Đọc 'Vui buồn cùng tiếng Việt': Có nỗi âu lo, có niềm trăn trở

22/02/2022 11:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Trong vài năm qua, những câu chuyện về cách dùng, cách hiểu, và cả cách “sáng tạo”, du nhập những từ ngữ mới trong tiếng Việt luôn nhận về sự quan tâm đặc biệt trong đời sống.

PGS. TS Phạm Văn Tình – người tôn vinh tiếng Việt yêu thương

PGS. TS Phạm Văn Tình – người tôn vinh tiếng Việt yêu thương

Viết sách giúp học sinh, yêu tiếng Việt, hiểu tiếng Việt, PGS-TS Phạm Văn Tình có bộ 4 quyển Tiếng Việt yêu thương (NXB Kim Đồng 2008). Cũng thuộc loại sách này ông còn có quyển Mỏng mày hay hạt được Nhà nước đặt hàng, năm 2014 NXB Kim Đồng in tới 21.776 bản, đưa vào thư viện các trường trung học cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Dường như, đây là một vấn đề tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đồng thời các yếu tố văn hóa truyền thống đang có nhu cầu được hệ thống và chuẩn hóa để phù hợp với hiện tại. Được NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2022, Vui buồn cùng tiếng Việt của tác giả Bùi Bắc là một cuốn sách về vấn đề này. Thể thao và Văn hóa (TTXVN) xin giới thiệu bài viết của PGS-TS ngôn ngữ học Phạm Văn Tình.

1. Tôi tình cờ nhận được bản thảo Vui buồn cùng tiếng Việt của tác giả Bùi Bắc. Tên thật của ông, trùng tên với một người khác (cũng là Bùi Việt Bắc, cùng trong ngành xuất bản), nhưng nghiệp của ông có khác. Là biên tập viên kỳ cựu ở NXB Kim Đồng, Bùi Bắc còn được nhiều bạn đọc biết đến với tư cách một dịch giả. Tôi nghĩ ông xứng đáng được gọi là một biên tập viên - dịch giả vì ông đã làm quen với công việc dịch và biên tập sách dịch tròn 30 năm (với rất nhiều tác phẩm qua tay ông). 30 năm miệt mài với chuyện chuyển ngữ (từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, trong đó có tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Hán…), Bùi Bắc đã tích lũy cho mình một hành trang, vốn liếng không hề nhỏ.

Chú thích ảnh
Tác giả Bùi Bắc

Thú thực, dù rất bận, tôi vẫn say sưa đọc một mạch cuốn sách này. Cuốn sách không dày lắm (188 trang 14,5x20,5cm), ấy vậy mà chứa đựng quá nhiều vấn đề. Gần 200 trang, không thể “ngốn” như đọc tiểu thuyết mà phải nhẩn nha đọc từng bài, lần tìm “trên từng cây số” để nhận chân những điều tác giả gửi gắm. Ngữ liệu như tác giả nói (trong Đôi lời cùng bạn đọc) là “những bài báo trải dài trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến năm 2021 mà nội dung là những từ sai mới xuất hiện trong tiếng Việt cũng như những từ có sẵn từ trước nhưng bị hiểu sai”.

Người dịch là người tiếp xúc với ít nhất 2 ngôn ngữ cùng một lúc.Từ “nguồn” chuyển sang “đích” là một hành trình giải mã ngôn từ. Khi tiếp xúc với các bản dịch (hay bài viết liên quan), Bùi Bắc phát hiện ra rất nhiều nhầm lẫn, sai sót về cách dùng từ, dùng ngữ, diễn đạt…

Người Pháp có câu “Traduire, c’est trahir” (Dịch là phản). Xa hơn, ngạn ngữ này nhắc ta một điều: Cần thận trọng trong việc dịch. Cũng bởi dịch là một công việc không chỉ là chuyện chuyển ngữ đơn thuần mà còn liên quan tới những vấn đề về kỹ năng của “nghệ thuật dịch”. Chúng ta biết rằng, đằng sau con chữ là cách diễn đạt, là tư duy văn hóa của một dân tộc thể hiện “tường minh và hàm ẩn” qua hệ thống ngôn từ của họ.

2. Cuốn sách, có khoảng 60 từ thôi. 60 từ là 60 vấn đề phân chia theo 12 mục (đánh số La Mã), là 12 “nhóm vấn đề” mà tác giả “quan sát, chiêm nghiệm và nhận diện” trên quãng đường dài gần 1/3 thế kỷ.

Chú thích ảnh
Bìa sách “Vui buồn cùng tiếng Việt”

Ông phát hiện ra sự nhầm lẫn tai hại của những từ tưởng như đã rất quen (tới mức gần như “đóng đinh”) trong sách báo tiếng Việt (bà đầm thép, khoa học viễn tưởng, nàng tiên cá, ngài, ốc đảo, vườn quốc gia, xúc tu…). Ông lên tiếng nhắc nhở về những từ ngữ cũ tiếng Việt “bị thất truyền” nay nên dùng lại thế nào cho phải khi dịch (công chúa, công nương, hoàng tử…). Ông lưu ý những người sử dụng tiếng Việt đừng quá dễ dãi khi chấp nhận những từ, những tổ hợp từ “tưởng dễ mà lại khó” (chẳng hạn, cricket - môn thể thao chơi bằng gậy quen thuộc của người Anh lại dịch là “con dế”; Hay tổ hợp “(Нет), ничего!” (tiếng Nga) trong ngữ cảnh nên dịch là “tao có làm gì đâu!” lại dịch là “không có gì!” - không sai nhưng “ngô nghê”). Chỉ riêng thuật ngữ “vi tính” đã thành một đề tài khai thác dài dài, càng đọc càng ngạc nhiên vì tính ly kỳ, phức tạp của chữ nghĩa. Các chủ đề về từ Hán Việt, phương ngữ, thuật ngữ, ngôn ngữ truyền thông cũng được tác giả đề cập và trao đổi.

Mỗi từ, mỗi ngữ, mỗi trường hợp liên quan tới dịch thuật đều có thể thành một câu chuyện ngôn từ. Với người đọc bình thường đã thú vị, nhưng càng thú vị hơn với những ai đang làm công việc viết lách, nghiên cứu, dịch thuật. Đọc những bài viết ông dẫn chứng những tình huống dịch (do không hiểu rõ ngoại ngữ, hoặc do không nắm chắc tiếng mẹ đẻ - tiếng Việt, hoặc do cẩu thả không suy xét kỹ) theo kiểu “word by word” (từ đối từ) tôi nhớ tới câu nói của nhà ngôn ngữ học -dịch giả tài danh Cao Xuân Hạo: “Dịch chính xác từng từ một rồi ghép lại theo cấu trúc cú pháp đã có là cách tốt nhất để tiến tới dịch sai hoàn toàn”.

Cũng phải thêm điều này. Không phải tất cả những trường hợp từ ngữ mà tác giả đưa ra đều “chuẩn không cần chỉnh”. Đấy chỉ là một ý kiến, một suy nghĩ theo cách diễn giải riêng. Bạn đọc có thể đồng tình hay không đồng tình, thậm chí phản bác. Đó cũng là điều bình thường. Bởi kéo người đọc vào vấn đề đang quan tâm, cùng suy nghĩ trao đổi là đích cần hướng tới của cuốn sách. Bản thân tôi, một người làm công tác nghiên cứu ngôn ngữ, tôi cũng thấy nhiều vấn đề cần khảo sát, cân nhắc kỹ hơn(trên ngữ liệu đã có) và quan trọng hơn, cũng phải tuân theo quy luật và xu hướng sử dụng ngôn ngữ của cộng đồng tiếng Việt.

Tôi rất tâm đắc và cảm thông với “những nỗi âu lo, những nỗi niềm trăn trở” của Bùi Bắc - một con người đã sống cùng tiếng Việt và khát khao đóng góp một cái gì đấy, góp phần cho tiếng Việt của chúng ta ngày càng phong phú hơn, trong sáng hơn, đẹp hơn.

PGS. TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm