Sống chậm cuối tuần: Triết lý 'không wifi' ở quán trà Hà Nội

19/01/2019 07:30 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Giữa cuộc sống xô bồ, náo nhiệt, quán trà không wifi trên tầng 3 một ngôi nhà tập thể ở phố Tông Đản, Hà Nội đã trở thành địa điểm độc lạ, được nhiều người lui tới. Không có wifi, con người dễ dàng chia sẻ, tâm sự, gắn kết với nhau.

Xem chuyên đề "Sống chậm cuối tuần tại đây"

20 năm internet vào Việt Nam- ôn cố, tri tân

20 năm internet vào Việt Nam- ôn cố, tri tân

Ngày 19/11 tới đây, tròn 20 năm internet vào Việt Nam. 20 năm đủ cho một đứa trẻ trưởng thành. Các bạn thanh niên tuổi 20 tràn đầy sinh khí hẳn khó hình dung ra trên 20 năm trước, thế hệ tiền bối đã phải sống trong cảnh huống như thế nào khi thiếu internet.

Trong cái giá lạnh của tiết trời đầu Đông, giữa “chốn lao xao” tìm đến “nơi vắng vẻ” để nhâm nhi ly trà, hàn huyên cùng bạn bè thì quả là tao nhã.

“Ở đây chúng tôi không có wifi”

Ở Hà Nội, khắp các nẻo đường ngập tràn quán xá, chỉ cần xuống đường là có ngay một quán trà để uống. Thế nhưng để tìm được một chỗ để có thể “sống chậm” thì không dễ.

Một lần, anh bạn giới thiệu “quán trà không wifi”, tôi thoáng nghĩ giữa thời buổi công nghệ 4.0 như hiện nay, khi wifi dần được phủ sóng miễn phí ở nhiều địa điểm công cộng (nhiều nơi phấn đấu trở thành “thành phố wifi”) mà vào một quán trà thuộc dạng “sang chảnh” lại không có wifi thì kể cũng hơi “bí”.

Chú thích ảnh
Không wifi, khách hàng đến thưởng trà và sống chậm

Hơn nữa, Hà Nội cái gì cũng có, nơi văn minh nhất nhì cả nước, lại có một quán trà “lạc hậu” giữa khu phố cổ sầm uất nhất thế sao?

Bước vào quán, ai cũng ấn tượng trước không gian ấm cúng, và bất ngờ chủ quán tuyên bố hùng hồn:“Ở đây chúng tôi không có wifi”.

“Nói không” với internet, anh Nguyễn Việt Bắc, chủ quán Thưởng trà, còn luôn khuyến cáo những khách hàng của mình không sử dụng điện thoại trong quán.

Sở dĩ anh làm vậy là có lý do. Từng chứng kiến quá nhiều những trường hợp một gia đình 4 người hay nhóm bạn vào quán, mỗi người cầm một chiếc điện thoại mà chẳng ai nói chuyện với ai câu nào. Từ đó, anh quyết định cắt wifi để khách có cơ hội giao tiếp trực tiếp với nhau nhiều hơn.

Trò chuyện với chủ quán - anh Nguyễn Việt Bắc (sinh năm 1984), chúng tôi biết anh là một “kẻ lụy trà”. Dù tuổi đời còn khá trẻ nhưng Nguyễn Việt Bắc đã trở thành cái tên "có số má" trong việc định hình thương hiệu trà Việt.

Tốt nghiệp loại ưu ngành kỹ thuật nhiệt, Nguyễn Việt Bắc từ chối mọi lời mời làm việc của các doanh nghiệp, mà bước chân vào kinh doanh phần mềm. Khi đang gặt hái được nhiều thành công trên lĩnh vực này thì chàng trai 8X quê Quảng Xương (Thanh Hóa) này lại bỏ phắt để quay sang lĩnh vực mới hoàn toàn - làm hồi sinh những giống trà Việt cổ.

Một mình một ngựa, lặn lội trên các cung đường Thái Nguyên - Sơn La - Hà Nội, chàng trai đi thuyết phục các hộ dân giữ lại diện tích trà cổ, định danh rõ ràng sản phẩm của từng vùng được đặt tên khác nhau: Tà Xùa là Lạc Sơn, Ngạnh Ngọc (là một loại hồng trà rất hiếm), Yết Tế; Thái Nguyên có Bạch Hạc…Lặn lội tìm trà, chàng trai trẻ đã làm ra những loại trà rất công phu, nhưng lại… không bán…

Chú thích ảnh
Anh Nguyễn Việt Bắc - ông chủ quán trà "không wifi"

Ngẫm chuyện công nghệ

Ngồi nhâm nhi chén trà quý được chủ quán mời, chúng tôi ngẫm ngợi đến chuyện công nghệ trong sự phát triển của xã hội hiện nay. Nếu phải nói thứ gì đã thay đổi thói quen con người nhiều nhất, thì đó chính là công nghệ: internet, smartphone và hàng trăm thứ công nghệ khác đang dần phổ biến trên toàn thế giới, đem lại cho con người rất nhiều tiện ích đời sống, trong công việc lẫn giải trí.

Nhưng điều ngược lại, công nghệ cũng đem lại hệ lụy cho người dùng, đặc biệt là những người có xu hướng lạm dụng công nghệ.

Tôi nhớ lại kỳ nghỉ Hè vừa qua, anh bạn tôi đưa con gái về quê. Cảnh quê vốn yên bình, không có cảnh người và xe chen chúc ùn tắc dài hàng km, chẳng có những tòa nhà bê tông san sát và cũng chẳng có wifi. Vui ở quê với ông bà được chừng 2 ngày, anh bạn tôi đã phải xin nghỉ để về đón con gái trở lại thành phố. Lý do chính là cháu cảm thấy chán vì không có smartphone và internet, không được truy cập facebook… Nghe mà thấy buồn!

Thế nhưng, chuyện có lẽ chẳng riêng của một ai, chúng ta đã nghe chán những chuyện “nghiện” internet rồi. Mỗi người cầm một chiếc điện thoại kết nối internet, “sống vui” trong thế giới ảo của mình.

Gần đây, nhiều thông điệp được đưa ra nhằm kêu gọi cộng đồng cùng nhau… nói chuyện nhiều hơn thay vì sử dụng điện thoại thông minh, mạng xã hội để tương tác với nhau.

H’Hen Niê từng gửi gắm thông điệp trong câu trả lời ứng xử của mình để xuất sắc trở thành Hoa hậu hoàn vũ 2017. Cô nói: “Mạng xã hội mang đến hai chiều, tích cực và tiêu cực… Xung quanh mọi người còn có nhiều điều tốt đẹp cần chú trọng, gặp người thân, bạn bè, mặt đối mặt thì mới giao lưu được. Hãy hạn chế sử dụng mạng xã hội để nhiều nguồn nặng lượng tích cực hơn, có cuộc sống tích cực hơn”.

Ở quê tôi vẫn là một làng quê yên bình, mọi người trong xóm từ xưa đến nay vẫn có thói quen ngồi quây quần với nhau bên ấm trà nóng. Quê yên bình chẳng có wifi, cũng không có thói quen sử dụng điện thoại khi nói chuyện.

Biết bao nhiêu câu chuyện làm ăn, làng xóm, mùa vụ, bóng đá... được tâm sự với nhau. Chén trà nóng hổi là thứ quà quê nhà nào cũng có mà vẫn trở thành “đặc sản” đãi khách.

Một quán trà không wifi giữa Hà Nội đã tạo ra một thông điệp nhân văn, tạo ra một không gian cho mọi người có thể giao tiếp với nhau nhiều hơn, gắn kết và trao gửi những yêu thương.

Trào lưu quán hàng “không wifi”

Trên thế giới, trào lưu những quán cà phê, quán trà không sử dụng wifi cũng đang trở nên phổ biến ở nhiều thành phố khắp nước Mỹ, rồi ở London (Anh), Vancouver (Canada) và nhiều nơi khác.

Có thể xem đây là cách nhân loại phản ứng trước thực tế chúng ta ngày càng "sống ảo" hơn giao tiếp ngoài thực tế. Bởi sau nhà và công sở, quán trà không wifi chính là nơi lý tưởng để mọi người tìm đến để trò chuyện và dành thời gian bên nhau…

An Đạt

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm