06/02/2022 19:30 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Môn học chính của cấp Tiểu học là Tiếng Việt, tới THCS, THPT gọi là Ngữ văn (hay Văn). 12 năm phổ thông, 4 năm đại học tôi học và vẫn tiếp tục học song hành cùng sáng tạo.
Viết về tiếng Việt chính là viết về con đường thi ca, con đường tôi đi cả cuộc đời. Sao có thể hết trong một “khúc ca Xuân”, khi câu chuyện về tiếng Việt đủ viết “trường thiên tiểu thuyết”, có cả tôi trong đó?
1. Tôi đã tìm hiểu về hành trình tiếng Việt ở Pháp trong các chuyến quảng bá thơ tại châu Âu. Khi đến Lyon, thành phố lớn thứ ba xứ Gaulois, bên sông Rhône, tôi không nghe chuyện tình của chàng và nàng Saône hóa thành sông mà còn đến Tu viện dòng Tên để có cơ hội hiểu thêm và kính ngưỡng giáo sĩ A.Rhodes (1593-1660), một kỳ nhân vĩ đại vượt nhiệm vụ truyền đạo để thành nhà ngôn ngữ học tầm cỡ. Dành hầu hết cuộc đời hoạt động ở châu Á, mộ nằm lại Iran, A.Rhodes dạy tiếng Việt cho người kế nhiệm, nghe, quan sát và tập hơn, hệ thống hóa TV. Thông thạo 12 thứ tiếng, ông lại dành tâm huyết lớn cho An Nam. Sau 25 năm sống tại nước ta, A.Rhodes về Lyon, đem theo bản đồ và in Từ điển Việt - Bồ - La...
Hai cuốn sách của A.Rhodes xuất bản ở Roma năm 1651 (Dictionarium Anamiticum Lusitanum et Latinum và Catechismus Pro iis qui volunt suscipere Batismum) là hai tác phẩm nền tảng, không thể thay thế, đặt cơ sở cho việc ký âm tiếng Việt bằng chữ cái Latinh, hình trạng tiếng Việt thế kỷ XVII cùng sự tiến hóa của nó. Cuốn Linguae Annamiticae seu Tunchinensis Brevis Declaratio) tóm tắt ngữ pháp 31 trang ở cuối, đã “đưa ra một tổng quan vắn tắt để bàn đến từ loại trong tiếng Việt.”: Chữ và âm tiết trong tiếng An Nam (chương 1); Dấu thanh và các dấu của các nguyên âm (chương 2); Danh từ, tính từ và phó từ (chương 3); Đại từ (chương 4); Các đại từ khác (chương 5); Động từ (chương 6); Các thành tố bất biến trong tiếng Việt (chương 7); Một số thành tố của cú pháp (chương 8). Đây là đóng góp đặc sắc và duy nhất chỉ của ông, không thể thay thế.
Tại Paris, tôi hãnh diện khi thấy tên nhà văn Phạm Duy Khiêm, sinh viên trường Sư phạm danh giá ở phố Ulm, cùng với George Pompidou (người sau này là Tổng thống Pháp, tên đặt cho Bảo tàng nghệ thuật hiện đại ở Paris), L.Senghor (nhà văn, Tổng thống Sénégal). Phạm Duy Khiêm (1908 - 1974) con trai cả của nhà văn Phạm Duy Tốn (1880 - 1924) sinh trưởng ở Hà thành, ngay gần hồ Hoàn Kiếm. Cha bị lao mất sớm, anh cả Khiêm 16 tuổi đã làm trụ cột gia đình, thay cha dạy dỗ các em trai. Quãng đời ngắn ngủi được bên cha, chắc chắn Khiêm đã được truyền thụ văn học và tình yêu nước qua văn chương, nên dù mất cha khi tuổi còn niên thiếu, Phạm Duy Khiêm vẫn mang tình dân tộc khi du học châu Âu và sống ở Pháp 20 năm cuối đời. Hoàn toàn sáng tác bằng tiếng Pháp, do ngôn ngữ phổ biến và tầm ảnh hưởng, song Phạm Duy Khiêm luôn biểu lộ tinh thần dân tộc, văn hóa Việt qua các tích cổ, huyền thoại, lịch sử, văn học cổ điển lẫn dân gian. Người VN đầu tiên nhận bằng Thạc sĩ Văn chương Pháp tự nói về mình: “Thầy đồ (agrégé) Phạm Duy Khiêm xây dựng Việt ngữ, nhưng nhà văn Phạm Duy Khiêm phải tạo uy danh Việt Nam trên văn đàn thế giới”.
2. Tác giả Sống chết mặc bay, nhà văn trào phúng hiện thực xã hội tiên phong Phạm Duy Tốn là nhà văn hiện thực tiêu biểu của văn học VN đầu thế kỉ XX, thông ngôn (phiên dịch) của Tòa Thống sứ Bắc kỳ. Cha tinh sành Pháp văn, lại là nhà văn có thứ hạng nổi bật, mà kết tinh văn hóa Pháp qua việc thấm nhuần tinh hoa nghệ thuật và tự tôn văn hiến nước nhà đã tác tạo được hai người con trai cả và út đẹp trai, tài giỏi, đóng góp đáng giá cho nền nghệ thuật Việt Nam thế kỉ XX và khuếch tán được giá trị văn hóa VN ra quốc tế.
Sau 30 năm sống ở Mỹ, Phạm Duy (1921- 2013) hồi hương và định cư tại TP. HCM. Nhạc sĩ lớn muốn dành quãng cuối cuộc đời ở nơi ông và gia đình đã ra đi sau thời gian sống hơn 20 năm, khi đã 84 tuổi, muốn gia tài âm nhạc dành cho quê hương Việt Nam. Đó là hơn 1.000 tác phẩm âm nhạc, là các hồi kí có giá trị với văn học sử và nền Tân nhạc cũng như sự phát triển của âm nhạc VN.
Tôi đã may mắn được đến thăm nhạc sĩ Phạm Duy khi ông cùng con trai Duy Cường ra Hà Nội. Phạm Duy nhất quyết thuê khách sạn Salut trên phố Hàng Dầu để được sống lại thời thơ bé. “Cha tôi ngồi xem báo/ Mẹ tôi ngồi khâu áo/ Bên cây đèn dầu hao” - cảnh trong bài ca Phạm Duy nhớ bậc sinh thành.
Duy Cường gần gũi cha vì anh thường đảm nhiệm phần hòa âm phối khí. Các con của nhạc sĩ: Quang, Minh, Hùng, Cường, Hiền, Thảo, Đức, Hạnh đều nói tiếng Hà Nội thanh thoát, ngữ âm người Hà Nội xưa thừa hưởng từ cha mẹ.
Khối lượng tác phẩm đồ sộ của Phạm Duy qua giọng hát các con ông và những ca sĩ tài danh đã lan tỏa tiếng Việt ở nhiều quốc gia. Ca hát bền bỉ trong đại gia đình Phạm Duy là danh ca Tuấn Ngọc (chồng của Thái Thảo), 75 tuổi, con cả của gia đình âm nhạc tiếng tăm.
Thời chống Mỹ, Phạm Duy đã được bạn bè giúp đưa ra Vĩ tuyến 17 để hoàn thành trường ca Con đường cái quan. Năm 1953, nơi “Hòn ngọc Viễn Đông”, ông bế con trai Duy Minh mới chào đời và viết nên Tình ca, một trong các tác phẩm nổi tiếng nhất của Phạm Duy, mà công chúng thường nhớ đến bằng câu hát đầu tiên “Tôi yêu...”
Tôi đã cùng nhạc sĩ Phạm Duy ngồi dưới hàng ghế gần sân khấu Nhà hát Hòa Bình để nghe Đức Tuấn hát tình ca, đêm nhạc của ông - Con đường tình ta đi. Anh là nam ca sĩ hát nhiều nhạc Phạm Duy nhất kể từ khi ông về nước. Rồi lại nghe anh hát trong nước mắt ở Nhà hát Lớn Hà Nội.
Mùa Đông 2011, tại thành phố Liège (Bỉ), tôi lại nghe bài ca thấm đẫm tình Việt Nam này trong nhà hàng Quê hương của cô Đinh Thị Hiệp. Hai vợ chồng chịu khó mấy chục năm trên đất khách, vừa là chủ vừa là đầu bếp, nhân viên. Hóa ra cô là dì ruột của Đức Tuấn về sau khi gặp ca sĩ, tôi kể với anh về kỷ niệm này. Anh nói lâu không được gặp dì, chỉ muốn được hát trực tiếp cho dì nghe.
“Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi/Mẹ hiền ru những câu xa vời/ À à ơi ! Tiếng ru muôn đời/ Tiếng nước tôi ! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui/ Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi/ Tiếng nước tôi ! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi/ Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi!”
Sang Paris du học âm nhạc hơn 2 năm, Phạm Duy - nhạc sĩ điêu luyện tiếng Pháp và giỏi tiếng Việt khi trở về lại tiếp tục đặt lời Việt cho nhiều tác phẩm âm nhạc nổi tiếng thế giới. Có thể khẳng định không do dự: Phạm Duy là nhạc sĩ tầm cỡ nhất của Tân nhạc đã phổ thơ nhiều, thành công nhất cũng như có công lớn nhất trong việc cho giới âm nhạc, công chúng nước nhà được tiếp cận và thưởng thức những tác phẩm kinh điển, nổi tiếng của âm nhạc thế giới. Không phải kiểu đặt lời “vu vơ” miễn khớp câu nhạc, mà là sát nghĩa bản gốc. Từ thập niên 40 thế kỉ trước ông đã làm việc này và đến thập niên 60-70 thì rộ cho các bài trứ danh của Pháp, Mỹ.
Vốn tiếng Việt dồi dào ấy, chính là quá trình đọc không ngừng của Phạm Duy. Khi thăm ông tại khách sạn trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3 trong lúc ông chờ nhà trong hẻm trên đường Lê Đại Hành sửa chữa để an cư, tôi được ông cho xem nhiều ảnh, tư liệu sáng tác. Ông luôn yêu, nhớ thương Hà Nội, mong thăm bạn cũ, nhất là Văn Cao, Hoàng Cầm, cả khi cách biệt âm dương cũng vẫn đến nhà thăm, không quên thuở trẻ trai hoạt động ở vùng kháng chiến.
Ông tâm sự: “Anh chị em tôi, do hoàn cảnh mà ít được gặp, thăm nhau; con cháu cũng không mật thiết gần gũi. Chỉ năm tháng tuổi thơ trong kí ức là để nhớ đến nhau. Tôi phải tinh thông tiếng Việt bằng sự ham thích, tiếng cha mẹ đẻ tôi, tiếng tâm hồn tôi. Chỉ tiếc bao năm không tìm được hài cốt cha mẹ. Mẹ tôi từ trần khi tôi 30 tuổi, cha mẹ chôn ở chùa Kim Liên. Bao biến đổi bom đạn san lấp nhà xây người lấn, thật đau xót khi tôi không tìm được chút nào phần mộ”
Với Phạm Duy, âm nhạc là con đường tình của ông đi suốt cuộc đời, làm âm nhạc và tôn vinh thi ca, tiếng Việt là tình tự dân tộc.
3. Tình tự dân tộc của tôi, chính là khát vọng góp phần làm giàu, đẹp tiếng Việt. Ngôn ngữ cần là sinh ngữ, dù chịu nhiều sức ép từ các điều kiện lịch sử, địa lý như tiếng Việt. Tiếng Việt không chỉ “dịu dàng như những câu Kiều” trong ca khúc Giai điệu Tổ quốc của Trần Tiến, không chỉ là những khúc hay nhất lý thú nhất chọn từ nguyên tác Nguyễn Du để Phạm Duy công diễn Minh họa Kiều 1/2009 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia mà tôi được dự. Tiếng Việt là ý nghĩ, là tiếng nói trong mơ, tiếng của thơ.
Yêu Tiếng Việt, thi sĩ, kịch tác gia Lưu Quang Vũ (1948 - 1988) đã đau đáu viết bài thơ năm... Không phải tự dưng, bỗng nhiên có một kịch tác gia kiệt xuất thế kỉ XX mà thông điệp, tính thời sự của tác phẩm vẫn đầy lôi cuốn sau 33 năm Lưu Quang Vũ từ trần. Chàng trai phố Huế đã viết trang Nhật kí đầu tiên năm 17 tuổi: “Ta sống ở trên đời đã gần 17 năm. Chàng họ Lưu đa cảm này đã sắp 17 tuổi. 17 năm, ơn làm sao đất nước, quê hương, ơn từ hớp nước, miếng cơm đến câu ca dao, lời quan họ đã “ru lòng ta trong những buổi ban đầu”, ơn cha mẹ, đồng chí, bạn bè - ơn nhân dân, ơn chế độ Dân chủ cộng hòa đã nuôi ta khôn lớn - Đã giành lại đất trời sông núi tự do cho ta, ơn quê nội ta chưa hề tới, đang cầm súng chiến đấu trong kia. Bao nghĩa tình qua 17 năm ta sống. Cuộc đời ơi, ta yêu lắm lắm. Ta sẽ làm việc, sẽ cống hiến, sẽ chiến đấu vì tất cả”.
13 năm hôn nhân với Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ đã bùng cháy thành hiện tượng của sân khấu, của sáng tạo hy hữu có một không hai về số lượng - chất lượng kịch bản, thơ ca mang khát vọng của một người tận hiến. 13 năm ông sống cùng vợ con trong căn phòng 6m2, mỗi bàn viết nhỏ nên Xuân Quỳnh nhường chồng, bò ra sàn nhà viết.
4. Khi đưa con gái 1 tuổi vào Quy Nhơn dự Hội thảo quốc gia về chữ quốc ngữ tại khách sạn Hải Âu bên biển xanh đẹp vô cùng, tôi được di thăm di tích Nước Mặn, nhà thờ giáo xứ Làng Sông có vai trò trong việc hình thành quốc ngữ. Nước Mặn vì đấy là biển, biển thành đất liền từ hàng thế kỉ. Bao biến thiên không thể sắp đặt chỉ theo ý chí con người. Tôi chỉ thầm ước mơ: Tôi sẽ dùng thi ca để bạn đọc trong và ngoài nước sẽ quan tâm, yêu hơn tiếng Việt, tôi để cho con gia tài tác phẩm để con dù sau đi phương trời nào cũng nhớ và lan tỏa tiếng mẹ đẻ, hai tiếng “Việt Nam”. Tôi mượn đoạn kết bài Tiếng Việt của Lưu thi sĩ, nói hộ lòng mình: “Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ/ Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn/ Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá/ Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình…”.
Tình cờ sao, tôi sinh tháng Tư với Lưu Quang Vũ và đang ở quận Cầu Giấy - nơi có con đường mang tên ông cùng Xuân Quỳnh từ 10/12/2021. Tôi sẽ đến đường Lưu Quang Vũ lần đầu cùng các con tôi. Con gái tôi đang học trường tiểu học mẹ từng học. Khi dạy con tiếng Việt mỗi ngày, tôi được đọc lại những bài đã thuộc 35 năm trước.
Bao xao động, thúc giục trước mùa Xuân.
Tùy bút của nhà thơ Vi Thùy Linh
Thể thao & Văn hóa Xuân Nhâm Dần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất