột bầu đó thì vẫn là một giá trị không gì sánh được. Cần phải giáo dục cho các gia đình trẻ hiện nay biết trân trọng những giá trị quý báu mà không phải cứ món “sơn hào hải vị” nào cũng có thể mang lại – giá trị về gia đình”.
Trước đây, rất nhiều gia đình đông con, có khi cả 3 - 4 thế hệ cùng sống chung với nhau như ông bà, cha mẹ, con cái, cháu chắt nhưng bữa cơm gia đình hằng ngày luôn được duy trì. Bữa cơm là nơi mọi người chia sẻ những câu chuyện tâm tình từ những lo toan trong công việc cho tới những vấn đề của xã hội… Sự lắng nghe chia sẻ cũng là một trải nghiệm và gắn kết mỗi thành viên trong gia đình với nhau.
Tuy nhiên, cũng từ đây nảy sinh rất nhiều mâu thuẫn trong gia đình và sự gắn kết giữa các thành viên trở nên lỏng lẻo hơn. Các chị đọc vanh vách những quán ăn ngon, những món ngon cùng bạn bè, đồng nghiệp, nhưng nếu để làm sao tự tay làm những món ăn mình thích đó cho chồng con thưởng thức là chuyện không thể. Nhiều người chồng chia sẻ, bữa cơm buổi trưa đã suốt ngày lê la quán xá, nhậu nhẹt tiếp khách, chỉ mong được về nhà ăn bát cơm với canh chua và rau vợ nấu lại thấy ngon, đáng buồn là nhiều người về nhà lại phải cố nuốt những món ăn theo kiểu “công nghiệp” như “fast food” hoặc cả nhà rồng rắn dắt nhau ra “cơm bụi bình dân”…
Rất nhiều người hiện nay không hiểu rằng sự bỏ bê bữa cơm gia đình hoặc vắng mặt thường xuyên trong các bữa cơm cùng gia đình cũng đồng nghĩa với sự nguội lạnh các sinh hoạt khác. Bữa ăn sum họp chính là thành quả lao động của các thành viên trong gia đình, là nơi truyền nhận những kinh nghiệm giáo dục, đạo đức, lối sống trong gia đình. Mặt khác bữa cơm cũng là lúc để hướng con trẻ cách sống đạo đức, dạy con về việc nấu nướng, dạy cách ăn uống cũng là dạy cách ứng xử văn hoá. Việc duy trì bữa cơm gia đình là một sinh hoạt văn hoá truyền thống rất cần được gìn giữ, chính vì vậy mà Ngày Gia đình Việt Nam 2014 vận động các gia đình cùng thực hiện bữa cơm gia đình trên toàn quốc, khuyến khích các thành viên cần ý thức hơn về trách nhiệm của mình để giữ gìn hạnh phúc cho mái ấm gia đình.
Bí thư Đoàn Bộ VHTTDL Trịnh Ngọc Chung cho biết: “Trong thời buổi hiện nay, các cặp vợ chồng trẻ thường bận rộn mải mê với công việc, họ thường phó mặc bữa cơm gia đình cho người giúp việc, cho ông bà ở nhà nấu cho con cái, còn họ thì chạy theo những cuộc liên hoan tiệc tùng, nhậu nhẹt. Bỏ bê bữa cơm gia đình cũng là bỏ bê trách nhiệm của mình với gia đình, mỗi người chỉ nhăm nhăm với mục đích riêng mà không có sự kết nối, dẫn tới họ trở nên xa lạ ngay với chính người trong gia đình của mình. Thiếu vắng bữa cơm giữa mọi thành viên trong cùng một ngôi nhà khiến sợi dây liên kết gia đình dễ bị đứt dẫn tới việc tìm tới những mối quan hệ ngoài luồng, và sự chia tay đổ vỡ là điều tất yếu sẽ xảy ra. Chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” được phát động cũng là dịp để các cặp gia đình trẻ nhìn lại và trân trọng những nếp văn hoá truyền thống của gia đình, tạo thêm sự gắn kết trong các thành viên”.
Cũng theo ông Trịnh Ngọc Chung, bên cạnh tuyên truyền, vận động các gia đình trẻ thực hiện “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”, Đoàn Thanh niên Bộ VHTTDL dự định tổ chức một cuộc hội thảo về tác động của công nghệ số với hạnh phúc gia đình trẻ, một vấn đề cũng “nóng” trong cuộc sống gia đình hiện nay.
Theo Hiền Lương
Báo Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất