Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM: Rất khó có thể khởi công vào năm 2012!

21/05/2010 12:49 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Đó là nhận xét trong báo cáo thẩm tra Dự án Đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII diễn ra vào hôm qua (20/ 5). Với dự kiến xây dựng tuyến đường sắt cao tốc 300km/h, thời gian chạy tàu Hà Nội - TP.HCM chỉ còn 5-7 giờ, tạo bước đột phá cho tuyến giao thông Bắc - Nam, dự án này đã thu hút sự quan tâm của cử tri cả nước trong thời gian qua.

* 200km/h rồi nâng lên 300km/h?

Nhìn ở tầm chiến lược, Ủy ban KH,CN&MT tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM song song với việc nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống đường sắt hiện có. Tuy nhiên, Ủy ban cho rằng, cần tính toán, rà soát kỹ thời điểm đầu tư hợp lý xây dựng đường sắt cao tốc bảo đảm tính khả thi và đạt hiệu quả cao nhất trong khi hệ thống giao thông đường bộ như quốc lộ 1A luôn được cải thiện, nâng cấp, đường Hồ Chí Minh đang chuẩn bị xây dựng giai đoạn 2, các tuyến đường ven biển, đường bộ cao tốc Bắc - Nam đang triển khai; các cụm cảng hàng không cũng như hệ thống đường sắt hiện tại không ngừng được đầu tư nâng cấp.

Về phương án đầu tư, Tờ trình của Chính phủ nêu 4 phương án đầu tư đường sắt trên trục dọc Bắc - Nam, trong đó Chính phủ kiến nghị chọn phương án 4. Đó là nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách địa phương, đồng thời xây dựng mới tuyến đường sắt với tốc độ 300 km/h chuyên chở hành khách.

Thảo luận về vấn đề này, trong Ủy ban có hai luồng ý kiến: Ý kiến thứ nhất là nhất trí với phương án như Chính phủ đề nghị. Ý kiến thứ hai, đề nghị xem xét lựa chọn phương án nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại để đáp ứng nhu cầu vận tải. Trước mắt, đồng thời với việc xây dựng mới tuyến đường đôi khổ 1,435m, tốc độ giai đoạn 1 là 200km/h, sau đó khi đủ điều kiện thì sẽ phát triển thành đường sắt cao tốc với tốc độ 300km/h. Nghiên cứu của Trung tâm Thông tin, Thư viện và NCKH - Văn phòng Quốc hội cho thấy, các nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới đều lựa chọn xây dựng và phát triển tuyến đường sắt khổ 1,435m điện khí hóa tốc độ 130 - 180 km/h mà không xây dựng tuyến đường sắt cao tốc 350km/h. Với chi phí thấp hơn, thời gian xây dựng nhanh hơn, khai thác được sớm hơn so với đường sắt cao tốc, tuyến đường sắt khổ 1,435m là lựa chọn tối ưu của các quốc gia như Mỹ, Pháp, Trung Quốc... Như vậy, so với phương án 4 Chính phủ đề nghị thì phương án này sẽ giải quyết được cả việc vận chuyển hành khách và hàng hóa cũng rất quan trọng và cần thiết, chi phí ban đầu thấp hơn, không gây áp lực lớn về vốn đầu tư và sẽ khả thi hơn.

Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội Đặng Vũ Minh trình bày báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM. Ảnh: Thái Bình

Nhiều thành viên Ủy ban đề nghị Chính phủ cung cấp thêm thông tin so sánh lợi thế giữa các phương án để có đủ cơ sở quyết định.

* Lo ngại mức đầu tư sẽ vượt 56 tỷ USD như dự kiến

Tổng mức đầu tư của dự án sơ bộ được xác định là hơn một triệu tỷ đồng, tương đương gần 56 tỷ USD, suất đầu tư bình quân là 680 tỷ đồng/1km, tương đương 35,6 triệu USD/1km. Có ý kiến cho rằng với việc xây dựng chủ yếu là hầm, cầu cạn, cầu vượt sông, cầu ở các nút giao với đường bộ thì tổng mức đầu tư sẽ vượt xa so với dự kiến.

Hơn nữa, Báo cáo của Ủy ban cũng lưu ý rằng, nhu cầu vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nói chung trong thời gian tới cũng rất lớn. Theo số liệu từ các bản Quy hoạch phát triển các ngành giao thông vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì từ nay đến năm 2020, nhu cầu vốn đầu tư cho đường sắt là khoảng 70 tỷ USD, tính chung cho toàn ngành giao thông vận tải lên tới gần 160 tỷ USD. Đây là một thách thức lớn. Trong bối cảnh hiện nay, nợ nước ngoài của Việt Nam vào khoảng 38,9% GDP, nợ Chính phủ đã ở mức trên 42% GDP, tích lũy nội địa và dự trữ ngoại tệ thấp thì việc vay thêm để đủ vốn đầu tư cho dự án này sẽ làm gánh nặng nợ quốc gia tăng lên đáng kể.

Quốc hội tiếp tục thảo luận về Dự án đường sắt cao tốc

Chiều 21/5, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM. Tiếp đó ngày 8/6, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận ở hội trường về chủ trương này và dự kiến chiều 19/6, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM.
 Về thời gian thực hiện dự án, báo cáo nhấn mạnh: Dự án đề ra kế hoạch dự kiến khởi công vào năm 2012, hoàn thiện giai đoạn 1 vào năm 2020. Ủy ban KH,CN&MT cho rằng với khối lượng lớn công việc cần gấp rút chuẩn bị, khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, huy động vốn, đào tạo nhân lực cho xây dựng... thì rất khó có thể khởi công vào năm 2012, cũng như hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2020 như dự án đề ra. Hơn nữa, tờ trình và báo cáo đầu tư đều nêu việc thực hiện phương án phân kỳ đầu tư còn tùy thuộc vào khả năng huy động vốn, và như trên đã phân tích, do phụ thuộc chủ yếu vào vốn vay nên tính khả thi trong triển khai cụ thể còn rất bấp bênh.


Do đó, Ủy ban đề nghị Chính phủ chỉ đạo chủ đầu tư tính toán, xác định lại các mốc thời gian hợp lý hơn để xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện, tránh việc phải điều chỉnh kế hoạch nhiều lần, vì sức ép thời gian mà ảnh hưởng tới chất lượng công trình và mục tiêu của dự án.

* Phân tích rõ hơn những rủi ro

Dự án Đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM khi hoàn thành sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước, kết nối Thủ đô Hà Nội với TP.HCM, hai trung tâm trọng điểm của cả nước. Việc phát triển đường sắt cao tốc sẽ mang lại những lợi ích kinh tế trực tiếp và gián tiếp to lớn cho đất nước trong tương lai.


Tuy vậy, Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo đầu tư chưa phân tích những khả năng xảy ra rủi ro đối với hiệu quả kinh tế của dự án, do thời gian thực hiện diễn ra trong khoảng thời gian 25 năm tới với những biến động khó lường, đó là rủi ro trong quá trình xây dựng dẫn tới tăng vốn đầu tư vì tăng khối lượng và đơn giá xây dựng cơ bản khi đến 77% là xây dựng hầm, cầu cạn, cầu qua sông và qua đường bộ, do phát sinh những vấn đề liên quan đến thiết kế, biến động về tỷ giá, giá cả, thị trường, do thu xếp tài chính không đáp ứng tiến độ v.v... Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần lượng hóa tác động của những rủi ro này cũng như đánh giá mức độ nhạy cảm của các chỉ tiêu kinh tế ảnh hưởng tới dự án để đánh giá mức độ rủi ro khi quyết định đầu tư. Cuối cùng, Ủy ban kiến nghị, do đây là dự án thực hiện trong thời gian dài với quy mô vốn lớn nên đề nghị Quốc hội sẽ xem xét quyết định theo từng cụm dự án thành phần, trước mắt là trong thời kỳ đến năm 2020. Trước khi khởi công xây dựng từng dự án, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét và quyết định nội dung cụ thể theo thẩm quyền.

Vài nét về Dự án Đường sắt cao tốc Hà Nội-TP.HCM

-Xây dựng mới tuyến đường sắt cao tốc với tốc độ khai thác 300 km/h (Vận tốc thiết kế = 350 km/h) chuyên chở hành khách, đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hoá.

- Công nghệ áp dụng: Công nghệ động lực phân tán – EMU (đoàn tàu Shinkansen của Nhật Bản).

- Tổng mức đầu tư sơ bộ: 55,853 tỷ USD (khoảng 35,6 triệu USD/km)

- Dự kiến tiến độ thực hiện: Dự án bắt đầu thiết kế xây dựng vào năm 2012.

- Giai đoạn I: Đến 2020 đưa vào khai thác đoạn Hà Nội - Vinh và đoạn Nha Trang – Thành phố Hồ Chí Minh. Giai đoạn II: Đến 2030 đưa vào khai thác đoạn Vinh - Đà Nẵng và hoàn thành toàn tuyến vào 2035.

- Thời gian chạy tàu từ Hà Nội - Hoà Hưng (TP.HCM, tổng chiều dài dự kiến 1.570 km) là 5 giờ 38 phút đối với tàu nhanh (chỉ đỗ các ga Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang) và 6 giờ 51 phút với tàu thường đỗ ở tất cả các ga

(Theo Tờ trình Báo cáo đầu tư dự án Đường sắt cao tốc Hà Nội – TP.HCM của Chính phủ)


NGUYỄN MỸ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm