Tintin và những cú sốc văn hóa

02/04/2012 07:00 GMT+7


(TT&VH Cuối tuần) - Tintin - một phóng viên trẻ đầy nhiệt huyết không ngừng theo đuổi những câu chuyện bí ẩn. Chính việc này đã đẩy anh vào một thế giới phiêu lưu đầy nguy hiểm. Lần này, Tintin bay gấp sang Việt Nam lại vì một chuyện thú vị khác đầy phiêu lưu nhưng có lẽ chẳng “nguy” gì mà chỉ hơi “hiểm” vì lĩnh vực mà chàng phát hiện ra điều kỳ thú lại mang tính bản địa một cách rất đặc thù: lĩnh vực ngôn ngữ.

Tintin biết rằng theo dự đoán của các nhà nghiên cứu thì đến cuối thế kỷ 21, gần nửa số ngôn ngữ trên thế giới sẽ biến mất. Nghe có vẻ có lý. Nhưng sao họ cứ toàn nói đến chuyện mất mát thế nhỉ? Trong khi ở một xứ văn minh như Việt Nam thì ngôn ngữ lại sinh ra và làm giàu có lên một cách đáng nể, nhất là trong những khái niệm văn hóa đương đại. Theo nguồn tin mới nhất mà vì nó Tintin phải bay ngay từ Bỉ sang Việt Nam, thì một khái niệm rất mới vừa được phát minh trong lĩnh vực nhạc kịch ở quốc gia này. Ai cũng biết chữ vocal là chỉ người hát lĩnh xướng chính trong một bản nhạc kịch, nhưng rành rành trên báo mà Tintin mới đọc được thì vocal lại hóa ra là hát bè! Quả thật người Việt quá sáng tạo không chỉ trong việc sử dụng từ ngữ mà còn rất uyển chuyển trong việc dùng giọng của người khác. Đấy, ngay cả khái niệm chôm chỉa cũng rất mở. Nghiên cứu về Việt Nam đã lâu năm, Tintin biết rất nhiều kiểu “chôm” khác nhau trong ngành giải trí Việt nhưng “chôm” được cả giọng hát thì lạ quá! Kiểu này Tintin sẽ qua đây trong một tương lại rất gần để mở một ngân hàng canh giữ giọng hát, chắc nghề này sẽ hốt bạc ở đây vì quản lý tài sản trí tuệ gì cũng khó nhưng quản lý giọng hát cho khỏi bị ăn cắp thì đặc biệt cần không những công nghệ cao mà còn cần cả những lý thuyết về pháp luật mới cao hơn cả sự sĩ diện và lòng tự trọng mới thành công được. Nhức đầu nhất là từ vocal không chỉ nói về người lĩnh xướng, khi người vocal mà chôm giọng người khác biến thành hát bè cho mình thì từ “vocal” của ngôn ngữ Tây lại biến thành ra từ vô can của tiếng Việt mới chết chứ! Giời ơi là ngôn ngữ, đất hỡi là khái niệm!

Nghiên cứu tiếng Việt lâu năm, Tintin đặc biệt mê truyện Kiều và cả những giai thoại vui xung quanh nó. Người Việt tinh tế và hóm hỉnh đã lẩy ngay một câu trong Kiều: “…Thất kinh nàng chửa biết là làm sao…” để miêu tả cái sự dính bầu của phụ nữ, tức là từ xưa tới giờ, y học thế giới và dân gian Việt vẫn đánh dấu cái chuyện dính bầu bằng cái sự “thất kinh”, ấy thế mà giới báo cải Việt lại định nghĩa khác, theo họ dính bầu là khi mặc trang phục rộng thùng thình hoặc tác phong đi lại chậm chạp? Nghe có vẻ rất dân dã nhỉ! Nhưng dựa vào đó để gọi là “nghi án” thì khiếp thật! Khổ thân cho tư luận lại biến thành công luận. Mà lạ nhất là cái sự bầu bì bên xứ Bỉ của Tintin là chuyện vui nhất của đời người phụ nữ, nhất là khi việc hiếm muộn đã trở thành vấn đề toàn cầu thì người nào có bầu họ chỉ thích khoe ra cho thiên hạ vui cùng. Vậy mà ở xứ này ngược lại, phụ nữ họ lại cứ giấu tiệt đi, cứ như việc bầu bì ấy là tội phạm hay xui xẻo khủng khiếp lắm. Cho nên cánh báo cải mới suốt ngày rình mò bắt quả tang các bà mẹ tương lai theo những khái niệm kỳ cục như ở trên. Thế rồi những cái loa phường lại bình loạn theo khái niệm “không chồng mà chửa”, khái niệm vi phạm quyền bình đẳng phụ nữ “mọi rợ” nhất còn tồn tại đến thế kỷ văn minh này.

Nhưng sau hết, sự bái phục nhất của Tintin về ngôn ngữ dành cho các đạo diễn điện ảnh Việt. Trước hết về khái niệm “đạo diễn”, theo lý thuyết điện ảnh Tây phương thì đó là người “chỉ đạo diễn xuất” theo ý đồ nghệ thuật của kịch bản, nhưng ở đây thì đạo diễn lại có nghĩa là đi “đạo” về để “diễn”lại, có nghĩa là bậc siêu của chôm chỉa. Xem phim Việt thấy lúc nào cũng quen quen mà lạ lạ. Ai cũng thấy giống cái gì ở đâu đó mà nói thì các đạo diễn lại cứ chối đây đẩy bảo rằng sự sáng tạo rất có thể trùng nhau!? Chính vì quen chôm chỉa tới cả khái niệm nên các “đạo sĩ” này luôn lẫn lộn các định nghĩa về phim ảnh của chính mình làm ra. Họ làm phim kinh dị rõ ràng nhưng lại bảo đó chỉ là phim tâm lý xã hội, họ quay tấu hài sân khấu ngoại cảnh rõ ràng mà lại bảo đó là phim. Đặc biệt thú vị trong ngôn ngữ là việc họ dịch cái từ phim “High School”, tức là phim cho giới tuổi teen đi học trung học thành phim “cấp 3” với những cảnh rất nóng để câu khán giả teen và chiếu công khai trên kênh truyền hình quốc gia. Tintin lấy ngón tay xoắn những lọn tóc trên cái đầu một chỏm của mình mà suy nghĩ rất lung. Trước mặt chàng là một tờ báo văn hóa, trên đó một đạo diễn điện ảnh gạo cội vừa tung thêm ra một khái niệm điện ảnh mới động trời. Vẫn biết giới chuyên môn phân biệt phim bằng thể loại, khán giả đánh giá phim bằng hai từ hay và dở, nhưng vị đạo diễn này mới đưa thêm vào giáo trình các trường điện ảnh một khái niệm phân loại phim hoàn toàn mới: phim cao, phim thấp và phim… ngu! Chỉ có khán giả ngu khi bỏ tiền đi xem phim dở, có nhà sản xuất ngu khi bỏ tiền cho đạo diễn làm phim chán… tức là cái sự ngu là ở con người chứ nhỉ, sao lại có cả phim ngu?

Chú chó Snowy chạy tới ngậm tờ giấy gì đó đưa cho Tintin. Hóa ra đó là cái vé máy bay khứ hồi về Bỉ. Nó nhắc chàng đã đến giờ rời khỏi xứ văn minh của những khái niệm ngôn ngữ đầy sáng tạo bất tận này. Tintin bừng tỉnh: may quá chàng còn có con chó rất…thông minh!

Chuyên gia GPRS

(Chuyên gia nói chuyện đùa như thật về showbiz)

Đọc các bài viết của GPRS tại đây

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm