Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng: Làm điêu khắc để trả… "hận tình"

10/05/2010 14:10 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Ngày 8/5/2010 nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng lên đường sang Đức để thực hiện một triển lãm tại Nhà Việt Nam (Viethaus) ở Berlin, sau đó sẽ đi một số nước châu Âu để tìm cảm hứng cho các tác phẩm điêu khắc chân dung danh nhân phương Tây mà ông muốn thực hiện tiếp theo. Đến Đức, danh nhân đầu tiên mà nhà điêu khắc này muốn vinh danh trong triển lãm là nhà văn, nhà thơ, họa sĩ Hermann Hesse (1877-1962) - giải Nobel Văn học 1946, người mà ông tự nhận là thầy điêu khắc của mình, dù cả hai chưa một lần gặp mặt.

Bắt chước nhân vật tiểu thuyết của Hermann Hesse


Phạm Văn Hạng
Ngày 8/5/1970, đúng 40 năm trước, là một phóng viên chiến trường ở Quảng Trị, Phạm Văn Hạng (sinh 1942 tại Đà Nẵng) đã mang vào trụ sở Hội Hồng thập tự Sài Gòn tác phẩm S.O.S. Việt Nam (sau Trịnh Công Sơn đề nghị đổi tên thành Chứng tích) với tấm ván khổ 100x120cm, trên đó gắn thép gai, vỏ đạn, mảnh mìn, xương, sọ, thịt da và cả ruột người... đã được ngâm dung dịch bảo quản. Tác phẩm phản chiến này đã gây chấn động giới làm nghề và báo giới quốc tế thời bấy giờ, khiến cho nhà tổ chức phải tháo gỡ và “thủ tiêu” nó trước khi Tổng thống chế độ Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu đến cắt băng khai mạc tại triển lãm quốc tế 12 nước này.


Trước đó nữa, năm 1967, Phạm Văn Hạng đã từng tham gia triển lãm trừu tượng tại Huế, vì ông theo học để thành họa sĩ. Năm 1973, tại triển lãm hội họa ở Pháp văn Đồng minh hội (Sài Gòn), người bạn gái của Phạm Văn Hạng đã bị “hớp hồn” bởi họa sĩ tài danh là N.T.M. - thất tình ngay trong triển lãm thành công - nên Phạm Văn Hạng rất ghen tức. Trước khi đi theo người ta, cô bạn gái còn tặng cho ông cuốn tiểu thuyết Đôi bạn chân tình (Narziss und Goldmun, 1930) của Hermann Hesse, qua bản dịch của Vũ Đình Lưu, xem như hai người chỉ là một “tình bạn”, một món quà an ủi.

Ngay tối hôm đó, Phạm Văn Hạng đã thức trắng để đọc tiểu thuyết này, và phát hiện ra câu chuyện kể về chàng tu sĩ trẻ mê tạc tượng, quyết trốn tu viện đi tìm giai nhân. Lúc ấy Phạm Văn Hạng nghĩ: “Mình phải trở thành người tạc tượng, làm điêu khắc, vì đó là cách duy nhất để qua mặt được N.T.M., vì chắc chắn ông này không thể trở thành nhà điêu khắc!”.

Từ sự thất tình đó và bằng nỗ lực tự học, Phạm Văn Hạng đã vươn lên trong điêu khắc, đến nay ông đã làm rất nhiều tác phẩm, tạc hàng trăm bức tượng, dựng hàng chục tượng đài.


Ba phác thảo (từ trái qua): Hermann Hess - thầy điêu khắc;
F.Nietzsche và Albert Einstein

Sự “trả thù” ngọt ngào

Trước khi bước lên máy bay, Phạm Văn Hạng nói rằng ông không ngờ chuyến đi Đức lần này lại đúng y ngày tháng triển lãm của bức tranh Chứng tích (8/5), 40 năm mà như mới. Khi đến Berlin, ông mang theo rất nhiều poster các tác phẩm điêu khắc đã thực hiện để giới thiệu và 3 phác thảo về Hermann Hess, F.Nietzsche và Albert Einstein. Phạm Văn Hạng nói sẽ đề nghị một trường đại học để xin khoảng 1 tấn đất lấy trong chính khuôn viên nhà trường làm tượng Hermann Hesse, ông muốn lấy đất của người Đức để vinh danh ông thầy điêu khắc của mình.

Trong tác phẩm Đôi bạn chân tình, Phạm Văn Hạng kể, chàng tu sĩ trẻ đi phiêu bạt, khi cảm hứng đã dạt dào và suy tư đã bước vào đỉnh điểm, chàng đã quay về tu viện cũ để tạc bức tượng Đức Mẹ thánh thiện và phồn thực. “Chính vì vậy, dù cuộc đời tôi có đi về đâu và sẽ như thế nào, Hermann Hesse vẫn là ân nhân về điêu khắc, không thể nào thay thế được”, Phạm Văn Hạng tâm sự.

Trở lại câu chuyện điêu khắc, chỉ sau một hai năm bị “bồ đá”, tại Hội Việt - Mỹ (Sài Gòn), Phạm Văn Hạng đã thực hiện triển lãm tranh tượng, nhằm tìm sự “trả thù” ngọt ngào. Ở triển lãm này, ông đã mời người yêu cũ và họa sĩ tình địch kia đến tham dự, ngầm nói với ông ấy rằng: “Ông ngon thì làm điêu khắc đi, làm được, tôi lại nhường người yêu cho”. Phạm Văn Hạng nói thay vì đấu súng để giành người yêu, chỉ chừng đó thôi, lòng ông đã cảm thấy mãn nguyện và hưng phấn một đời, nó giúp cho con đường điêu khắc vốn nặng nhọc, thêm hương hoa và chất xúc tác.

Gửi phác thảo tượng đài Hòa bình đến Tổng thống Mỹ

Như TT&VH đã đưa tin, Phạm Văn Hạng vừa tặng cho Thư viện Quốc gia Việt Nam hai bức tượng Hàn Thuyên và Alexandre de Rhodes nhân Ngày hội đọc sách thế giới (23/4). Cũng cần nói thêm, cách đây ít lâu, Phạm Văn Hạng đã gửi phác thảo Khuôn viên Tượng đài Hòa bình thế giới đến Tổng thống Barack Obama (Mỹ) với đề nghị tìm kiếm một vị trí thích hợp để thực hiện quần thể nghệ thuật này. Tiếp nhận thư, Văn phòng Nhà Trắng đã phúc đáp về việc lưu trữ thư cùng phác thảo, đồng thời cũng hoan nghênh ý tưởng vì hòa bình chung này.


Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm