Vỉa hè & thời trang (Bài kết)

19/10/2011 07:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Có một điều không cần bàn cãi: Thời trang bắt đầu từ đô thị, nơi tập trung đông người, kinh thương, văn hóa phát triển, bộ mặt văn minh… Thời trang Việt cũng không ngoại lệ, nhưng lại tự mình tạo ra ngoại lệ.

Thời trang Việt đang khởi sắc: bao nhiêu nhãn hàng nổi tiếng trên thế giới đã có mặt đầy đủ tại xứ ta. Thời trang Việt đang khởi sắc: ngày càng nhiều những show diễn thời trang quy mô hoành tráng, ngày càng nhiều những tên tuổi nhà thiết kế xuất hiện cùng vị thế các người mẫu danh tiếng chiếm chỗ trên mặt báo. Thời trang Việt đang khởi sắc: ngày càng nhiều tờ báo thời trang trong và ngoài nước khai trương thanh thế trên thị trường…

Khởi sắc nhưng vẫn chưa bán được nhiều hàng, cụ thể là quần áo xịn, hàng thiết kế theo xu hướng, vẫn dành cho số ít, cái sự “ăn ngon, mặc đẹp” nghe chừng không đơn giản! Tuy vậy, các mẫu thời trang thay vì chỉ để ngắm trên báo đã ì ạch và mon men vào đời sống nhưng còn quá khó khăn và đôi khi còn bị đả thương tơi bời vì “nhái”, các shop hàng hiệu đã đông kẻ lắm tiền viếng thăm mặc dù thái độ và văn hóa người mua đôi khi còn rẻ tiền hơn giá quần áo. Đường phố vẫn luộm thuộm, nhếch nhác, đồ bộ ngủ vẫn diện ra đường và quần jeans áo thun vẫn bị bức thành đồ bơi, các trung tâm thương mại vẫn chủ yếu là nơi đi chơi và tránh nóng hơn là chốn mua sắm… Khoảng cách giữa trình diễn và ứng dụng vẫn xa vời. Vì sao?

Nguyên nhân chỉ tại cái vỉa hè!

Vỉa hè để làm gì?

1. Dành cho sự phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ: Với tất cả những ai muốn thử tài kinh doanh thì vỉa hè là nơi lý tưởng nhất: đông khách, không phải trả tiền mặt bằng và không phải trả thuế. Ngoài chuyện thi thoảng phải chạy trốn công an và dân phòng như kiểu đuổi gà và đôi khi thiệt hại to lớn về bàn ghế nhựa. Đó là chưa kể các loại kinh doanh nhỏ hơn mà vốn liếng đôi khi chỉ là công sức hoặc thậm chí là… vốn tự có.

Thời trang cần vỉa hè. Xin hãy trả vỉa hè cho thời trang!

2. Dành cho những bãi gửi xe thu phí hoặc miễn phí: Đường phố thế này để xe trên hè chứ để đâu?

3. Dành cho những giải pháp giao thông đường bộ: Khi kẹt xe thì vỉa hè là nơi lý tưởng để thoát hiểm cho không chỉ xe máy mà cả xe hơi. Kẹt thế ai mà nỡ phạt, ai mà còn nghĩ đến luật giao thông?

4. Dành cho việc marketing: Bảng hiệu quảng cáo cho việc buôn bán không để trên hè thì để đâu, mà phải để ngang xương thì người ta mới nhìn thấy. Cả rừng cửa hàng san sát thế này, không cạnh tranh sao được!

5. Dành cho ông điện, ông nước và ông bưu chính thực hành môn đào công sự: Cứ mỗi lần các ông này kiếm được một khoản tiền dự án là công nhân các ngành này được dịp tập hình thể cật lực, còng hết cả lưng, việc này còn tạo thêm việc làm cho ông cảnh quan đô thị và ông sản xuất gạch lát vỉa làm giàu.

6. Dành cho những người mắc bệnh tiểu đường: Những nỗi buồn khó tả sẽ dễ dàng kiếm được chỗ trút ở đây, chỉ có điều bệnh càng ngày càng nặng chứ không hề thuyên giảm.

7. Nơi xả rác: Không gian công cộng, cứ vô tư khắc sẽ có người dọn.

Tóm lại vỉa hè dành cho rất nhiều người, nhiều mục đích nhưng chắc chắn không dành cho việc chính của nó theo cái mục đích mà trẻ con vẫn được dạy và người lớn ai cũng hiểu: dành cho người đi bộ.

Thời trang diễn ở đâu?

1. Trên sàn catwalk: Đương nhiên vì đó bản chất là nơi chào hàng cho những nhà phân phối, cầu nối giữa nhà thiết kế và nhà sản xuất, giữa nhà sản xuất và nhà kinh doanh thời trang, giữa sự sáng tạo và đời sống. Nhưng hình như không hẳn vậy? Sàn diễn hôm nay phần lớn dành cho giới thời thượng gỉải trí, giới nghệ sĩ “đương đại” thể nghiệm những ý tưởng qua cái tôi bản ngã và giới người mẫu thì kiếm tìm danh tiếng. Chuyện bán được mẫu trang phục tính sau vì báo chí đâu có quan tâm gì về thời trang mà viết! Cả khán giả và truyền thông lâu nay đã quá quen chờ đợi những chiêu trò biểu diễn thay vì xem quần áo trong các show thời trang. Thậm chí có sân khấu ca nhạc vẫn xem thời trang như một tiết mục đinh!

2. Trong các buổi party và lễ tân: Đúng vậy, hàng độc và đắt thì cần chỗ khoe, thỉnh thoảng còn được lên hẳn báo mạng cho oai. Nhưng quanh đi quẩn lại vẫn có từng ấy nhân vật quen thuộc, từng ấy khuôn mặt, từng ấy kiểu tạo dáng cầm ly nghiêng ngả trước backdrop nhìn mãi, chụp mãi cũng nhàm. Mà thời trang đâu phải chỉ để chụp hình?

3. Trong các đám cưới: Với đại bộ phận công chúng và các lứa tuổi thì dịp xúng xính nhất về thời trang chắc chắn là trong các đám cưới. Các bà các mẹ may áo dài, mua vòng xuyến, dây chuyền không diện dịp này thì còn dịp nào. Vì vậy các nhà thiết kế thời trang Việt thường nổi danh từ nghề vẽ áo dài và may đồ cưới. Nhưng mấy khi mới có đám cưới, mà toàn ngồi quanh bàn nhậu và ở cự ly gần thế thì ngắm dáng thế nào?

4. Trên xe gắn máy và trong quán cà phê: Giới trẻ ham thích thời trang và khoái se sua ngày đêm vẫn “sở lượn” trên đường hoặc quanh ly cà phê trong quán xá để khoe các bộ cánh. Nhưng vẫn toàn tư thế ngồi thụ động và khoảng cách quá nhỏ, không gian đâu để ngắm thời trang?

Sàn diễn thời trang thực sự

Trong những không gian nhỏ hẹp và những tư thế như vậy, thời trang không thể khoe hết được ưu thế của mình, những bộ quần áo tưng bừng trên catwalk chẳng bao giờ có dịp lặp lại như vậy trong đời sống. Mặc quần áo đẹp để khoe, để tự tin nhưng với cự ly gần như vậy nên người ta thường khoe túi xách, thắt lưng và các thể loại phụ kiện xịn nhiều hơn là quần áo.

Người Việt đã từ lâu mất thói quen đi bộ trừ lúc lao động, sinh nhai và… tập thể dục. Vóc người nhỏ bẩm sinh không ngại bằng dáng đi xấu tướng. Toàn ngồi chồm hổm, đứng ngả nghiêng, đi xiêu vẹo vì mất thói quen văn minh: đi bộ, mà ở thành phố muốn đi bộ bây giờ thì chỉ có đi dưới lòng đường hoặc trên máy tập.

Còn thời trang đẹp nhất, đúng chỗ nhất cần không gian, và vỉa hè chính là sàn catwalk đúng nghĩa nhất, đúng chỗ nhất để “toàn dân” diễn thời trang trên đó. Vì thời trang thực sự cần đời sống chứ không phải chỉ những trò biểu diễn phù phiếm. Đường phố sẽ đẹp hơn khi trên đó là những người biết làm đẹp. Đi bộ sẽ làm người sạch hơn, đẹp hơn, thân thiện hơn, văn minh hơn và… bớt kẹt xe hơn mà chẳng cần phải hô bất cứ một loại khẩu hiệu nào.

Thời trang cần vỉa hè. Xin hãy trả vỉa hè cho thời trang!

Phạm Hoàng Nam (đạo diễn)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm