18/04/2020 06:45 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Là người khá kỹ tính về ca từ và gần đây cũng ít khi xuất hiện, nhưng sau khi nghe ca khúc Chiều nay nếu anh không về (sáng tác: Nguyễn Lân Cường; phỏng ý thơ: Vũ Tuấn) phát trên Truyền hình Hà Nội sáng Chủ nhật vừa qua, nhà thơ Vi Thùy Linh đã gửi tới tòa soạn vài viết này. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Xem chuyên đề "Sống chậm cuối tuần" tại đây
1. Với tác phẩm mới nhất của mình - Chiều nay nếu anh không về, nhạc sĩ Lân Cường không phải là nhạc sĩ tay ngang, là nhà khảo cổ học viết nhạc, mà là một nghệ sĩ đích thực từ tư chất, thái độ làm việc, tinh thần sáng tạo... Phẩm tính ấy được bộc lộ tự nhiên, bền bỉ, nhiệt huyết, đắm sayvà rất chuyên nghiệp. Sự chuyên nghiệp và sức trẻ nơi ông là khả năng sáng tác đa dạng nhiều đề tài và chuyển đạt thành công ở nhiều mảng trong lĩnh vực âm nhạc: Sáng tác, chỉ huy, biên tập các tuyển tập nhạc...
Ca khúc mới nhất của ông ra đời tháng 4/2020 - năm mang số đẹp mở đầu thập kỷ mới mà đã gần mất một mùa Xuân vì “bão táp” Covid-19, là một minh chứng đẹp cho sức trẻ của tâm hồn Lân Cường.
Sáng 12/4/2020, tôi nghe lần đầu ca khúc Chiều nay nếu anh không về. Thoạt tiên, tôi hơi "bất an" về nhan đề, bởi từ “về” trong từ vựng Việt rất đa nghĩa, thậm chí có thể là... dự cảm, dự báo, tiên lượng xấu (kiểu như sự chẳng lành). Nhưng nghe rồi mới biết, chỉ là không về nhà chiều nay, cũng có thể là chiều maivà nhiều ngày... vì chống dịch.
23h20 ngày 15/4, tôi lại xem chuyên mục Tác phẩm mới, Ban Văn nghệ VTV1 phát sóng ca khúc Niềm tin của NS Đỗ Hồng Quân, ca sĩ Tùng Dương hát với phần đệm là dàn nhạc. Tình cờ mà 2 tác phẩm lại cùng nhấn mạnh về niềm tin chiến thắng, đều do giọng nam thể hiện. Hội Nhạc sĩ Việt Nam là một trong những hội nghề nghiệp nhạy bén xung kích nhất trong các hội nghề nghiệp nước ta, khi trước đại dịch Covid-19 đã phát động và phát hành sớm nhất tuyển tập tác phẩm về đại dịch chưa từng có của nhân loại.
Nghe xong lần đầu, tôi gọi điện thoại cho tác giả ca khúc Chiều nay nếu anh không về, để chia sẻ cảm xúc và hỏi thêm về bài hát, nhưng máy lại báo tắt. Vậy là tôi quyết định: không gọi nữa, tự cảm nhận bằng suy đoán của độc giả - thi sĩ xem có đúng, trùng ý tác giả hay không. Bất ngờ, viết xong 2h sáng thì bình minh và đã thấy tin nhắn của người đàn ông đa tài. Người sở hữu đôi bàn tay “ma thuật", U80 mà vẫn hăm hở cống hiến. Bàn tay đã cầm hơn 800 bộ xương người cổ để nghiên cứu trong cuộc đời công tác khoa học khảo cổ không có tuổi hưu của mình và không muốn nghỉ ngơi. Bàn tay ấy trước đại dịch vẫn vặn ga xe máy chạy tốc độ 40-50km/giờ như thanh niên khắp những con đường Hà Nội. Bàn tay cầm bút, gõ bàn phím, lướt dương cầm. Bàn tay đã và vẫn nảy những nốt trữ tình trên khuông nhạc sự sống.
Chiều nay nếu anh không về cần được truyền phổ rộng rãi, vang lên nơi "chiến tuyến Covid-19" như lời động viên, mang đến sức mạnh mới cho các chiến sĩ áo trắng, áo xanh, hay cho mọi màu áo đang kề cận hiểm nguy vì trong giai đoạn kịch tính cao trào của đời sống xã hội thử thách loài người.
2. Còn nhớ, nhiều năm trước, tôi đã ấn tượng mạnh khi dự cuộc diễn thuyết về chủ đề các tượng nhục thân thiền sư ở Chùa Đậu, Phật Tích, Tiêu Sơn, cực kỳ lôi cuốn của PGS khảo cổ học Lân Cường tại Paris năm 2007. Và nay, tôi bị thuyết phục trong xúc động về ca khúc thời sự mà ngân vang âm hưởng nhân văn của nhạc sĩ Lân Cường. Giọng hát Lê Anh Dũng quyện bay trong suối dương cầm của NSND Phạm Ngọc Khôi, điêu luyện mà bay bồng, giản dị mà sang quý.
Niềm tin chiến thắng không chỉ là niềm tin sẽ hết dịch bệnh, thế giới yên bình, mà còn là niềm tin về tinh thần đoàn kết, đồng lòng, tương thân tương ái, tình đồng loại, nghĩa đồng bào. Niềm tin của nhân dân trông cậy vào đội ngũ ở tuyến đầu.
Lần thứ 2, tôi nghe lại trên mạng Youtube thì lại càng thấm hơn...Tác phẩm mới của nhạc sĩ Lân Cường có điểm khác biệt và chính điều đó làm nên sự khác biệt trong loạt tác phẩm cùng đề tài ra đời trong mùa dịch Covid-19. Đó là ca từ giàu tính tự sự của nhân vật trữ tình “anh” - người trong cuộc, người đang xông pha tuyến đầu chống dịch. Tôi hình dung “anh” là bác sĩ. Người chiến sĩ áo trắng ấy nhắn nhủ, tâm tình với người vợ đang chờ mong, lo lắng cho chồng mỗi ngày, mong anh về nhà cuối mỗi chiều thành phố lên đèn, gia đình sum họp.
Tiết tấu vừa phải, giai điệu dễ thấm vào cảm xúc mà lại không cũ, không sơ sài. Không dùng câu từ cầu kỳ, biểu tượng ấn tượng mà ca khúc của nhạc sĩ Lân Cường lại khiến tôi xúc động. Nó chứa tải chồng chất thông điệp về sứ mệnh, lương tri, trách nhiệm của nghề nghiệp cao quý và trách nhiệm dấn thân khi Tổ quốc cần. Đấy cũng là lời tâm sự, sẻ chia, động viên người thân và thúc giục chính “anh” dấn bước không quản ngại vất vả, hiểm nguy. Tôi thích nhất đoạn điệp khúc “Em thấy không ...”, cũng là cao trào, điểm nhấn của tác phẩm. Anh cần em thấy, và tin, em thấy đang có nhiều người như anh, sát cánh bên nhau, là đồng đội…
Với tôi, đây là tác phẩm chất lượng, lại kịp thời nhưng không vì thế mà chỉ có giá trị nhất thời. Mỗi lúc mệt mỏi, thậm chí yếu lòng, thì người ở tiền tuyến hay hậu phương đều thấy được tiếp thêm sức mạnh của niềm tin và hy vọng, dù “Chiều nay nếu anh không về” bởi “Anh sẽ lại về, về bên em”…
Nhà thơ Vi Thùy Linh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất