23/05/2022 05:37 GMT+7 | Thể thao
Điền kinh và bơi lội là 2 môn bắt buộc phải có ở bất cứ đại hội thể thao nào. Hơn ai hết, các VĐV Việt Nam hiểu rõ mục tiêu này, vì thành tích của họ được xem là thước đo của cả nền thể thao quốc gia, nhất là khi nó được tổ chức trên sân nhà.
Huy Hoàng đang “huy hoàng”
Vắng “kình ngư” Ánh Viên, đã xuất hiện những lo lắng về thành tích của đội tuyển bơi lội trước SEA Games 31, bởi trong những lần tham dự trước, cô từng đoạt 6-8 HCV. Tuy nhiên, đội tuyển bơi Việt Nam đã thành công ngoài dự kiến khi giành tới 11 HCV, 11 HCB và 3 HCĐ, vượt chỉ tiêu đặt ra là 6-8 HCV.
Có thể nói, ở các nội dung bơi tại SEA Games 31, đối thủ của nước chủ nhà chỉ có duy nhất 1 cái tên: Singapore. Năm nay, trong số 40 HCV của bộ môn bơi, Huy Hoàng và đồng đội đã khiến đối thủ Schooling từng có HCV Olympic và đội tuyền Singapore thất bại ở 2 nội dung 4x100m và 4x200m tự do sở trường. Từ lâu, Singapore quá mạnh ở nội dung này nhưng các tay bơi Việt Nam đã phá thế thống trị của họ, nhất là nội dung 4x200m tự do đồng đội tiếp sức. Chỉ tính về thành tích của các nam VĐV, Việt Nam vượt mặt Singapore khi có 11 HCV so với 9 của đối thủ.
Kỷ lục 7 phút 16 giây 31 ở nội dung 4x200m tự do đồng đội tiếp sức mà Huy Hoàng, Hưng Nguyên, Quý Phước, Kim Sơn lập được ở sân nhà năm nay có thể sẽ còn tồn tại nhiều năm nữa. Họ đã khiến kỷ lục 7 phút 17 giây 88 do đội tuyển Singapore thiết lập tại SEA Games 2019 lùi lại phía sau.
Huy Hoàng như đã đề cập, theo người viết, xứng đáng là VĐV xuất sắc nhất SEA Games 31, cùng với Jing Wei Quah (kình ngư người Singapore cùng Huy Hoàng là 2 VĐV đạt chuẩn A Olympic từ sân chơi đại hội này), nhà vô địch TDDC thế giới Carlos Yulo hay Atkinson (VĐV điền kinh Thái Lan) và Nguyễn Thị Oanh (điền kinh). Bởi Huy Hoàng đã giành 5 HCV, lập 2 kỷ lục SEA Games nội dung 400m và 800m tự do sở trường.
Có thể nói, những kỷ lục là thước đo cho sự thăng tiến trong sự nghiệp đối với các VĐV. Kỷ lục SEA Games tiếp theo thuộc về Phạm Thanh Bảo khi chàng trai gốc Bến Tre có HCV 100m ếch, phá kỷ lục 13 năm của cố đàn anh Nguyễn Hữu Việt. Chưa hết, Thanh Bảo sau đó cũng phá kỷ lục 200m bơi ếch nam với thành tích 2 phút 12 giây 09 (kỷ lục trước đó là 2 phút 12 giây 57).
Một “kình ngư vàng” khác của thể thao Việt Nam cũng xuất hiện là Hưng Nguyên với 4 HCV SEA Games 31. Anh ghi dấu ấn ở nội dung 400m hỗn hợp cá nhân nam và lần thứ 2 liên tiếp xô đổ kỷ lục SEA Games do chính mình thiết lập với thông số 4 phút 18 giây 10.
Điều rất tích cực với các nam kình ngư chủ nhà là họ còn trong độ tuổi đôi mươi và còn rất trẻ, thừa khát khao để chinh phục thêm đỉnh cao. Hưng Nguyên cho biết: “Ngay sau SEA Games, tôi cùng các đồng đội sẽ tiếp tục tập luyện để hướng tới giải vô địch thế giới ở Hungary vào tháng 6. Sau đó sẽ lại tập luyện để chuẩn bị cho SEA Games 32 vì năm sau lại có đại hội rồi”.
Điền kinh vẫn là “số 1”
Mặc dù đội tuyển điền kinh Việt Nam năm nay thiếu vắng “Nữ hoàng tốc độ” Lê Tú Chinh do bị chấn thương trước giải. Bên cạnh đó là việc chân chạy nhập tịch Joshua Atkinson giúp Thái Lan thống trị các đường chạy 200m, 400m khiến nhiều nhà vô địch SEA Games 30 như Trần Nhật Hoàng, Trần Đình Sơn phải chấp nhận bị đối thủ soán ngôi. Tuy nhiên, các tên tuổi như Nguyễn Thị Huyền, Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Oanh… và hàng loạt nhân tố bất ngờ đã giúp đội tuyển điền kinh nước nhà vượt trội so với Thái Lan.
Nguyễn Thị Huyền ngoài cán đích 10 HCV qua các kỳ SEA Games còn hứa hẹn có thể mang về thêm nhiều HCV khác ở kỳ Đại hội năm tới tại Campuchia. Tương tự là Nguyễn Thị Oanh với tổng cộng 8 HCV, 1 HCB đã sưu tầm sau 4 kỳ Đại hội. Cùng với những VĐV kỳ cựu, Bùi Thị Nguyên, Nguyễn Linh Na, Hoàng Nguyên Thanh, Lò Thị Hoàng cũng xứng đáng là điển hình cho sự vươn lên của điền kinh Việt Nam.
Chiếc HCV mà Bùi Thị Nguyên giành được khi vượt qua 110m rào nữ ngay trong lần đầu dự SEA Games cũng đáng được lưu danh. Thành tích 13 giây 51 của cô gái sinh năm 2001 đã đánh bại đối thủ cực mạnh là nhà ĐKVĐ SEA Games, Á quân ASIAD 2018 Emilia Nova của Indonesia. Bùi Thị Nguyên sẽ hướng tới kỷ lục của đàn chị Vũ Bích Hường thiết lập tại SEA Games 1999 là 13 giây 36.
Cô gái dân tộc Thái Lò Thị Hoàng cũng khiến điền kinh Việt Nam “nở mày nở mặt” khi vượt qua đối thủ Thái Lan, đạt thành tích 56m37, giành HCV ném lao VĐV 25 tuổi người Sơn La đồng thời phá luôn kỷ lục SEA Games là 55m97 đã tồn tại suốt 15 năm qua của Buoban Pamang (Thái Lan) thiết lập từ SEA Games 24.
Những cột mốc đáng kể đó đến từ 2 môn thể thao Olympic góp phần tô điểm vào thành công thuyết phục của Đoàn thể thao Việt Nam ở kỳ Đại hội tổ chức trên sân nhà năm nay.
VIỆT HÀ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất