26/07/2014 10:15 GMT+7 | Âm nhạc
Cuộc đời bị bội bạc
Thoát thai từ thành phố “đậm đặc dân mun đen” Baltimore, cô bé Eleanora Fagan từ bé đã nếm trải mùi đời. Cô sinh ra khi mẹ mới 18 tuổi và cha cô, một nhạc công da đen đã không nhìn nhận con gái mình. Năm 1915, dòng người từ miền Nam đổ tràn đến Baltimore khiến khu vực này như chiếc phễu bị phình to. Những người da đen tranh nhau để tìm chỗ đứng trong công việc từ phu khuân vác, công nhân, quét dọn nhà vệ sinh… Mẹ của Eleanora Fagan, bà Sadie, cũng có một công việc như nhiều người phụ nữ da đen thời đó: mại dâm. Thật ra trước đó Sadie giúp việc trong một gia đình da trắng nhưng khi bụng mang dạ chửa mà không có hôn thú nên cô bị đuổi ra khỏi nhà. Bố mẹ cô vì quá thất vọng con gái nên cũng ruồng bỏ Sadie. Nghèo, thất học, con nhỏ không đủ tiền nuôi, Sadie cuối cùng chọn làm gái đứng đường. Chán nản với cuộc đời, Sadie sau đó đi tìm vận may ở New York nhưng New York cũng chẳng mang lại cơ hội nào. Sadie tiếp tục làm gái bán hoa ở khu Harlem.
Eleanora Fagan lớn lên vất vưởng. Năm 10 tuổi cô bị hãm hiếp, bị ngược đãi, bị cho vào cô nhi viện. Năm 13 tuổi, cô được đưa đến New York và tại đây cô đã bị mẹ mình bán cho một nhà thổ. Eleanora Fagan lớn lên với những vết thương không bao giờ lành. Sau này, trong hồi ký tựa đề Lady Sings The Blues, Billie Holiday kể: “Người ta nói chưa ai hát chữ “đói” hay chữ “yêu” như tôi. Có thể đó là vì tôi biết rất rõ ý nghĩa những từ này. Tất cả những gì tôi mong đợi ở cõi đời này đều trực tiếp bắt nguồn từ hai chữ đó”.
Tiếng hát bay trên nỗi đau
New York năm 1928, cô bé 13 tuổi Eleanora Fagan hớn hở ngắm nhìn thành phố của những giấc mơ. Nhưng cô không thể biết rằng số phận mình đã được định đoạt tại căn nhà số 151 West phố 140, nhà thổ của tú bà Florence Williams. Tại đó, lần đầu tiên cô được nghe tiếng hát của Louis Amstrong, lần đầu tiên cô được chạm vào nỗi đau qua âm nhạc và cũng là lần đầu tiên cô tiếp khách, một gã da trắng vạm vỡ, với giá 5 USD.
New York lúc ấy là một nước Mỹ thu nhỏ. Không có khoảng xám cho người da trắng và da đen bước vào ngoại trừ những nhà thổ. Cô bé Eleanora Fagan quen với việc tiếp khách là dân da trắng và tuyệt đối không được tiếp xúc với họ ngoài phố. Kể cả khi động mại dâm của tú bà Florence Williams bị phá thì nạn nhân vẫn là mẹ con cô, chứ những khách hàng da trắng được tha bổng ngay lập tức.
Năm 1929, Eleanora Fagan đi tù khi chưa 14 tuổi.
Tháng 5/1929 Fagan ra tù và tìm một công việc chạy bàn trong một tửu quán ở Harlem. Một lần cô đề nghị được làm vũ nữ, bất ngờ người chủ phòng trà hỏi cô có biết hát không. Ngay lập tức, Fagan gật đầu. Fagan thích hát và lúc ấy khoảng cách giữa ca sĩ và gái nhảy chẳng khác xa là mấy, cuối cùng cô được nhận việc. Lúc ấy, nghệ danh Billie Holiday ra đời.
New York của thời kỳ 1929, thời kỳ Đại khủng hoảng, trở thành một chốn ăn chơi bất cần đời để quên đi sự sợ hãi và các thiếu thốn vật chất. Billie Holiday chạy show từ hộp đêm này đến hộp đêm khác. Rất mau chóng cô trở thành ngôi sao nhạc jazz ở đây. Năm 1933 sau khi nghe Billie hát tại phòng trà Covan, nhà sản xuất nổi tiếng John Hammond đã quyết định mời cô thu đĩa. Tháng 11/1933 đĩa đơn đầu tiên với hai bài Your Mother’s Son-In-Law và Riffin’ The Scotch bán được gần 6.000 bản và gây sự chú ý cho toàn nước Mỹ.
Sự xuất hiện của một cô nàng mun đen trên sân khấu âm nhạc Mỹ lúc ấy là một quả bom. Hãng đĩa Brunswick đã ký hợp đồng lâu dài với Billie Holiday và soạn cho cô cả một vệt những cuộc lưu diễn kiếm tiền. Nhưng dù đã bắt đầu nổi tiếng, Billie vẫn tiếp tục là nạn nhân của sự kỳ thị. Billie không được vào khách sạn của người da trắng, không được đi thang máy chính mà phải lên phòng bằng thang máy chở hàng, tới quán ăn cô phải ở ngoài, thậm chí không được vào cả nhà vệ sinh nơi có dòng chữ “White Only” ở trên đầu. Khi hát Billie phải lên sân khấu từ cửa hậu, hát xong cô phải biến mất ngay lập tức trước khi những người da trắng yêu thích cô nhào lên sân khấu bắt tay…
Billie mang tất cả điều ấy vào tiếng hát. Strange Fruit (Quả lạ) là tuyệt phẩm, ở đấy, tiếng hát dịu ngọt ngân vỡ trong tiếng nấc nhẹ diễn tả nỗi đau đớn trước hình ảnh đầu một người nô lệ treo lủng lẳng trong thòng lọng trên những cây sồi khắc khoải và nhìn xa xa như những “quả lạ” chỉ vì anh ta không chịu làm công việc của một nô lệ.
Quả muộn với Billie
Âm nhạc đã đưa Billie Holiday vượt qua tăm tối nhưng giọng hát ấy vẫn là tấm gương chiếu lại cuộc đời của cô bé Eleanora Fagan. Billie không màng danh vọng, bà chỉ cần được hát, được cất lên nỗi lòng tê tái của một người da màu thiếu tình yêu và tình thương. Billie để lại cho đời những tuyệt phẩm như They Can’t Take That Away From Me, Gone With The Wind, Blue Moon, God Bless This Child, Baby I Don’t Cry Over You, Gloomy Sunday, Strange Fruit… mà không một ca sĩ nào về sau này có thể vượt qua.
Khi Tổng thống Mỹ Truman áp đặt đạo luật bãi bỏ kỳ thị và cho phép chung đụng màu da năm 1949, đã quá muộn với Billie Holiday. Cuộc đời xô đẩy một cô gái từ trong trắng đến ê chề, từ đau khổ đến vinh quang và chỉ tìm được sự cân bằng với ma túy và rượu. Billie lúc ấy nghiện ngập và bao nhiêu tiền kiếm được mất trắng vào các trận chích choác hay các cuộc tình buồn thảm.
Ngày 17/7/1959, Billie Holiday qua đời ở tuổi 44 do phù phổi và xơ gan. Lúc ấy, trong người bà còn 750 USD và tài khoản ngân hàng chỉ có… 75 xu.
Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất