20/05/2022 07:29 GMT+7 | SEA Games 32
Điền kinh Việt Nam đã kết thúc chiến dịch SEA Games 31 bằng một “mùa vàng” bội thu huy chương với 22 HCV, 8 HCB và 11 HCĐ.
1. Điền kinh luôn là môn thi bắt buộc của bất kỳ đại hội thể thao. Đây là môn thể thao Olympic danh giá, hầu như quy tụ tất cả các ngôi sao sáng của Đông Nam Á thi thố. 2 kỳ SEA Games gần nhất, điền kinh Việt Nam đã vượt mặt Thái Lan để nắm giữ vị trí số một khu vực. SEA Games 31 trên sân nhà, điền kinh Việt Nam đặt mục tiêu giành 15-17 HCV trong số 47 bộ huy chương để bảo vệ ngôi số 1.
Chính vì thế, sân vận động Mỹ Đình suốt 6 ngày tranh tài đã hội tụ đông đảo người hâm mộ đến dõi theo, trong đó gia đình của những VĐV điền kinh Việt Nam đã đến để cổ vũ, động viên và chia vui cùng người thân của mình. Không phụ lòng của người hâm mộ, đội tuyển điền kinh Việt Nam đã có những ngày thi đấu xuất thần, mang về thành tích vượt ngoài mong đợi. Đặt trong bối cảnh Thái Lan quyết tâm vượt lên, còn Philippines ráo riết nhập tịch những VĐV ngoại hòng thay đổi cục diện, việc điền kinh Việt Nam tiếp tục giữ được ngôi đầu Đông Nam Á là thành quả đáng tự hào.
2. Tổ cự ly trung bình và dài vẫn là thế mạnh của điền kinh Việt Nam. Đặc biệt các nội dung của nữ khẳng định sức mạnh tuyệt đối với 8 HCV. Bên cạnh đó cũng đã có những VĐV bất ngờ giành vàng như Nguyễn Tiến Trọng (nhảy xa nam), Nguyễn Hoài Văn (ném lao nam) hay Bùi Thị Nguyên (100m rào nữ).
Góp công chung vào chiến tích rực rỡ của điền kinh Việt Nam không thể quên 2 cái tên nổi bật Nguyễn Thị Oanh - Nguyễn Thị Huyền. Đây thực sự là những VĐV tiêu biểu tại kỳ SEA Games 31.
Cô gái “bé hạt tiêu” Nguyễn Thị Oanh đã làm bùng nổ đường chạy sân Mỹ Đình với bước chạy thanh thoát của mình. Giành 3 tấm HCV ở các nội dung 1.500m, 3.000m vượt chướng ngại vật và 5.000m, trong đó có 1 kỷ lục SEA Games trên đường chạy 3.000m vượt chướng ngại vật với thời gian 9 phút 52,44 giây (kỷ lục cũ do cô lập tại SEA Games 30 với 10 phút 00,02 giây). Nhiều năm qua cũng như tại SEA Games 31, Nguyễn Thị Oanh luôn khẳng định năng lực của mình, thật xứng danh là “cô gái vàng” của điền kinh Việt Nam.
Nguyễn Thị Huyền cũng không hề kém cạnh khi cũng 3 lần liên tiếp giành HCV SEA Games để nâng tổng thành tích lên 10 HCV trong sự nghiệp. Bắt đầu thi đấu từ SEA Games 2015 tại Singapore, cô đã trải qua nhiều lần vô địch trong những nội dung sở trường 400m, 400m rào từ đó tới nay.
Sau 10 năm đợi chờ, VĐV Quách Thị Lan cũng đã có tấm HCV cá nhân đầu tiên ở nội dung 400m rào nữ. SEA Games lần này, chân chạy người Thanh Hóa đã vượt qua đàn chị Nguyễn Thị Huyền để có tấm HCV cho riêng mình. Đây là dấu mốc quan trọng của Lan bởi trước đó dù giành HCV ASIAD, rất nhiều HCV các nội dung tiếp sức SEA Games nhưng cô chưa từng có HCV cá nhân.
Trước đó, ở nội dung 7 môn phối hợp nữ, một trong số các nội dung khốc liệt nhất của môn điền kinh, chúng ta cũng đã có HCV. Với 5.415 điểm, cô gái 25 tuổi người dân tộc Mường Nguyễn Linh Na đã mang đến điều kỳ diệu khi đoạt HCV SEA Games sau 17 năm chờ đợi, đồng thời phá luôn kỷ lục quốc gia ở nội dung này (5.350 điểm - VĐV Nguyễn Thị Thu Cúc xác lập). Đây có thể coi là một trong những bất ngờ lớn nhất của bộ môn điền kinh tại SEA Games 31.
Có thể ví tấm HCV của Hoàng Nguyên Thanh quý hơn kim cương khi gây chấn động - lần đầu tiên trong lịch sử giúp điền kinh Việt Nam giành HCV marathon 42,195km tại SEA Games. Thành tích của Hoàng Nguyên Thanh là 2 giờ 25 phút 07 giây 84.
3. Thành tích cùng niềm vui của điền kinh Việt Nam không chỉ ở bảng vàng huy chương, mà còn hứa hẹn về một lớp VĐV trẻ đang dần trưởng thành.
Lương Đức Phước, ở tuổi 20 đã có HCV ngay trong kỳ SEA Games đầu đời. Đồng đội của Đức Phước là Trần Văn Đảng cũng là niềm hy vọng tiềm năng ở nội dung 1.500m nam. Chân chạy Ngần Ngọc Nghĩa dù không thể có được HCV ở nội dung 200m nam, nhưng anh đã phá kỷ lục quốc gia tới 2 lần trong ngày, do đàn anh Lê Trọng Hinh lập tại SEA Games 2015 (20 giây 89). Thành tích của Đức Phước, Trần Văn Đảng, Ngọc Nghĩa như một cú hích niềm tin cho điền kinh Việt Nam về một thế hệ VĐV gối đầu giàu tiềm năng, đầy triển vọng.
Thành công của điền kinh một lần nữa khẳng định hướng đi đúng trong việc đầu tư của Thể thao Việt Nam. Để có được thành tích như vậy từ 2015, điền kinh Việt Nam đã đầu tư trọng điểm khoảng 100 tỷ đồng cho các VĐV tiềm năng đi tập huấn nước ngoài, thuê HLV ngoại về cầm quân. Không chỉ thành tích ở các kỳ SEA Games, điền kinh Việt Nam đã và đang đặt ra những mục tiêu xa hơn cho lộ trình phát triển thời gian tới.
Tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ hy vọng rằng thành tích lứa các VĐV điền kinh hiện tại "có thể là nguồn cảm hứng cho các tài năng trẻ khi thể thao Việt Nam đang có những mục tiêu lớn hơn ở môn điền kinh”.
Trần Tuấn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất