Đinh Quân - Bỏ đằng sau bóng tối để tìm về ánh sáng

30/05/2023 18:00 GMT+7 | Văn hoá

Nếu tính từ triển lãm cá nhân đầu tiên Hiện thực và ảo tưởng (gallery Tràng An, Hà Nội, 1997) đến nay, Thiên khải là cột mốc sâu sắc và kỳ công bậc nhất của Đinh Quân (1964, Hải Phòng). Triển lãm đang diễn ra tại An Gallery (159 Đồng Khởi, Q.1, TP.HCM), bày hơn 40 tranh sơn mài trừu tượng, trong đó có nhiều bức khổ lớn.

Nhà phê bình và giám tuyển David Willis đến từ thành phố New York, chuyên gia về nghệ thuật đương đại Đông Nam Á, có bài về triển lãm này. Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) xin trích giới thiệu, với tựa và các tít phụ do chúng tôi đặt.

Các thiên thể trôi nổi trong không gian

Là một nhân vật tiêu biểu trong nền nghệ thuật đương đại Việt Nam, Đinh Quân đã gây dựng danh tiếng của mình trong những thập niên 1990 - 2000, với phương thức tiếp cận dòng tranh sơn mài mang đầy tính tự do và biểu đạt, phá vỡ những lối mòn truyền thống. Sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam, ông đã sáng tạo cho mình một thứ ngôn ngữ riêng để truyền tải cái đẹp - dòng tranh sơn mài bán trừu tượng.

Đinh Quân - Bỏ đằng sau bóng tối để tìm về ánh sáng - Ảnh 1.

Họa sĩ Đinh Quân

Ngắm nghía tranh những người phụ nữ vô định hình của ông, đặc biệt với những đường nét tròn trịa mang đầy tính biểu hiện, ắt hẳn chúng đã có một tác động sâu sắc đến nền nghệ thuật Việt Nam. Tựa như những cô nàng của Willem de Kooning ngày đó, đã thách thức những quan điểm cố hữu về thẩm mỹ và những giáo điều của thời đại.

Một chặng đường dài của Đinh Quân bắt đầu từ đó. Phong cách của ông đã trưởng thành qua năm tháng, giữa cái cụ thể của đường nét và cái tối giản của hình tượng, giống như là cuộc chiến giữa cái tôi cá nhân và cái tôi xã hội - thị hiếu của cộng đồng.

Giờ đây, với cuộc triển lãm cá nhân sau hơn 1 thập niên, Đinh Quân đã giới thiệu một bộ sưu tập các tác phẩm hội họa theo phong cách trừu tượng tối giản được định danh dưới cái tên Thiên khải, đánh dấu điểm kết thúc của một vòng vận hành và bắt đầu chu kỳ mới.

Đinh Quân - Bỏ đằng sau bóng tối để tìm về ánh sáng - Ảnh 2.

Tác phẩm “Thiên khải” (sơn mài, 240 x 480cm, 2023)

Trong kinh Cựu ước, sách Genesis, còn được biết dưới tên gọi Sáng thế ký, thuật lại sự khởi nguyên khi đấng sáng tạo thốt lên rằng "phải có sự sáng" (Sáng thế ký, 1:3) và rồi, vận theo nguyên tắc của thuyết nhị nguyên, của tính chính mệnh - muôn vật bắt đầu dạng thức sống. Cũng vậy, người họa sĩ sáng tạo nghệ thuật, ở đây, quay trở lại với những yếu tố căn bản là ánh sáng và bóng tối, rồi thăng hoa cùng với các dạng thức hỗn nguyên vào thủa hồng hoang của tạo hóa.

Thoạt nhìn, những tác phẩm này gợi lên các thiên thể trôi nổi trong không gian bao la của vũ trụ, hoặc sự vận động của các nơ-ron thần kinh trong não bộ. Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần đánh giá các tác phẩm này dưới góc độ hiện tượng vật lý thì chúng ta đã bỏ lỡ những hàm nghĩa uyên vi đằng sau những hình tượng đó, nơi mà trong đó tác giả đã khắc họa nên những mối quan hệ giữa con người và thế giới khách quan.

Muốn hiểu các tác phẩm trong Thiên khải, chúng ta cần điểm qua hành trình sáng tạo của Đinh Quân từ những bước sơ khởi, qua vài lời tự thuật của chính ông. "Tôi quan tâm đến tạo hình và suy nghĩ nhiều đến thân phận đời người. Khi còn ấu thơ, chúng ta tự do như những cánh diều. Lúc đó, ta có thể làm bất cứ điều gì ta muốn. Khi trưởng thành, ta sẽ bị giới hạn bởi những nghĩa vụ và trách nhiệm cuộc đời. Vẽ tranh cũng giống như viết nhật ký đời mình, tôi quan tâm đến vấn đề của nhân sinh, của tình yêu lứa đôi, của hạnh phúc gia đình, của ước mơ, của khát vọng đời người... và đặc biệt khát vọng tự do cho người phụ nữ".

Đinh Quân nói thêm: "Từ năm 2017 đến nay, các sáng tác ngày càng gần gũi hơn, tiêu dao hơn, phiêu du trong những miền vô định, chắt lọc tinh giản và cũng muốn tha thứ cho cái ta. Giai đoạn này, thẳm sâu trong tâm trí, tôi tự cho mình nhàn, đường nét trở nên bình lặng, câm mờ và tự cho mình cái hy vọng từ phía sau của bóng tối".

Đinh Quân - Bỏ đằng sau bóng tối để tìm về ánh sáng - Ảnh 3.

Tác phẩm “Thiên lý” (sơn mài, 200 x 600cm, 2022)

Bỏ lại phía sau hình tượng phụ nữ

Dõi theo từng bước chân trên hành trình của Đinh Quân từ sơ khởi cho tới ngày hôm nay, một chuyển biến đã thấy rõ trong tâm hồn của tác giả, từ tâm thế của người miệt mài đi tranh đấu vì những điều được cho là chuẩn mực xã hội, tranh đấu với những định kiến giới, tranh đấu với những giáo điều bảo thủ, cho tới một tấm lòng vắng lặng đến tĩnh tại để dung chứa tất cả. Nó dường như có vài nét tương đồng với hành trình cầu đạo của thái tử Tất-đạt-đa ngày đó, trôi lặn chìm nổi, cho tới ngày tìm được sự trạm nhiên trong tâm thức.

Cảm giác vắng lặng thực sự xuất hiện trong khoảng những năm 2013, khi dáng vẻ những người phụ nữ xuất hiện trong những tác phẩm của ông bằng những nét tối giản, phảng phất qua lại nơi biên tế của hình tượng. Hầu hết những người phụ nữ xuất hiện với gam màu sáng, thoáng đãng và bay bổng, ở đâu đó nổi bật lên một bức tranh màu đen chủ đạo của Khoảnh khắc trong đêm (2013) như một lời tiên đoán về những gì mới đang hiện hữu ngay trước mắt chúng ta ngày hôm nay.

Triển lãm Thiên khải gợi về thuở hỗn nguyên của vũ trụ từ trong vụ nổ Big Bang, khi tất cả năng lượng bùng ra từ một điểm duy nhất trong không gian và thời gian. Thế rồi bỏ lại sau hình tượng người phụ nữ, Đinh Quân đem tâm trí của mình gửi vào thế giới vi diệu đằng sau cánh cửa huyền tẫn - đạo - thứ không thể dùng danh từ để gọi tên ra được: Cốc thần bất tử, hoặc nơi cội nguồn uyên nguyên của tạo hóa.

Đinh Quân - Bỏ đằng sau bóng tối để tìm về ánh sáng - Ảnh 4.

Tác phẩm “Thiều quang” (sơn mài, 120 x 240cm, 2021)

Nếu đem so sánh với những bức thangka của các đạo sư Tây Tạng dùng làm phương tiện trợ giúp cho thiền quán, thì ở đâu đó sự viên mãn tròn đầy của vũ trụ toát ra trong từng hình khối. Hơn nữa, lấy cảm hứng từ những triết lý phương Tây, những ánh vàng và bạc len lói dưới lớp then đen gợi ra câu chuyện về hang động của Plato, nơi tất cả chỉ là ảnh chiếu của thực tại.

Trên nền màu xám tro của những bức tường và ánh huyền nhuộm trên những khung kính, họa phẩm khơi gợi lên dải ngân hà treo lơ lửng những vì tinh tú giữa vũ trụ bao la. Các bức Nguyệt thựcTinh cầu thể hiện rõ chủ đề này với các quả cầu đen đang dao động trong không gian. Chân dung quá khứ hoặc Chân dung vô cực in dấu âm hưởng của sự huyền bí với các hình khối thuôn dài khó diễn tả nhưng vẫn khơi gợi hình tượng quả trứng vũ trụ (cosmic egg).

Những vết rạch dọc trên các bức Khởi nguyênVết cắt tạo ra sự khác biệt

tựa như những vệt rách trên mặt cắt không - thời gian. Tập hợp những đặc điểm ấy, Dấu tích quá khứ bao hàm cả những đường thẳng đứng và hình bầu dục trong cùng một tác phẩm. Lặp đi, lặp lại không gian u huyền đó chợt xuất hiện những nét cong, đường chữ chi, những tia sáng vụt ngang.

Bước vào gian phòng trưng bày, ta sẽ được bao quanh bởi bộ đôi bức tranh tứ bình chiếm trọn cả không gian với Thiên khải ở bên trái và Thiên không ở bên phải. Tuy đều xuất hiện dải sáng chạy ngang phần phía dưới của mỗi bức, trong khi Thiên khải bật lên tựa hồ các vệt đen đang bốc cháy rừng rực giữa vầng thái dương thì Thiên không lại leo lét như ánh dương của buổi hoàng hôn đang vụt tắt nơi cuối chân trời. Chúng ta có thể thấy xu hướng đối trọng được thể hiện xuyên suốt trong không gian triển lãm như những dải màu cam và màu vàng đang rực cháy ở Gương chiều tương phản với sắc đen câm mờ ở Sông lạnh.

Màu xanh lam cũng là một điểm đáng chú ý. Như ánh châu quang trải dài suốt 2 góc của bức Bay, hoặc đám mây xanh hình nấm gợi nên vụ nổ hạt nhân trong bức Cây. Màu sắc lại được vận dụng một cách khéo léo trong bức Dâng hiến, với khối hình nấm đỏ mọng bung ra tựa hồ những đóa hoa mà nhân thiên dâng hiến đức Thế tôn ngày đó.

Tất cả như phụ dực (hỗ trợ) tô vẽ con đường dẫn đến bộ ngũ bình trường họa Thiên lý được tôn trí trong gian chính tầng thượng. Có thể nói đây là tác phẩm sơn mài lớn nhất của Đinh Quân tính đến nay. Một dải sáng xuyên suốt xẻ đôi bức tranh, như một sợi tơ, bao quanh bởi một vầng quang mờ long lanh mà huyền ảo.

Bức họa này dường như hàm chứa ý tưởng trong bài Khải hoàn ca của Friedrich Schiller - nhà thơ, nhà triết học người Đức. Được viết vào năm 1785 và sau này một phần của nó đã được Beethoven sử dụng trong Bản giao hưởng thứ 9, bài thơ là lời ca ngợi tán thán vẻ đẹp của tình thương và tình người, với câu nói đã trở thành bất hủ "những kẻ ăn mày kia cũng là anh em của những ông hoàng".

Nhìn tổng thể bộ sưu tập, không chỉ là một ngôi đền phụng thờ với linh hồn cá nhân (tiểu ngã), mà còn với linh hồn vũ trụ (đại ngã), cả hai thứ thống nhất trong tâm thức của mỗi con người. Điều này được minh chứng rõ qua sự sản sinh của một con người mới, sự cách tân của chính bản thân người họa sĩ.

Vậy thì đến đây ta có thể hiểu rằng, hành trình của người nghệ sĩ cũng là hình ảnh phản chiếu hành trình của mỗi người trong chúng ta. Hành trình mà ai ai rồi cũng phải bước đi. Hành trình tuy khác nhau ở mỗi bước đi, nhưng cùng chung một đặc điểm: phải bỏ đằng sau bóng tối để tìm về ánh sáng.

"Ẩn chứa sau mỗi lớp sơn mài là những mảnh tâm hồn của Đinh Quân - có lúc mong manh và nhẫn nại, lại có lúc kiên cường và mạnh mẽ như hình dáng những người phụ nữ đã ảnh hưởng nơi tâm thức lúc ban đầu trên con đường nghệ thuật của ông" - giám tuyển Shireen Nazireen.

David Willis

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm