Thư gửi robot Citizen: Mỹ cảm của nỗi nhớ Hà Nội

09/10/2020 07:12 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!

Phú Quang với Hà Nội

Phú Quang với Hà Nội

Điều kỳ lạ ở Phú Quang là anh cứ liên tục tuôn trào nỗi nhớ của mình thành một vệt các bài hát từ Em ơi! Hà Nội phố (phỏng thơ Phan Vũ) mùa Đông 1988 cho đến tận hôm nay. Cũng là nỗi nhớ, nhưng Phú Quang như đã từng thổ lộ...

Nhân dịp nhạc sĩ Phú Quang được trao Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội, và cũng nhân dịp cuối tuần cả nước hướng về kỷ niệm 1.010 năm Thăng Long - Hà Nội, tôi lại muốn nói thêm về những bài hát có chủ đề này.

Bài hát về Hà Nội theo cách hiểu bây giờ, thực ra, mang nghĩa những ca khúc tân nhạc mượn bối cảnh Hà Nội để thể hiện những cảm xúc thẩm mỹ của tác giả, kể về tình cảm với mảnh đất này, một diễn biến lịch sử hay một mối tình đã diễn ra trên những góc phố.

Trước thời tân nhạc, các bài ca trù là một phần của đời sống giải trí của các tao nhân mặc khách (chủ yếu nam giới), các hình thức trình diễn dân gian phục vụ nhu cầu bình dân. Song cảm thức quy tâm về Hà Nội, lấy Hà Nội làm chất liệu âm nhạc hẳn hoi thì dường như đến lúc những cuộc chia ly diễn ra, 2 tiếng Hà Nội mới âm vang như một tình tự, cũng đúng lúc tân nhạc thịnh vượng.

Quả thực, những bài hát đầu tiên đã xác nhận chúng là nỗi nhớ nhung, hoài vọng về thành phố của quá khứ. Đó có thể là quá khứ vàng son của Thăng Long thành xưa như “Thăng Long hành khúc ca” (Văn Cao, 1943), quá khứ “ngày ấy chói vinh quang, vang ngàn phương lời thề nước” của những người đi kháng chiến như “Người Hà Nội” (Nguyễn Đình Thi, 1948) hay “Ba Đình nắng” (Bùi Công Kỳ - thơ Vũ Hoàng Địch, 1947).

Chú thích ảnh
Cố nhạc sĩ Văn Cao. Ảnh minh họa

Suốt cuộc kháng chiến 9 năm cũng là những nỗi luyến nhớ “ai về Thủ đô tôi gửi vài lời” (“Sẽ về Thủ đô” - Huy Du, 1949), “ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu” (“Tiến về Hà Nội” - Văn Cao, 1949) hay “tôi nhớ Thủ đô hồi qua, hồ đẹp gương liễu la đà” (“Hà Nội 49” - Trần Văn Nhơn, 1949), dù tác giả ở vùng kháng chiến hay ở giữa thành phố bị chiếm đóng. Những khúc khải hoàn vẫn chứa đựng nét nhớ nhung. Nhớ một quá vãng mơ hồ của thời bình yên, nhớ một tuổi trẻ đã đi qua trên mảnh đất này.

Những bài hát về Hà Nội thời đất nước chia cắt dành nhiều “đất” cho ước vọng hàn gắn, đặc biệt là những bài hát của người di cư vào Nam lấy Hà Nội làm biểu tượng cho nỗi nhớ... Ở phía Bắc, sự mất mát có lúc được bù đắp bằng những thăng hoa của niềm tin chiến thắng. Song ngay cả ở những bài hát khẩu khí đanh thép nhất, nhu cầu gắn kết với lịch sử đóng vai trò tôn vinh một đế đô huyền thoại để nối dài mạch cảm hứng sử thi. Cụm từ “Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội” được tiếp nhận từ các trang sách lịch sử để trữ tình hóa thành phẩm chất trong âm nhạc: “Ơi Đông Đô hùng thiêng dấu xưa còn in nơi đây. Ơi Thăng Long ngày nay chiến công rạng danh non sông” (“Hà Nội niềm tin và hy vọng” - Phan Nhân, 1972).

Trải qua sự biến đổi của Hà Nội thời hậu chiến cho đến Đổi mới, những bài hát Hà Nội mau chóng tiếp nhận những cuộc chia ly kiểu mới: Đi xây dựng kinh tế mới hoặc ra biên cương trong 2 cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, “người Hà Nội hôm nay ra đi, mang trong mình bao nhiêu nỗi nhớ, những ánh đèn qua ô cửa sổ, bầu trời đêm cháy bỏng tình yêu” (“Hà Nội một trái tim hồng” - Nguyễn Đức Toàn, 1984). Những từ “ôi nhớ” hay “nhớ về” nhắc đi nhắc lại như một ám ảnh, chẳng hạn trong bài “Nhớ về Hà Nội” của Hoàng Hiệp...

Sophia thân mến!

Người ghi một dấu ấn quan trọng cho việc gia cố nỗi hoài niệm của sự chia ly không ai khác là Phú Quang. Cả một vệt bài hát về Hà Nội của ông chỉ kể một câu chuyện duy nhất, với một âm sắc thuần nhất. Chúng man mác nỗi tiếc nhớ di sản cũ “tiếng dương cầm trong căn nhà đổ” (“Em ơi Hà Nội phố” - phổ thơ Phan Vũ, 1986) hay “làm sao về được mùa Đông, mùa Thu cây cầu đã gãy” (“Nỗi nhớ mùa Đông” - phổ thơ Thảo Phương, 1989).

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Phú Quang

Rất nhiều nhạc sĩ khác cũng viết về Hà Nội với nỗi nhớ, dù là người ở vị thế tha hương hay vẫn sống tại đây. Những chuyện tình yêu được viết trong ca khúc về Hà Nội dường như luôn là những mối tình hằn lên những “xa nhau” và “đợi chờ”: “…và rồi ngày mai tạm xa nhau.Yên tâm anh nhé mà đi, Hồ Gươm vẫn nhớ và em vẫn đợi chờ” (“Đêm Hồ Gươm” - Trần Hoàn, 1986). Những cái tên bài hát đã nói lên đủ: “Hà Nội ngày trở về”, “Hà Nội ngày chia xa”, “Mong về Hà Nội”, “Nhớ thành phố hoa đào”…

Không hẹn mà nên, những bài ca về Hà Nội dù mang âm hưởng sử thi hay lãng mạn đều khắc họa một nơi chốn biến động, nơi diễn ra những cuộc chia ly và đầy ắp hồi tưởng kỷ niệm. Chúng phản ánh sự xáo trộn của không gian đô thị này suốt 100 năm qua. Các nhạc sĩ rút cục là những người thư ký trung thành ghi lại sự biến thiên đó, đọng lại man mác những vui buồn còn mất của Hà Nội.

Tạm biệt Sophia, hẹn gặp thư sau!

Nguyễn Trương Quý

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm