Định mệnh: Khuôn mặt khác lạ của chiến tranh

26/05/2010 07:03 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Trung tuần tháng 11/2009, lần đầu tiên trong khoảng 10 năm kể từ khi Việt Nam được phép nhập chính thức những bộ phim hay của Hollywood – mới có một bộ phim về đề tài Thế chiến thứ hai đến Việt Nam. Nhưng rất tiếc Inglourious Basterds (tựa Việt là Định mệnh) đã phải… dẹp sớm bởi quá ít người xem! Công ty nhập phim Megastar đã rất nỗ lực và kiên trì (bị kiểm duyệt gắt gao, bị cắt bỏ một số đoạn, thậm chí suýt bị cấm chiếu) với mong muốn giới thiệu tới khán giả Việt Nam một bộ phim thú vị, nhưng thật đáng tiếc…

Chống phát xít mang “nhãn hiệu” Quentin Tarantino

Trong lịch sử điện ảnh, chỉ có 3 phim về Thế chiến thứ hai được kể theo ngôn ngữ hài hước: The Great Dictator (Tên độc tài của Charles Chaplin năm 1940), Life is Beautiful (Cuộc sống tươi đẹp của Roberto Benigni năm 1997) và bây giờ là Inglourious Basterds (Định mệnh của Quentin Tarantino năm 2009).

Inglourious Basterds kể câu chuyện về hai âm mưu ám sát các thủ lĩnh phát xít Đức. Một được lên kế hoạch bởi Shosanna Dreyfus – cô chủ rạp chiếu phim trẻ tuổi xinh đẹp người Pháp gốc Do Thái. Âm mưu còn lại được lên kế hoạch bởi một đội sát thủ đồng minh gốc Do Thái do trung úy Aldo Raine cầm đầu. Đội sát thủ này được lệnh phải xuống tay cực kỳ tàn bạo với bất cứ tên phát xít Đức nào vô phúc lọt vào tay họ, trong đó rùng rợn nhất là màn lột da đầu sống! Quá kinh hoàng, quân Đức đã gọi đội sát thủ này là Inglourious Basterds (Bọn súc sinh mạt hạng). Trong lịch sử, chỉ có chuyện phát xít tàn sát dã man người Do Thái, chứ chưa hề ghi nhận một người Do Thái nào ra tay tàn ác ngược lại với lính Đức. Đây chỉ là một sự hư cấu độc đáo theo đúng phong cách “đẫm máu” của Tarantino: Lấy bạo lực để trị bạo lực!

Cũng chỉ có sự khôi hài vượt bậc của Tarantino mới hư cấu ra chuyện trùm phát xít Hitler cùng toàn thể bộ tham mưu cao cấp của mình, âm thầm sang Paris để xem một bộ phim tuyên truyền chủ nghĩa anh hùng của quân phát xít! Để rồi sau đó cả Hitler lẫn bộ sậu Phát xít phải đền tội dưới tay đội sát thủ Do Thái. Chỉ có Tarantino mới nghĩ ra chi tiết, đang ngồi xem phim trong rạp bỗng Hitler thèm thuốc lá và đi ra ngoài cửa rạp xin thuốc lá tên lính gác! Chỉ có Tarantino mới nghĩ ra tính cách ngộ nghĩnh của tay đại tá phát xít Hans Landa: nham hiểm và tàn ác như quỷ sứ, nhưng lại… thích ăn bánh ngọt và uống sữa!

Ý tưởng kịch bản Inglourious Basterds đã được Tarantino bắt đầu từ năm 1998. Tiền đề ban đầu của bộ phim - Một nhóm người được cử thực hiện một sứ mạng nào đó theo kiểu những bộ phim nghẹt thở về Thế chiến thứ hai khác như: Dirty Dozen, Where Eagles Dare hay The Guns of Navarone. Nhưng cuối cùng, Tarantino lại muốn tiền đề của kịch bản giống như bộ phim cao bồi kinh điển The Good, the Bad and the Ugly, với bối cảnh là nước Pháp đang bị Đức chiếm đóng trong Thế chiến. Nhưng dù tiền đề có thế nào đi nữa thì Inglourious Basterds phải có chất hóm hỉnh không đụng hàng “kiểu Tarantino”, giống như trong tất cả các bộ phim trước đây của ông. Nó khiến khán giả phải bật cười trước những điều vốn không có gì là buồn cười.

Tarantino đã viết đi viết lại kịch bản này suốt 10 năm. Sở dĩ phải cầu kỳ như thế vì ông mong muốn như đây sẽ là kiệt tác cuối cùng của mình, Inglourious Basterds phải trở thành kịch bản hay nhất mà ông từng viết. Sau không biết bao nhiêu lần chỉnh sửa, Tarantino lại gặp khó khăn cuối cùng khi viết đoạn kết, và ông quyết định gác lại kịch bản này để chuyển sang đạo diễn hai phần của bộ phim Kill Bill và tham gia vào một vài dự án nhỏ khác, trước khi trở lại với dự án Inglourious Basterds năm 2007.

Ngay cả tựa phim cũng không giống ai. Nó được lấy cảm hứng bởi tựa tiếng Anh của bộ phim chiến tranh sản xuất năm 1978 của đạo diễn Enzo G. Castellari, The Inglorious Bastards (Bọn súc sinh mạt hạng). Nhưng Tarantino lại tiếp tục “khác người” khi thêm chữ U vào Inglorious thành IngloUrious, và đổi chữ A trong Bastards thành E (BastErds). Khi được yêu cầu giải thích về lỗi chính tả của tựa phim. Tarantino hóm hỉnh: “Đó là một nét giống họa sĩ đường phố của Mỹ, Jean-Michel Basquiat. Nó phát âm sao thì tôi viết vậy thôi mà!” Đơn giản, từ Inglorious Bastards biến thành Inglourious Basterds, đó là “cách viết của Tarantino!”

Christoph Waltz - người làm lu mờ cả Brad Pitt Pitt

Quentin Tarantino là một trong số những đạo diễn hiếm hoi trên thế giới mà các diễn viên cảm thấy rất vinh dự khi được ông mời cộng tác, và Brad Pitt cũng không phải ngoại lệ. Pitt và Tarantino đã muốn hợp tác với nhau từ lâu, và Inglourious Basterds chính là bộ phim thích hợp nhất. Khi Tarantino viết được một nửa kịch bản, ông cảm thấy chỉ có Pitt là phù hợp nhất với vai trung úy Aldo Raine – tay cầm đầu nhóm sát thủ Do Thái.

Rất nhiều các ngôi sao như Adam Sandler, Mike Myers, Nastassja Kinski… đều cảm thấy thất vọng khi không tham gia được phim này. Samuel L. Jackson và Harvey Keitel, hai nam diễn viên trước đó đều đóng vai chính trong các phim của Tarantino, đều vui vẻ đóng góp phần nhỏ vào bộ phim: Jackson thì góp giọng ngắn ngủi trong vai trò người kể chuyện, còn Keitel thì thủ một vai nhỏ – viên chỉ huy tình báo OSS (Mỹ).

Ngôi sao nữ (gốc Đức) Diane Kruger thủ vai nữ gián điệp Britget Von Hammersmark, Eli Roth thủ vai Donny Donowitz (thay Adam Sandler). Người đẹp Pháp Mélanie Laurent đóng vai cô chủ rạp chiếu phim gốc Do Thái Shosanna Dreyfus. Đạo diễn Enzo G. Castellari cũng xuất hiện một vai phụ trong phim. Ông trước đó từng đóng vai phụ một người Đức trong bộ phim do chính ông đạo diễn năm 1978, The Inglorious Bastards, và giờ cũng diễn lại vai một sĩ quan Đức SS. Diễn viên Đan Mạch lão làng Bo Svenson, người từng đóng vai chính trong The Inglorious Bastards của Castellari, cũng có một vai nhỏ trong phim này. Ngôi sao châu Á Trương Mạn Ngọc cũng đóng một vai, nhưng sau này bị cắt vì thời lượng phim quá dài.

Vai nào trong phim cũng thú vị, nhưng trên tất cả là vai tên đại tá phát xít nhẫn tâm Hans Landa. Đây chỉ là vai phụ, nhưng rất khó và đòi hỏi người đóng phải biến hóa khôn lường. Vai diễn cực kỳ độc đáo này ban đầu Tarantino tính dành cho Leonardo DiCaprio, trước khi quyết định để một diễn viên Đức lớn tuổi hơn đóng. Cuối cùng người được chọn giao vai Hans Landa là diễn viên sân khấu nổi tiếng của Áo – nhưng hầu như vô danh với quốc tế – Christoph Waltz, người mà theo Quentin Tarantino: “Chính anh ta đã trả lại cho tôi bộ phim của tôi”.

Có thể nói chưa bao giờ có vai diễn một tên phát xít nham hiểm khát máu nào mà lại đem đến sự thích thú cho khán giả đến như vậy. Mỗi lần Hans Landa xuất hiện là ta lại hồi hộp, không biết tên này lại sắp sửa bày ra trò quái quỷ nào nữa! Diễn xuất tuyệt vời của Christoph Waltz khiến đôi lúc ta phải tự hỏi: Thế các vai kia biến đâu hết cả rồi? Brad Pitt đâu? Diane Kruger đâu?...

Thế là chỉ với vai diễn Hans Landa, cả thế giới đã biết đến tên tuổi của Christoph Waltz. Inglourious Basterds xuất hiện ở bất cứ LHP nào, hay bất cứ Hiệp hội, giải thưởng gì có liên quan đến phim ảnh, Christoph Waltz đều lấy hết các giải cá nhân. Tổng cộng trong năm 2009, anh đã 27 lần lên sân khấu để nhận giải thưởng cho vai Hans Landa, trong đó có giải Nam diễn viên xuất sắc ở Cannes, và Oscar diễn viên phụ xuất sắc nhất.

Ăn khách toàn cầu, trừ…Việt Nam!

Tháng 07/2008, Tarantino và hai anh em nhà sản xuất Harvey và Bob Weinstein thiết lập một lịch trình sản xuất gấp rút để bộ phim ra mắt kịp tranh giải tại LHP Cannes 2009. Hãng Weinstein đồng sản xuất bộ phim và chịu trách nhiệm phát hành tại Mỹ. Hãng Universal Pictures cấp vốn cho phần còn lại đảm trách việc phát hành thị trường quốc tế.

Đức và Pháp đều được chọn làm điểm quay phim và bộ phim được khởi quay vào tháng 10/2008 tại Đức. Theo lịch trình, bộ phim bắt đầu được bấm máy vào ngày 13/10/2008. Hiệu ứng đặc biệt do hãng K.N.B.EFX thực hiện với sự điều phối của chuyên gia Greg Nicotero. Phần lớn bộ phim được quay và dựng chủ yếu tại phim trường Babelsberg Studios nổi tiếng ở Potsdam, Đức và tại Bad Schandau, một thị trấn nhỏ có suối nước khoáng gần biên giới giữa Đức và Cộng hòa Séc.

Inglourious Basterds đến Cannes khi chưa kịp hoàn chỉnh, do đó Tarantino tuyên bố sau Cannes, ông còn đủ thời gian để hoàn thành việc biên tập và ráp thêm một vài cảnh chưa được hoàn tất đúng thời hạn – do ra mắt quá vội vã tại Cannes – trước khi phát hành ra rạp.

Inglourious Basterds khởi chiếu tại 3.165 rạp tại Bắc Mỹ. Bộ phim ra mắt khán giả quốc tế ở vị trí số một tại 22 thị trường trong 2.650 rạp tại Anh, Pháp, Đức, Úc… Bộ phim đạt tổng doanh thu 120,8 triệu USD ở Mỹ và Canada và 199,5 triệu USD tại các lãnh thổ khác, nâng tổng doanh thu khắp thế giới của bộ phim lên 320,3 triệu USD.

Chỉ tiếc một điều, khán giả Việt Nam đã quá thờ ơ với bộ phim cực kỳ thú vị này. Mặc dù có ngôi sao Brad Pitt, nhưng nhìn thấy cái poster có không khí chiến tranh là khán giả đã không muốn mua vé vào xem! Inglourious Basterds là bộ phim chiến tranh đầu tiên và có lẽ cũng là cuối cùng được các nhà nhập khẩu mang về Việt Nam, bởi đâu có ai dám bán sản phẩm mà không có người mua. Đó là một điều đáng buồn, bởi phim chiến tranh dù ở bất cứ thời đại nào cũng luôn nóng hổi tính thời sự, và là thể loại phim không bao giờ lạc hậu với thời gian.

Bá Vũ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm