01/02/2024 06:37 GMT+7 | Văn hoá
Ứng dụng công nghệ số là một trong những giải pháp quan trọng để bảo tồn cũng như góp phần nâng tầm di sản văn hóa Việt Nam. Và trường hợp định danh cho hình tượng con nghê ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám là ví dụ điển hình.
Thông tin từ Trung tâm Thông tin UNESCO (UNET - thuộc Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam) cho biết: Đơn vị này vừa cùng các chuyên gia của công ty Phygital Labs Việt Nam hợp tác xây dựng một dự án ứng dụng công nghệ định danh số để bảo tồn và huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam.
Tạo danh tính số duy nhất cho di sản
Theo đó, UNET sẽ có nhiệm vụ tìm kiếm, đề xuất các giá trị văn hóa truyền thống phù hợp, xây dựng đội ngũ chuyên gia văn hóa thực hiện các nghiên cứu về những giá trị, hiện vật được chọn; từ đó cùng Phygital Labs thiết kế giải pháp ứng dụng công nghệ vào các sản phẩm văn hóa cụ thể.
Cụ thể, Phygital Labs đưa ra giải pháp Nomion - định danh số vạn vật nhằm tạo ra một danh tính số duy nhất cho mỗi sản phẩm vật lý bằng công nghệ RFID (radio frequency identification - nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến) và blockchain (công nghệ chuỗi khối), từ đó đảm bảo tính minh bạch, độc bản của sản phẩm trên cả không gian thực và số.
Trước đó, Nomion của Phygital Labs đã được tích hợp vào các sản phẩm độc đáo của thương hiệu thời trang số Ortho Starlight chỉ bằng một con chip nhỏ. Không chỉ mã hóa thông tin sản phẩm, công nghệ mới từ Nomion còn cung cấp được nhiều nội dung người mua quan tâm dựa trên nhiều khảo sát thực tế. Những thông tin này giúp người sở hữu an tâm về nguồn gốc, thành phần của sản phẩm cũng như giúp nâng cao giá trị cho các mặt hàng được sản xuất theo hình thức giới hạn, độc bản.
Không chỉ định danh số các sản phẩm vật lý, Phygital Labs còn xây dựng nền tảng số để lan tỏa, truyền bá các giá trị văn hóa cho UNET. Hai bên cùng phối hợp truyền thông, tổ chức sự kiện và quảng bá các hoạt động, kết quả nằm trong khuôn khổ hợp tác.
Ông Nguyễn Hùng Sơn - Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam (đơn vị chủ quản của UNET) tỏ ra đặc biệt kỳ vọng ở dự án hợp tác này và mong muốn dự án mang lại những thành tựu cho công cuộc bảo tồn và phát triển, quảng bá di sản, văn hóa Việt Nam; từ đó đóng góp vào sự phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội đất nước.
Thực tế, "vật lý số" là khái niệm còn rất mới mẻ tại Việt Nam, và mở ra nhiều triển vọng cho thị trường công nghệ. Theo đại diện Phygital Labs, việc áp dụng đúng vật lý số vào đời sống sẽ giúp nâng cao giá trị của vật phẩm, góp phần tự động hóa các quy trình và trải nghiệm của người dùng, giảm công sức cũng như chi phí lưu trữ.
Dự án nhằm đưa hình tượng con nghê, một linh vật thuần Việt ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đến gần hơn với người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế trong đời sống đương đại.
Định danh số cho nghê Văn Miếu
"Nghê Văn Miếu" là kết quả bước đầu trong dự án hợp tác trên giữa UNET và Phygital Labs Việt Nam với sự phối hợp cùng Trung tâm hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám và TS mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế. Dự án nhằm đưa hình tượng con nghê, một linh vật thuần Việt ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đến gần hơn với người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế trong đời sống đương đại.
Theo đó, sản phẩm của dự án là tượng nghê Văn Miếu có gắn chip RFID - một vật phẩm đúc bằng đồng thau theo nguyên mẫu của nghê đang chầu trên cột tứ trụ của Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Người tương tác sẽ được trải nghiệm sách vật lý số khi quét mã với chip RFID có gắn trên bức tượng này. Dưới đáy nghê được gắn một chip từ - giống loại gắn trên thẻ tín dụng và căn cước công dân - thể hiện tính độc bản của nghê. Trong chip chứa tên của chủ nhân (được đăng ký khi sở hữu).
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Huy (một cựu kỹ sư của Google, hiện là Giám đốc Phygital Labs Việt Nam), công nghệ này bảo đảm tính minh bạch, độc bản của sản phẩm trên cả không gian thực và không gian số. Thông qua chip thông minh định danh, Phygital Labs ứng dụng thêm công nghệ LiDAR (quét và đo tia sáng hồng ngoại) và VR/AR (thực tế ảo, thực tế tăng cường) để đưa các sản phẩm vật lý lên môi trường số, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm và trở thành mảnh ghép quan trọng của nền kinh tế số.
"Vật lý số là thị trường còn rất mới. Hiện, hầu như chưa có doanh nghiệp nào bắt đầu tham gia vào không gian số. Chúng tôi mong rằng, trong vòng từ một đến hai năm nữa, thị trường Việt Nam sẽ được định danh gần như đầy đủ. Sau đó, chúng tôi sẽ bắt đầu nỗ lực để có sự lan tỏa ra khu vực Đông Nam Á" - ông Nguyễn Huy chia sẻ thêm - "Chúng tôi sử dụng công nghệ này để nâng tầm các sản phẩm giá trị của Việt Nam, đặc biệt là với di sản - lĩnh vực chúng ta có rât nhiều thế mạnh mà chưa đạt độ lan tỏa như kỳ vọng".
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất