GÓC ANH NGỌC: Một suất cho Cassano dự World Cup, tại sao không?

21/03/2014 18:42 GMT+7 | Bóng đá Italy

(Thethaovanhoa.vn) - Kể từ khi Antonio Cassano được gọi vào đội tuyển Thiên thanh hơn 10 năm về trước, điều đầu tiên mà các HLV Italy làm trước khi công bố tên anh luôn là thực hiện một cuộc "trưng cầu dân ý" trong lòng đội tuyển và lấy ý kiến của các cầu thủ có ảnh hưởng nhất: nếu Cassano được vào đội tuyển, liệu họ có đồng ý không, và liệu khối đoàn kết của đội có bị phá vỡ vì sự đồng bóng của anh hay không?

Có khi nào Cassano đọc giống "casino", một từ rất nhiều nghĩa trong tiếng Italy ("canh bạc", "sòng bạc", "sự hỗn loạn", hoặc thậm chí, "nhà thổ")? Trên thực tế, Cassano đã là như thế, và dù phong độ xuất sắc của anh trong một cuộc hồi sinh đầy ấn tượng với Parma ở mùa bóng đáng nhớ này đã khiến ngày càng nhiều ý kiến muốn đưa anh trở lại đội tuyển vang lên, thì những điều tệ hại mà anh đã gây ra không đủ để khiến người ta bớt đi những lo ngại. Cassano giống như một quả bom và không biết nó sẽ nổ khi nào, với sức công phá nào và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đâu.

Nhưng những người thận trọng như Lippi không tin anh. Ông đã không gọi anh vào đội tuyển năm 2006 và hồi đó Ý đoạt chức vô địch thế giới nhờ tính kỉ luật và không ít khắc khổ. Những người như Prandelli đã từng dùng anh. Chất lượng kĩ thuật của anh là khỏi phải bàn cãi. Italy tiến xa đến tận chung kết EURO 2012 một phần nhờ công đóng góp rất lớn của anh. Nhưng sau trận chung kết thảm bại ở Kiev, anh không được gọi nữa, với lí do "không đủ thể lực".

Trên thực tế, đằng sau lời tuyên bố ấy của Prandelli còn những lí do khác nữa mà đến trẻ con cũng hiểu. Một người đã đưa ra tiêu chuẩn đạo đức của mình cho đội tuyển và áp dụng nó một cách triệt để như Prandelli không thể chấp nhận một gã đàn ông tài năng nhưng tính cách như con trẻ trong một tập thể mà ông muốn tái thiết sau EURO 2012. 



Cassano có cơ hội trở lại tuyển Italy

Prandelli không muốn nhắc đến Cassano trong hơn một năm rưỡi năm qua, nhưng bây giờ, khi tiền đạo của Parma đang chơi xuất sắc, với 11 bàn thắng ở Serie A và một loạt những đường chuyền thành bàn, những màn trình diễn biến ảo khôn lường trong đôi chân ở tuổi 32, không thể không tính đến giải pháp Cassano trong hoàn cảnh hàng công của đội Thiên thanh đang khủng hoảng nhân sự và thiếu một điểm tựa, khi Giuseppe Rossi chấn thương, Balotelli trồi trụt phong độ và luôn bất ổn về tâm lí. Chỉ có điều, đưa Cassano trở lại đội tuyển đồng nghĩa với một công cuộc quy mô về ngoại giao của Prandelli, không phải để thay đổi những nguyên tắc đạo đức mà ông đã theo đuổi, mà là để thuyết phục các "nghị sĩ" của đội tuyển chấp thuận.

Trả lời câu hỏi, liệu những nhân vật có vai trò quan trọng trong đội tuyển như Buffon, Pirlo có đồng ý cho Cassano quay về hay không cũng quan trọng không kém câu trả lời của việc, liệu Cassano có sẵn sàng thay đổi cách ứng xử của mình với các đồng đội hay không? Về phần mình, Prandelli đã từng thể hiện là ông rất tin tưởng Cassano. Ông đã đợi anh bình phục sau ca mổ tim năm 2011, sau đó đưa anh, chứ không phải Osvaldo, một "gã điên" khác của calcio đến EURO 2012. Sự chờ đợi và tin tưởng ấy đã được đền đáp một cách xứng đáng nhờ phong độ chói sáng của Cassano ở giải đấu ấy. Nhưng sau EURO, quá nhiều chuyện đã xảy ra.

Cassano dùng dằng rời bỏ Milan để chuyển sang Inter, và ở Inter, anh sống trong những giai đoạn phập phù của phong độ (nhưng không đạt được sự tỏa sáng như đã từng ở Milan). Cuộc từ bỏ Inter của anh (đúng ra là Inter không muốn có anh nữa) là một cuộc chia tay khá cay đắng và tất cả đều thấy rõ, Cassano dễ tổn thương đến thế nào khi một ai đó nhắc đến việc anh cần phải điều chỉnh tính tình cũng như sự vị kỉ vì mục đích chung của tập thể. Cassano đã tố cáo Mazzarri không xây dựng đội bóng quanh anh, khi người đã từng giúp anh hồi sinh ở Sampdoria mấy năm trước đó đến Inter. Ngay cả khi đến Parma, anh cũng không hạnh phúc ngay tức khắc. Các tifosi khó chịu với thái độ kẻ cả của anh lúc đầu. Họ chỉ tha thứ cho anh sau khi anh trình diễn một thứ bóng đá khiến họ bắt đầu ước mơ.

Một đội bóng tỉnh lẻ rất hợp với Cassano. Thành công của Parma ở mùa bóng hiện tại có công rất lớn của tập thể, của chủ tịch Ghirardi, HLV Donadoni, và dĩ nhiên, một phần đóng góp không nhỏ của cầu thủ sáng giá nhất mà ngay từ đầu, họ đã đặt niềm tin vào anh, một canh bạc thực sự. Parma đã thắng canh bạc ấy, đã đem đến cho Prandelli một giải pháp ở hàng thủ sau phong độ chói sáng của anh ở mùa này ở tuổi 31 (trung vệ Paletta, người nhiều khả năng sẽ đến World Cup) và giờ nhường phần quyết định về tương lai của Cassano ở đội tuyển cho Prandelli, khi từ giờ cho đến ngày tập trung ở giải đấu lớn có lẽ là cuối cùng của anh chỉ còn lại hai tháng nữa.

Không thể loại bỏ một "fantasista", một dạng cầu thủ quan trọng mà lâu nay đội Thiên thanh đang thiếu, một khi anh ta đang chơi hay nhất. Nhưng cũng không thể để anh phá vỡ khối đoàn kết của đội, một khi từ mồm của anh luôn sẵn sàng bung ra những câu phát biểu đại loại như, "Cầu thủ đồng tính ái trong đội tuyển Ý à? Nếu tôi nói ra những gì tôi nghĩ, họ sẽ đuổi tôi mất", hoặc "Tôi luôn cần phụ nữ. Tôi đã "chén" vô số cô, kể cả trong trại tập".

Những tuyên bố gây sốc kiểu ấy được đưa ra nhiều năm về trước. Bây giờ, sau khi lên chức bố và hình như nhìn thấy chặng đường sự nghiệp đang ngắn lại mà những danh hiệu lớn vẫn lẩn tránh anh như tránh dịch hạch, Cassano đã thôi hành xử theo kiểu bản năng đi. Anh đã biết suy nghĩ kĩ rồi mới nói, đã trở nên ngoại giao hơn. Nhưng ít ai biết, đến một lúc nào đó, một câu phát ngôn ngu ngốc bộc phát của anh có thể phá hỏng tất cả, cả nỗ lực của anh, của Prandelli cũng như sự "châm chước" của các "nghị sĩ" của đội tuyển. Nếu Cassano được gọi, với các đồng đội của anh, 45 ngày tập trung cho World Cup cùng Cassano có thể là một dịp cực vui. Hoặc còn hơn là một cuộc tra tấn...

Trương Anh Ngọc (Phóng viên TTXVN tại Italy, từ Roma)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm