Đội tuyển Việt Nam trẻ hóa: Quá nhanh chưa chắc đã hay!

07/12/2023 05:43 GMT+7 | Bóng đá Việt

Năm 2008, khi đăng quang chức vô địch AFF Cup đầu tiên thì trong đội hình của đội tuyển Việt Nam khi đó, ngoài trường hợp 32 tuổi của Trần Trường Giang, các cầu thủ còn lại trải đều từ 22 đến 27 tuổi. Độ tuổi trung bình rất đẹp, vậy nhưng đến năm 2012 thì bóng đá Việt Nam đã bước vào cảnh lao dốc không phanh vì thiếu sự nối tiếp thế hệ và kéo dài đến tận 2017.

"Còi báo động" vang lên từ sau thất bại ở SEA Games 2011, đội U23 Việt Nam khi đó do HLV Falko Goetze dẫn dắt đã trắng tay. Ai cũng gọi đó là một thế hệ thất bại của bóng đá Việt Nam nhưng điều thú vị là trong đội hình U23 dự SEA Games ngày đó có tới 3 cầu thủ sở hữu đến 7 giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam là Phạm Thành Lương (4), Nguyễn Văn Quyết (2) và Đinh Thành Trung (1). Họ sau này đều là những nhà vô địch V-League và ngoài Phạm Thành Lương mới giải nghệ mùa này để chuyển sang làm HLV thì Văn Quyết và Thành Trung hiện vẫn là chỗ dựa tại CLB. Thú vị hơn, họ vẫn chơi rất xuất sắc hơn vô số cầu thủ cùng vị trí.

Chưa hết, trong đội U23 ngày đó còn thủ môn Nguyễn Tuấn Mạnh, hậu vệ Dương Thanh Hào, Nguyễn Trọng Hoàng, các tiền vệ Ngô Hoàng Thịnh, Lê Văn Thắng… Đó là những cái tên khá nổi tiếng trong những năm gần đây, không ít người đã có những vinh quang sự nghiệp, dù 10 năm trước tưởng chừng như "không ai muốn nhớ".

Như vậy, đội U23 khi đó hoàn toàn không thiếu tài năng, chỉ có điều cách chúng ta gây áp lực về mặt thành tích ở SEA Games, hoặc kỳ vọng quá mức vào họ, đã khiến những đánh giá chuyên môn không còn chuẩn xác.

Nói cách khác, hơn phân nửa đội bóng U23 ngày đó sau này đều thành công, có chăng là họ cần một độ trễ nhất định về mặt thời gian. Hiểu đơn giản hơn, họ xuất phát chậm nhưng vẫn về đích trọn vẹn, nếu không nói là những gì mà họ có được trong sự nghiệp còn khiến các cầu thủ vốn nổi tiếng lúc còn tuổi U phải ghen tị.

Chúng ta trở lại với đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup lần thứ 2 trong năm 2018. Số lượng cầu thủ U23 nhiều hơn so với thời 2008 nhưng độ tuổi trung bình thì tương đương.

Từ đó đến nay cũng chỉ mới 5 năm, các cầu thủ vẫn đang ở thời gian đỉnh cao của sự nghiệp (27-29). Vấn đề là một số người có vẻ xuống phong độ, đánh mất khao khát chơi bóng, nên năng lực trình diễn trong màu áo CLB không được như kỳ vọng.

Đội tuyển quốc gia Việt Nam trong giai đoạn trẻ hóa: Quá nhanh chưa chắc đã hay! - Ảnh 1.

Những cầu thủ mới 26 tuổi như Tiến Linh vẫn còn rất hữu dụng với ĐTQG, ít nhất là trong 3 hoặc 4 năm nữa. Ảnh: Hoàng Linh

Nhưng liệu có nên vì vậy là phải quyết liệt trẻ hóa ĐTQG và cũng vì thế, đặt những kỳ vọng quá lớn lên lứa cầu thủ U23 hiện nay? Đã có một vài dấu hiệu cho thấy sự giống nhau giữa hai thời điểm cách nhau tròn một thập niên.

Chúng ta "đôn" cầu thủ trẻ lên một cách vội vàng, xuất phát từ những lo lắng sẽ thiếu hụt tuyến kế thừa do cái áp lực từ "di sản" của triều đại HLV Park Hang Seo để lại. Trong khi đó, những cầu thủ U23 hiện tại không có chất lượng như lứa trước, một điều khá bình thường đối với việc phát triển có tính chu kỳ của một nền bóng đá.

Chuẩn bị cho tương lai là tốt, trẻ hóa hay cố gắng sử dụng cầu thủ trẻ trong môi trường đỉnh cao thì cũng nên làm, nhưng có lẽ việc tiến hành cần ở trạng thái bình tĩnh và thận trọng nhiều hơn.

Ví dụ như việc đội tuyển Việt Nam hiện nay liệu đã "già" đến mức phải trẻ hóa theo kiểu gấp gáp như vậy hay không? Liệu các cầu thủ dưới thời HLV Park Hang Seo có "cũ" đến mức không thể tiếp nhận được tư tưởng chơi bóng mới của HLV Troussier hay không?

Và liệu chúng ta đang cố tình "ép" các cầu thủ trẻ phải thành công quá sớm, trong khi năng lực cá nhân của họ lại đang cần một độ "trễ" vì  điểm xuất phát trong khâu đào tạo của họ không bằng những đàn anh.

Bài học của thời kỳ "hậu AFF Cup 2008" có lẽ cần được nghiên cứu kỹ hơn. Sau khi HLV Henrique Calisto bất ngờ rời ghế vì "không thấy triển vọng", bóng đá Việt Nam rơi vào giai đoạn "loạn đấu pháp" khi từ 2011 đến 2017 có 5 HLV từ ngoại đến nội thay nhau nắm các đội tuyển.

Phải chăng, vì mọi quyết định đều dựa trên kết luận "bóng đá Việt Nam đang thiếu tuyến kế thừa" nên mọi thứ mới rối bời, trong khi trên thực tế, chất lượng của lứa cầu thủ được xem là kế cận của các nhà vô địch AFF Cup 2008 vẫn ổn, thậm chí là… quá ổn.

Cuối cùng,  dường như bóng đá Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn từ bỏ được "thói quen" không tốt lâu nay là cứ rơi vào giai đoạn thiếu thành tích lại vội vàng triển khai các công cuộc trẻ hóa, cải tổ mà không tính đến yếu tố phát triển cũng như nền tảng năng lực của các cầu thủ trẻ. 


Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm