Độc đáo "Tết làng Việt" 2024 tại Làng cổ Đường Lâm

20/01/2024 15:30 GMT+7 | Văn hoá

Chương trình "Tết làng Việt" 2024 diễn ra từ ngày 20 - 21/1 (tức từ ngày 10 - 11 tháng Chạp năm Quý Mão) tại Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội).

Theo ông Trần Anh Tuấn - Bí thư Thị ủy Sơn Tây - cho biết, đây là năm thứ ba chương trình được tổ chức với sự tham gia của các đại sứ quán, tổ chức quốc tế, văn phòng đại diện doanh nghiệp nước ngoài, sinh viên quốc tế trên địa bàn... 

Độc đáo "Tết làng Việt" 2024 tại Làng cổ Đường Lâm - Ảnh 1.

Một góc không gian Làng cổ Đường Lâm

Độc đáo "Tết làng Việt" 2024 tại Làng cổ Đường Lâm - Ảnh 2.

Đông đảo du khách tới trải nghiệm "Tết làng Việt" 2024

Sự kiện nhằm quảng bá những giá trị văn hóa, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến giới thiệu điểm đến du lịch Làng cổ Đường Lâm tới du khách, đặc biệt là người nước ngoài đang sinh sống tại Hà Nội. Đây cũng là hoạt động giữ gìn truyền thống cho các thế hệ mai sau. Du lịch trải nghiệm Ẩm thực truyền thống Bắc Bộ - Làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây được trao giải thưởng Sản phẩm Du lịch bền vững ASEAN. Giải thưởng sẽ được trao tại Lào vào 26/1 này.

Độc đáo "Tết làng Việt" 2024 tại Làng cổ Đường Lâm - Ảnh 3.

Ông Trần Anh Tuấn - Bí thư Thị ủy Sơn Tây - trả lời phỏng vấn báo chí

Chương trình "Tết làng Việt" được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú như các hoạt động giới thiệu Tết Việt thông qua tour trải nghiệm trọn vẹn những nét đẹp truyền thống. Du khách sẽ được tìm hiểu và trải nghiệm không gian chợ Tết truyền thống với những gian hàng giới thiệu đặc sản Đường Lâm; sản phẩm thủ công làng nghề của địa phương; không gian trải nghiệm văn hóa Tết cổ truyền, từ ông đồ viết thư pháp, nặn tò he, đến gọt hoa thủy tiên; trải nghiệm các trò chơi dân gian...

Độc đáo "Tết làng Việt" 2024 tại Làng cổ Đường Lâm - Ảnh 4.

Góc ông Đồ tại "Tết làng Việt" 2024

Cùng với đó, khách du lịch còn được giới thiệu về các phong tục truyền thống trong dịp Tết như: Lễ giao thừa, mừng tuổi, thả cá chép... được tổ chức tại một ngôi nhà cổ của hộ dân trong làng. Tại sân đình Mông Phụ sẽ tổ chức trưng bày giới thiệu về mâm cỗ ngày Tết. Du khách sẽ được thưởng thức các món ăn truyền thống trong dịp Tết của người dân Đường Lâm; trải nghiệm gói bánh chưng, gói giò ngày Tết.

Độc đáo "Tết làng Việt" 2024 tại Làng cổ Đường Lâm - Ảnh 5.

Hoa hậu Lương Kỳ Duyên và diễn viên Charlie Winston

Tham dự chương trình, Hoa hậu Du lịch Việt Nam Lương Kỳ Duyên cho biết lần đầu tiên tới làng cổ Đường Lâm cô rất ấn tượng với không gian đậm chất Việt ở đây. 

"Tôi cảm thấy như mình đang được "xuyên không" trở về một làng quê Bắc bộ trong quá khứ. Tôi rất vui và ấn tượng vì người dân nơi đây còn giữ gìn được những nếp nhà, đường làng, chợ quê... đẹp đến thế. Với vai trò một du khách, tôi đã thấy rất ấn tượng. Còn nếu ở vị trí một Hoa hậu Du lịch Việt Nam, tôi thấy mình cũng có nghĩa vụ quảng bá hình ảnh Đường Lâm và các di tích Việt tới đông đảo du khách cũng như bạn bè quốc tế để góp phần thúc đẩy văn hoá - du lịch Việt Nam phát triển" - Hoa hậu chia sẻ.

Độc đáo "Tết làng Việt" 2024 tại Làng cổ Đường Lâm - Ảnh 6.

Mikhail Osin - sinh viên người Nga - rất thích thú khi được tham gia sự kiện cùng những người bạn

Trong khi đó Mikhail Osin - người Nga, 19 tuổi, hiện là sinh viên Khoa Tiếng Việt - Đại học Quốc gia Hà Nội - cho biết trước khi tới Đường Lâm tham dự "Tết làng Việt" anh đã tìm hiểu về văn hoá và ngôn ngữ Việt. Nhưng khi tới đây, anh thấy làng Việt quá đẹp, quá độc đáo và ấn tượng.

Độc đáo "Tết làng Việt" 2024 tại Làng cổ Đường Lâm - Ảnh 7.

Nghệ nhân làng tranh Đông Hồ hướng dẫn các du khách nhí công đoạn làm tranh

Được biết, chương trình cũng giới thiệu đến du khách những trải nghiệm về nghề truyền thống và sản phẩm thủ công tại không gian nghề làm tương truyền thống của gia đình ông Hà Hữu Thể, xưởng sản xuất sản phẩm sơn mài và không gian Nghề Làng của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát, không gian Đoài Creative và Đoài Comunity của kiến trúc sư Khuất Văn Thắng. Khu vực đình làng và cổng làng Mông Phụ giới thiệu nghệ thuật múa rối nước, các trò chơi dân gian truyền thống như: Bắt chạch trong chum, chọi gà, bịt mắt đập niêu...

Độc đáo "Tết làng Việt" 2024 tại Làng cổ Đường Lâm - Ảnh 8.

Ông Nguyễn Đăng Thạo

Ông Nguyễn Đăng Thạo - Trưởng Ban quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm - cho biết, Tết làng Việt nhằm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, giới thiệu đặc sản địa phương, quảng bá điểm đến.

"Tết làng Việt tạo hiệu ứng kích cầu du lịch Làng cổ Đường Lâm nói riêng và thị xã Sơn Tây nói chung để đón khách đến tham quan, du lịch, trải nghiệm văn hóa dịp Tết và du Xuân Giáp Thìn. Năm 2023, ở lần thứ hai tổ chức, chương trình thu hút khoảng 1,5 vạn du khách. Năm nay, dự kiến con số có thể lên tới 2,5 vạn. Đó là một tín hiệu đáng mừng" - ông Thạo cho biết thêm.

Độc đáo "Tết làng Việt" 2024 tại Làng cổ Đường Lâm - Ảnh 9.

Bà Nguyễn Thị Thuỳ Dung

Còn theo nhận định của bà Nguyễn Thị Thuỳ Dung (GĐ Sunny Vietnam, đơn vị tư vấn, phối hợp tổ chức và truyền thông cho sự kiện Tết làng Việt), Đường Lâm trong vài năm gần đây đã có sự đổi khác nhiều. Không gian sáng tạo, các điểm check in cổ kính đã được chau chuốt và quan tâm hơn. Bắt đầu có các đơn vị, cá nhân quan tâm về đầu tư. Nếu người dân được đào tạo thêm về du lịch, dịch vụ sẽ được cải thiện hơn.

Độc đáo "Tết làng Việt" 2024 tại Làng cổ Đường Lâm - Ảnh 10.

Đông đảo du khách mặc áo dài "check in" tại sự kiện

Nói về ý tưởng làm phong phú "Tết làng Việt" 2024 với các hoạt động trưng bày và trải nghiệm làm tranh Đông Hồ, nón Làng Chuông... ở Đường Lâm, bà Thuỳ Dung cho rằng, để bảo tồn và phát huy giá trị những giá trị văn hoá dân tộc như tranh dân gian Đông Hồ việc giới thiệu đến đông đảo công chúng là hết sức cần thiết. Tranh Đông Hồ, nón Làng Chuông... có thể đến Đường Lâm hay các địa phương khác đều là điều đáng quý.

Hà Chi. Ảnh: BTC

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm