Đọc 'Bẩy chuyện kể Gothic': Văn chương rốt cuộc là nghệ thuật kể chuyện

24/05/2024 19:37 GMT+7 | Văn hoá

"Hi vọng, Bẩy chuyện kể Gothic sẽ góp phần vãn hồi thị hiếu văn chương đích thực vốn đang bị tha hoá, trở thành xa lạ, trong sinh quyển tâm thức ngày càng bị công nghệ hoá với đủ mọi vùng vẫy có tính thời thượng hiện nay" - dịch giả Trịnh Lữ nhận xét.

Bẩy chuyện kể Gothic (tác giả Isak Dinesen, dịch giả Nguyễn Tuấn Bình) là tác phẩm văn học vừa được NXB Phụ nữ phát hành vào giữa tháng 5. Xin giới thiệu cùng độc giả bài viết của dịch giả Trịnh Lữ về cuốn sách.

1.Tôi muốn có vài lời về dịch phẩm Bẩy chuyện kể Gothic của Nguyễn Tuấn Bình. Ấy là vì nguyên tác tiếng Anh Seven Gothic Tales mới là của cụ bà người Đan Mạch Isak Dinesen (1885-1962). Vì cũng đã từng dịch sách, nên tôi luôn nhớ rằng những gì mình đọc ở một dịch phẩm là lời lẽ của người dịch, tác giả của bản dịch.

Cụ bà Dinesen gọi những câu chuyện của mình là Tales – người đọc bản ngữ gốc sẽ hiểu ngay đây là những câu chuyện nửa hư nửa thật, như kiểu chuyện cổ tích (fairy tales), và tính từ Gothic đi kèm khiến họ hiểu ngay những câu chuyện nửa hư nửa thật này là như thế nào, chúng bí hiểm, kinh dị, lạ lùng và hấp dẫn kiểu gì. Còn quảng đại người đọc bản dịch tiếng Việt thì khó lòng biết ngay như vậy.

Đọc 'Bẩy chuyện kể Gothic': Văn chương rốt cuộc là nghệ thuật kể chuyện - Ảnh 1.

Tác phẩm "Bẩy chuyện kể Gothic"

Nên, Bẩy chuyện kể Gothic được cả người dịch Nguyễn Tuấn Bình và nhà nghiên cứu văn học Đỗ Lai Thuý viết lời giới thiệu; mỗi người có một góc nhìn riêng. Đỗ Lai Thuý thì mong độc giả sẽ nhận ra vẻ đẹp của những câu chuyện rất khó đọc này, mặc dù cũng không nói rõ chúng đẹp ở đâu. Nguyễn Tuấn Bình thì còn giúp người đọc tiếp nhận những vẻ đẹp ấy bằng cách dịch thêm hẳn cả 7 bài phân tích đặc sắc của một học giả phương Tây về từng câu chuyện Gothic này, in ngay sau mỗi câu chuyện trong sách, với kiểu chữ khác. Những phân tích này giúp độc giả hiểu thêm về câu chuyện mình vừa đọc, rồi tự cảm nhận vẻ đẹp của chúng theo bản tạng của mình, chứ cũng không áp đặt một cảm nhận chủ quan nào với người đọc. Tôi hiểu rằng phải say mê 7 câu chuyện này lắm thì Tuấn Bình mới đi đến hết quãng đường dịch thuật văn học như vậy.

2. Còn tôi thì sao? Tôi đã cảm nhận được vẻ đẹp của những câu chuyện này như thế nào?

Với tôi, cụ bà Dinesen đã đưa tôi vào một thế giới hoàn toàn khác biệt cả về không gian và thời gian, đúng như với những câu chuyện cổ tích hoặc huyền thoại. Trong thế giới ấy, sự mầu nhiệm của chuyện cổ tích và cộng hưởng đạo đức của huyền thoại cùng tồn tại trong vòng cương toả chặt chẽ của cả sức mạnh và lòng mềm yếu của con người. Mọi bi hài kịch của chúng ta, ở đâu cũng vậy và thời nào cũng thế, đều như vậy cả.

Những câu chuyện này không khiến tôi nhớ đến những câu chuyện vẫn được cho là Gothic điển hình như Dracula của Bram Stoke hoặc Frankenstein của Mary Shelley. Chúng khiến tôi nhớ đến Don Quixote của Cervantes hơn. Những cao thượng bị chế riễu. Những ước mơ bị khinh rẻ… Chúng khiến tôi nhớ đến những thị hiếu nay đã lỗi thời. Thị hiếu của những tâm hồn luôn noi tới những cao thượng đẹp đẽ. Từng lời kể chuyện của cụ bà Dinesen, như tôi nghe thấy, đều long lanh những vẻ đẹp của một thị hiếu như vậy. Một người đàn bà sang quý lắm mới kể được những câu chuyện như thế. Lời kể khiến ta bị lôi cuốn đến tận cùng cảm xúc ở mọi cung bậc khác nhau.

Bao nhiêu lần bà được để cử giải Nobel văn chương, mà cái uỷ ban chấm giải rất có ý thức thời cuộc kia vẫn không đủ thị hiếu để chọn bà. Lúc bà mất rồi mới lại tự nhận mình sai lầm.

Đọc 'Bẩy chuyện kể Gothic': Văn chương rốt cuộc là nghệ thuật kể chuyện - Ảnh 2.

Sách được NXB Phụ nữ phát hành vào giữa tháng 5

Hoá ra, văn chương rốt cuộc chỉ là nghệ thuật kể chuyện. Những câu chuyện khiến ta nhận ra bản tâm lúc nào cũng mạnh mẽ và mềm yếu của mình, nhận ra cái tất yếu của mọi sự mọi vật… Những câu chuyện không hề khiến ta phải cay đắng với cuộc đời. Mà khiến ta bồi hồi với một mong muốn phải có một ước mơ gì đó thật xứng đáng với cuộc đời duy nhất của mình.

3. Người dịch Tuấn Bình đã kết thúc lời giới thiệu của anh như sau: "Vào năm 2013, Folio (nhà xuất bản chuyên làm ấn bản sách đẹp) cho ra mắt phiên bản Seven Gothic Tales lộng lẫy với mười tranh minh hoạ kỳ ảo của hoạ sỹ Kate Baylay, và đặc biệt có lời giới thiệu của nữ văn hào Margaret Atwood (độc giả Việt Nam đã rất quen thuộc qua bản dịch Chuyện người tuỳ nữ). Bà chia sẻ: 'Những niềm vui thú mà Isak Dinesen mang đến cho hằng bao độc giả đã vượt qua thời gian. Bẩy chuyện kể Gothic là dấu ấn mở màn cho một sự nghiệp sự nghiệp văn chương nổi bật, tác phẩm đưa Dinesen vào danh sách các tác giả quan trọng của thế kỷ 20. Và hằng bao bạn đọc và cả người viết văn sẽ còn nhớ mãi về Isak Dinesen như một người bà, một người kể chuyện lão luyện, lúc nào cũng đem lại cho ta những điều bổ ích."

Còn tôi thì đã nghe danh bà từ 1986, khi cuốn hồi ký Out of Africa của bà được Hollywood dựng thành phim, giữ nguyên tên ấy. Lúc đó, Hollywood giữ nguyên tên thật của bà là Karen Blixen, với tước hiệu Nữ bá tước (từ người chồng là Nam tước Bror Blixen-Finecke), do minh tinh Meryl Streep thủ vai. Lời đầu tiên của cuốn hồi ký I have a farm in Africa… qua giọng nói của Meryl Streep, đã ám ảnh tôi đến tận giờ. Rất mừng thấy Out of Africa đã được Hà Thế Giang dịch ra tiếng ta - Châu Phi nghìn trùng - và còn được giải dịch thuật của Hội Nhà Văn năm 2021.

Đọc 'Bẩy chuyện kể Gothic': Văn chương rốt cuộc là nghệ thuật kể chuyện - Ảnh 3.

Minh hoạ của hoạ sỹ Kate Baylay

Sau Seven Gothic Tales (1934) và hồi ký Out of Africa (1937), cụ bà Dinesen còn kể nhiều chuyện khác nữa thành sách: Winter's Tales (1942), Babette's Feast (1950), Anecdotes of Destiny (1953) và Shadows on the Grass (1960).

Bốn năm trước đây, khi Tuấn Bình quyết định ngừng sự nghiệp xây dựng cầu đường đã rất thành công của mình để theo đuổi đam mê dịch thuật văn học, lấy nghề bán sách để thực hiện việc ấy; anh đã cậy tôi vẽ cho anh một bức chân dung để ghi dấu bước ngoặt trọng đại ấy. Hôm nay, ở tuổi 40, với dịch phẩm Bẩy chuyện kể Gothic, anh đã có thể coi mình là một dịch giả văn học.

Điều khiến tôi thấy tự hào về anh, là việc anh đã chọn Dinesen và Seven Gothic Tales làm bến đầu tiên cho hải trình sự nghiêp của mình. Vì Seven Gothic Tales là văn chương đích thực, vượt khỏi không gian và thời gian, mãi mãi khiến ta nhớ đến thị hiếu cao nhã đẹp đẽ của mình trong tư cách Người. Nó nhắc ta rằng văn chương rốt cuộc là nghệ thuật kể chuyện để nuôi dưỡng và lưu truyền những giá trị cao đẹp của Người.

Bẩy chuyện kể Gothic, tôi hy vọng thế, sẽ góp phần vãn hồi thị hiếu văn chương đích thực vốn đang bị tha hoá, trở thành xa lạ, trong sinh quyển tâm thức ngày càng bị công nghệ hoá với đủ mọi vùng vẫy có tính thời thượng hiện nay.

Hà Nội, 4/5/2024

 

Trịnh Lữ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm