5 lý do nước Mỹ hứng chịu chỉ trích sau thỏa thuận hạt nhân với Iran

26/11/2013 10:18 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Lần đầu tiên sau 34 năm Mỹ đạt được thỏa thuận hạt nhân mang tính chất quan trọng với Iran. Nhiều người dân Mỹ cũng như Israel bày tỏ quan điểm phản đối vì cho rằng đây là một thỏa thuận nhượng bộ đến từ Washington.

Thỏa thuận có thời hạn trong vòng 6 tháng sẽ buộc Iran tiêu hủy và chấm dứt làm giàu uranium vượt quá 5%. Iran cũng sẽ cho phép các thanh sát viên quốc tế đến giám sát một số cơ sở hạt nhân một cách thường xuyên. Đổi lại Mỹ cam kết giảm bớt biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran cũng như hỗ trợ khoản tiền trị giá 7 tỷ USD đối với Tehran.

Thỏa thuận này trái với quan điểm trước đó của Mỹ luôn yêu cầu Iran chấm dứt chương trinh hạt nhân trong khi Tehran khẳng định chỉ phát triển hạt nhân vì mục đích hòa bình.

1. Iran

Iran bắt đầu thay đổi một cách toàn diện kể từ sau khi Tổng thống Hassan Rouhani lên nắm quyền. Người cam kết sẽ chấm dứt sự cô lập của quốc tế cũng như Iran xích lại gần hơn với phương Tây.

Một trong những đồng minh thân cận của Mỹ ở Trung Đông, Israel luôn coi Iran là quốc gia tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố. Việc Mỹ nhượng bộ để Iran tiếp tục phát triển hạt nhân ở mức giới hạn là điều mà Israel không thể chấp nhận.

Các nhà lãnh đạo bắt tay sau thỏa thuận hạt nhân ở Geneva

Trong cuộc trả lời điện thoại với Tổng thống Mỹ Barack Obama, ông Netanyahu đã khẳng định thỏa thuận hạt nhân mà Mỹ ký với Iran là một sai lầm lịch sử.

Vẫn còn những Nghị sĩ Mỹ luôn coi Iran là kẻ thù kể từ vụ đánh bom Đại sứ quán Mỹ ở Beirut năm 1983. Nghị sĩ Joe Lieberman là người ủng hộ mạnh mẽ Israel và ông không tin tưởng vào thỏa thuận hạt nhân mà Mỹ ký với Iran.

Thủ tướng Israel, ông Netanyahu cho rằng thỏa thuận hạt nhân ở Geneva sẽ không thể ngăn Iran tiếp tục theo đuổi tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân. Điều này sẽ đe dọa trực tiếp đến an ninh lãnh thổ Israel.

Trong khi đó ông Obama bảo vệ quan điểm mà nhóm P5+1 đã nhóm họp ở Geneva. Ông Obama cho rằng những thỏa thuận ngoại giao là con đường duy nhất để giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran.

2. Thỏa thuận mang tính chất nhượng bộ

Hàng chục năm qua Mỹ đã thực hiện hàng loạt những biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm hạn chế khả năng phát triển hạt nhân của Iran. Trong 7 năm qua, Mỹ đã mở rộng lệnh cấm bán vũ khí, xuất khẩu dầu của Iran cũng như nghiêm cấm các tổ chức và cá nhân giao dịch đối với Iran.

Lệnh cấm vận trên đã khiến Iran trở nên kiệt quệ, nguồn thu từ dầu mỏ giảm mạnh trong khi lạm phát khiến đồng tiền Iran trở nên mất giá. Những biện pháp cứng rắn như vậy đã thay đổi hoàn toàn kể từ sau thỏa thuận hạt nhân ở Geneva.

Theo thỏa thuận mới, Mỹ không chỉ dỡ bỏ một số lệnh cấm vận kinh tế đối với  Iran mà còn hỗ trợ trực tiếp khoản tiền trị giá 7 tỷ USD cho Iran. Những người chỉ trích thỏa thuận này cho rằng nước Mỹ đang dần nhượng bộ trong vấn đề hạt nhân của Iran.

"Iran chỉ cần đóng băng chương trình hạt nhân trong vòng vài tháng và khiến nước Mỹ cắt giảm lệnh cấm vận cũng như hỗ trợ khoản tiền 7 tỷ USD. Thỏa thuận như vậy là không công bằng", Thượng Nghị sĩ đảng Dân chủ, Chuck Schumer nhận định.

Nghị sĩ Schumer và Graham cho rằng thỏa thuận đáng ra phải bao gồm các bước cụ thể yêu cầu Iran tháo dỡ những nhà máy hạt nhân có khả năng phát triển vũ khí hạt nhan cũng như tiêu hủy những kho dự trữ uranium đã có trước đó.

Schumer và các thành viên Quốc hội Mỹ nói rằng họ sẽ thúc đẩy dự luật gia tăng trừng phạt đối với Iran vào tháng tới nếu không có những dấu hiệu một thỏa thuận toàn diện về vấn đề hạt nhân của Iran trong vòng 6 tháng tới. Mặc dù Nhà Trắng nhiều khả năng sẽ phủ quyết những dự luật như vậy sau khi vừa ký thỏa thuân hạt nhân với Iran.

3. Iran tiếp tục được quyền sử dụng năng lượng hạt nhân

Thỏa thuận hạt nhân mới cho thấy nước Mỹ đã công nhận quyền được sử dụng năng lượng hạt nhân của Iran. Với uranium làm giàu không quá 5%, Iran hoàn toàn có thể phát triển chương trình hạt nhân phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau như phát điện và cung cấp hỗ trợ y tế.

Ngoại trưởng Iran trong bức ảnh chụp cùng Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius

Những người phê bình phàn nàn rằng thỏa thuận mới chỉ làm chậm quá trình phát triển công nghệ hạt nhân của Iran chú không khiến Tehran tháo dỡ các cơ sở hạt nhân có khả năng làm giàu uranium ở nồng độ cao.

Ông Ben Rhodes, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ cho rằng trong vòng 6 tháng tới Iran sẽ cần phải chấp nhận tháo dỡ các cơ sở hạt nhân có khả năng làm giàu uranium. Chỉ như vậy Mỹ mới chấp nhân chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình mà ông Rouhani luôn tuyên bố.

4. Thỏa thuận nâng cao vai trò Iran tại khu vực Trung Đông

Israel và Saudi Arabia luôn lo ngại tầm ảnh hưởng của Iran đối với khu vực Trung Đông. Việc Mỹ nới lỏng cấm vật kinh tế đối với Iran sẽ giúp Tehran tăng cường khả năng xuất khẩu dầu, cạnh tranh trực tiếp với lợi ích của Saudi Arabia.

Một quan chức giấu tên cho biết chính phủ Saudi Arabia sẽ tiếp tục theo dõi sát sao những thỏa thuận mà Mỹ đã ký với Iran. "Nhiều quan chức Saudi Arabia cho rằng Iran không thực sự thay đổi chương trình hạt nhân. Thỏa thuận này chỉ tạo điều kiện để Iran gia tăng tầm ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông đến những quốc gia như Lebanon hay Bahrain".

Các nhà lãnh đạo nhóm P5+1 tuyên bố thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ và Iran

Chính phủ Saudi Arabia và các quốc gia Arab ở vùng Vịnh bày tỏ sự thận trọng sau thỏa thuận hạt nhân mà Mỹ ký với Iran cuối tuần qua. Saudi Arabia hi vọng Mỹ có thể xóa bỏ hoàn toàn mối đe dọa hạt nhân của Iran trong vòng 6 tháng tới.

5. Kẻ thù của Israel là mối đe dọa đối với nước Mỹ

Các chính trị gia Mỹ đến từ các tiểu bang có các cử tri người Do Thái phản đối mạnh mẽ thỏa thuận hạt nhân tạm thời với Iran. Ngay cả những thành viên đảng Dân chủ có mối liên hệ chặn chẽ với Tổng thống Obama cũng bày tỏ mối quan ngại sau thỏa thuận hạt nhân ở Geneva.

Đối với nhiều Nghị sĩ Mỹ, Israel luôn là đồng minh chiến lược của Mỹ ở khu vực Trung Đông. Việc nhượng bộ Iran sẽ giúp Tehran gia tăng tầm ảnh hưởng đối với các quốc gia láng giềng gây đe dọa đến an ninh và lợi ích của Israel.

Nghị sĩ đảng Cộng hòa đến từ bang Virginia, ông Cantor cho rằng thỏa thuận này tạo nên một tín hiệu đáng ngại trong khu vực Trung Đông cũng như an ninh của nước Mỹ.

Trong khi đó Nghị sĩ John Cornyn đến từ Texas cáo buộc chính quyền Tổng thống Obama sớm đạt được thỏa thuận với Iran nhằm hướng sự chú ý của dư luận khỏi chương trình cải cách sức khỏe mang tên Obamacare.


Nguyễn Hồng Đăng
Theo CNN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm