24/11/2020 07:15 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng nay, 24/11, tang lễ dịch giả Đoàn Tử Huyến sẽ được tổ chức từ 7h15 - 9h15 tại Nhà tang lễ Cầu Giấy, số 1 Trần Vỹ, Hà Nội (an táng tại quê nhà, xã Hoà Lạc, Đức Thọ, Hà Tĩnh). Để nhớ về một dịch giả lớn của văn học Việt Nam, TT&VH xin giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, người đã từng có thời gian làm việc với ông tại Trung tâm Ngôn ngữ và văn hóa Đông Tây.
1. Buổi sáng hôm kia bàng hoàng nghe tin ông mất. Đến trưa nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên gọi điện cho tôi: “Cháu hãy viết một bài về chú Đoàn Tử Huyến đi. Bây giờ nếu chú hay cháu mà không viết thì còn ai viết nữa”. Sao thế được, bạn bè của ông nhiều thế cơ mà, tôi có tư cách gì đâu. Nhưng rồi lại nghĩ, bạn bè có thể nhiều nhưng gặp nhau ở từng công việc, từng sự kiện riêng lẻ, trong khi tôi là người liên tục ở gần ông trong suốt 2 năm. Chỉ tiếc là khi ấy tôi còn khá trẻ, tôi chưa biết cách hoặc chưa có ý thức quan sát một con người.
Khi nhớ về quán cà phê Đông Tây, tôi thường nhớ đến những cuộc tọa đàm hay ra mắt sách vào buổi chiều tối. Phía ngoài hè thường lác đác mấy khách văn đến sớm ngồi tán chuyện dưới tán cây trứng cá lá thấp rung rung trong gió, phía bên trong là những bàn ghế giản dị giữa không gian thanh đạm, không hẳn đẹp nhưng dễ chịu. Thể nào cũng có đôi ba khách xách đến vài chai rượu để mở ra khi tọa đàm kết thúc. Và trong buổi đó, luôn có một người đàn ông cao vọt, râu tóc muối tiêu lùm xùm, khi không cười trông khá sợ mà khi cười thì rất tươi, thong thả đi qua đi lại với chiếc máy ảnh trên tay… Đấy là dịch giả Đoàn Tử Huyến, linh hồn của không gian văn chương này.
Tôi cũng nhớ những hình ảnh rất quen thuộc khác của ông, khi ông ngồi ở một chiếc bàn cà phê làm việc với máy tính xách tay, chỉ dùng được 2 ngón trỏ gõ pạch pạch rất mạnh lên bàn phím; khi ông ngồi bên chiếc bàn cờ gỗ to, thường là với ông Văn Như Cương hoặc ông Trần Ngọc Vương, vừa đánh cờ tướng vừa nhâm nhi ly rượu…
Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây nằm ở tầng một của một chung cư cũ, là tổ hợp gồm thư viện, cà phê và một phòng biên tập nho nhỏ. Hoạt động của Trung tâm bao gồm xuất bản sách, cho mượn sách, kinh doanh cà phê và tổ chức các sự kiện văn chương.
Với tham vọng tập hợp các nhà văn, các nhà nghiên cứu để phát triển đời sống văn hóa, kết nối Đông - Tây, rất nhiều cuốn sách lớn và khó đã được in ra. Và trong khoảng 15 năm từ năm 1999 đến 2014, nó đóng vai trò như một salon văn chương quan trọng và sang trọng không ai không biết đến. Ở không gian cà phê giản dị đó nhiều buổi ra mắt sách, tọa đàm về văn chương, dịch thuật, các buổi giao lưu với các nhà văn trong và ngoài nước, các cuộc trưng bày… đã được tổ chức. Trước Đông Tây chưa từng có một mô hình như vậy, và sau Đông Tây cũng không thấy có ai. Nó gây dấu ấn đến mức ngay cả khi đã qua thời sôi nổi, một nhà văn rất trẻ bạn tôi là Huỳnh Trọng Khang từ Sài Gòn ra Hà Nội cũng phải chạy đến đó ngồi một lúc, xem có gặp tao nhân mặc khách nào hay không.
Tôi ngồi lục lại kho ảnh khổng lồ trong khoảng hơn 2 năm tôi làm việc ở đó, thấy ngậm ngùi cảm động, đồng thời lại ngạc nhiên, không ngờ chú Đoàn Tử Huyến và tôi đã làm nhiều thứ đến vậy, hàng chục cuộc tọa đàm; các dự án sách công phu như Trương Tửu, Nguyễn Công Trứ, Phạm Quỳnh… các dự án sách với Nga, Ba Lan, Italy, Hungary, Thụy Điển, Mỹ… Nên chỉ có 2 năm mà tôi tưởng như là lâu lắm.
Trung tâm Đông Tây có tham vọng rất lớn và nhiều điều không thực hiện được. Nhưng thực sự nó đã là một thành công, một dấu ấn, một tên tuổi. Tiếc rằng nó không thể duy trì bởi bài toán kinh tế nan giải, khi Đoàn Tử Huyến cũng dần trở nên mệt mỏi mà không tìm được ai đủ năng lực và đủ đam mê để tiếp bước.
2. Chú Đoàn Tử Huyến với tôi giống như một người thầy. Nhận ra sự đa năng của tôi, ông cho tôi thử làm mọi việc, dẫn dắt tôi tới rất nhiều công việc mà tôi đang làm ngày hôm nay: thúc giục tôi viết báo, biên tập bài cho tôi và kết nối tôi với các tờ báo; cho tôi cơ hội làm người tổ chức các sự kiện văn hóa, các dự án văn học; đẩy tôi lên sân khấu làm điều phối viên các cuộc hội thảo, tọa đàm; cho tôi dịch bài, biên tập và biên soạn sách...
Thái độ tôn trọng và cởi mở đó đã giúp tôi có quãng thời gian cực kỳ sôi nổi ở Đông Tây, đến mức nhà sử học Chương Thâu, vốn coi chốn văn này như nhà mình, đã rất yêu mến gọi tôi là “kỳ nữ của Đông Tây”.
Tôi thích sự kiệm lời trong công việc của Đoàn Tử Huyến. Ông chủ trương là cứ lặng lẽ mà làm. Ông hiếm khi “chém gió” trên báo chí về các vấn đề xã hội nổi cộm, trong các kỳ cuộc chẳng mấy lúc chịu ra lời. Chỉ khi được phỏng vấn về sách vở, văn chương, các dự án liên quan đến Trung tâm Đông Tây thì ông mới sẵn sàng nói.
May thay, với tôi thì ông rất không kiệm lời, dường như tìm thấy ở tôi một sự phù hợp nào đó nên ông nói tràng giang đủ thứ chuyện. Ông và tôi đến rất nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo, các bữa tiệc lẫn bữa nhậu, các cuộc gặp xã giao, trong những dịp đó ông kể về các bạn văn, điểm mạnh điểm yếu của họ, tài năng và sự ngây thơ hoặc lọc lõi của người này, sự hạn chế nhưng hoang tưởng, cơ hội của người kia, nhiệt tình ngây thơ của người nọ.
Ông chia sẻ những quan điểm về công việc, cuộc sống, tình yêu. Nụ cười tươi rói sau râu tóc, đôi mắt sắc chứa cái nhìn thâm thúy giỏi nhận chân sự việc. Đôi khi thấy tôi hào hứng cổ vũ một hiện tượng văn chương mới, ông rất hay dội cho tôi gáo nước lạnh, rằng cái đó ý tưởng thì tử tế, nhưng sẽ không đi tới đâu. Sau này ngẫm lại nhiều chuyện, tôi càng nhận ra sự thông thái tuyệt vời ở ông.
Tôi thích sự tha thiết với sách và văn chương của ông. Dường như ở vị trí nào, ông cũng là người tâm huyết, nổi bật, luôn khởi xướng những vấn đề lớn. Chẳng hạn, ông mở các nhà sách Đông Tây trên phố Nguyễn Chí Thanh và Bà Triệu, trở thành điểm đến quen thuộc của những người yêu sách. Sau này là mở Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, nơi lui tới quen thân của nhiều văn nghệ sĩ. Những buổi rảnh rang, ông thường bàn với tôi việc lưu trữ tư liệu, sách vở, thủ bút… để sau này có thể khai thác, việc in những cuốn sách nặng trịch mà tôi thấy ít hấp dẫn vì hầu hết khó bán, kén người đọc, ông chia sẻ những dự án sách muốn làm mà chưa thể, hay tham vọng hiện đại hóa Trung tâm Đông Tây. Ông cũng bàn việc biên soạn những cuốn sách có tính thị trường hơn - mà nhiều ý tưởng tôi thấy đã bị cũ, nhưng tôi luôn ngạc nhiên về sự tha thiết và kiên trì đó.
Điều tôi vừa thích, vừa ghét ở ông, ấy là sự ung dung, thong dong, như thể mọi sự đời chẳng bận gì đến ông, cứ việc mình mình làm. Hiếm khi thấy ông vội vàng. Trong khi tôi cứ cuống lên về chuyện nọ chuyện kia, nghe ông diễn giải một lúc thì thấy cũng không có gì ghê gớm cả, kiểu gì cũng có cách giải quyết. Tôi thèm có được sự điềm nhiên tự tại đó, nhưng biết rằng phải đủ sắc sảo và trải nghiệm.
Tuy vậy, vì quá ung dung nên ông không bận tâm lắm đến giờ giấc các cuộc hẹn, nên tôi rất hay phải nhắc nếu cùng ông đi đâu đó. Có lần hẹn với các bạn nhà văn Thụy Điển, tôi chờ ông ở quán cà phê để cùng đi, mà mãi ông mới tà tà tới, lên taxi thì đường lại tắc, thành ra trễ hẹn với họ mất 1 tiếng. Đến nơi thấy đoàn kia méo hết cả mặt, thái độ nặng nề, mà ông cứ coi như không, chẳng thấy tỏ ra “hối hận” gì hết.
3. Sau 2 năm, Đông Tây trở nên chật chội với tôi. Tạm biệt ông nhưng tôi luôn biết rằng Đông Tây và ông đóng vai trò rất lớn trong cuộc đời tôi.
Sau khi rời đi được dăm năm, ông có lần mời tôi quay trở lại, ông muốn giao cho tôi làm thư viện, hoàn thiện tiếp những dự án “khó nhằn” còn dang dở của Đông Tây… Có lẽ ông hy vọng tôi sẽ là người kế cận chăng? Tiếc thay lưu trữ hoặc những dự án sách cũ kỹ khô khan không hấp dẫn tôi, tôi thích không khí tươi mới phập phồng của những cuốn sách mới chào đời và hồi hộp dõi theo đời sống của nó. Chưa kể tôi không biết phải làm gì cho ra tiền để sống từ những thứ đó. Nhưng sự trân trọng dành cho ông trong lòng tôi không bao giờ mất đi.
Các đây mấy năm, ông bị tai biến. Tôi mất một thời gian mới dám qua thăm ông, nghèn nghẹn thấy trí tuệ sắc sảo ngày nào giờ như con trẻ. Một lần tôi chạy xe trên đường đi làm về thì bắt gặp ông đang sang đường, ông mặc quần âu màu đen, sơ vin gọn gàng với chiếc áo đỏ thẫm quen thuộc, vẫn dáng cao vọt, bước chầm chậm giữa làn xe máy, gương mặt vô định, tôi thấy lòng nhoi nhói.
Và giờ đây thì ông mất thật rồi. Vĩnh biệt ông Đoàn Tử Huyến, dịch giả tiếng Nga xuất sắc của Nghệ nhân và Margarita, Trái tim chó, Đêm trắng, Giọt rừng… biên tập viên Nhà xuất bản Lao động, Phó tổng biên tập tạp chí Văn học nước ngoài, ông chủ của nhà sách Đông Tây, và linh hồn của Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây - một không gian văn chương vô tiền khoáng hậu.
Một con người sống mấy chục năm cuộc đời, làm được như vậy chẳng đã nhiều lắm sao? Với tôi và hẳn với nhiều người, ông luôn là một nhân vật văn chương quan trọng có đóng góp lớn cho đời sống văn hóa, văn chương đương đại.
"Làm nhanh, kẻo họ chết mất" Tôi nhớ ông vẫn khuyên tôi, làm sách vở hay viết lách phải gom góp từng chút, và nghĩ đến việc đặt nó vào hệ thống để sau này tập hợp lại thành cái gì đấy lớn. Tiếc là tôi cũng chẳng thực hiện được nhiều, hồi đó ông giục tôi làm phỏng vấn các nhà văn, nhà thơ quan trọng - "Làm nhanh, kẻo họ chết mất", tôi mới chỉ phỏng vấn được Trịnh Thanh Sơn, Lê Đạt, rồi thôi. Ông giục tôi ghi chép chuyện về các nhân vật văn chương đương thời mà ông tạo điều kiện để tôi gặp gỡ, vì rằng tôi có thể nhờ nó thành danh sau này. Dường như ông khá băn khoăn về hướng đi tiếp theo trong cuộc đời tôi. |
Nguyễn Hoàng Diệu Thủy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất