Góc nhìn 365: Ý thức công dân trong mùa dịch COVID-19

10/03/2020 06:56 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Giữa dòng thời sự chủ lưu về dịch Covid-19, thông tin quanh vụ “đánh tráo cách ly” của một lãnh đạo doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Trị đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong ngày hôm qua 9/3.

Chào tuần mới: 'Hà Nội - Niềm tin và Hy vọng'

Chào tuần mới: 'Hà Nội - Niềm tin và Hy vọng'

Tâm điểm sự chú ý của người dân cả nước mấy ngày vừa qua là trường hợp thứ 17 dương tính với Covid-19 ở Việt Nam. Ít nhiều, điều đó khiến cộng đồng cảm thấy hoang mang hụt hẫng - khi mà đã 23 ngày trước đó, cả nước không còn có ca nhiễm mới và chúng ta đang rất hy vọng tới gần ngày công bố hết dịch.

Như những gì được đưa ra, H – tên của “nhân vật chính” – trước đó ngồi trên chuyến bay có chở một hành khách bị phát hiện nhiễm virus Covid-19. Theo quy định hiện có, vị lãnh đạo doanh nghiệp có tên trong danh sách cần cách ly. Để rồi, vào giờ chót, các cơ quan chức năng phát hiện: người tham gia cách ly không phải H, mà là... một nhân viên cấp dưới. Sự việc vẫn đang được tiếp tục làm rõ.

Câu chuyện ấy tất yếu khiến nhiều người liên tưởng tới trường hợp của N, nữ bệnh nhân nhiễm Covid-19 đầu tiên của Hà Nội. N cũng được cho là có dấu hiệu nhiễm bệnh sau chuyến đi nước ngoài, nhưng lại không chủ động khai báo khi nhập cảnh, để rồi từ đó, trở thành tác nhân lây bệnh cho một số trường hợp khác.

Tất nhiên, để có thể đưa ra những kết luận đầy đủ về sự thiếu trung thực của ông H và N, chúng ta có thể sẽ cần chờ thêm những bằng chứng xác thực và thuyết phục. Nhưng, chừng đó là đủ để “hâm nóng” một vấn đề đang được nhắc tới những ngày qua: ý thức của mỗi công dân trong mùa dịch.

***

… Không phải ngẫu nhiên mà cũng trong ngày 9/3, trong cuộc họp thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu cần phải xử lý nghiêm trường hợp khai báo không trung thực hoặc không khai báo theo pháp luật và giao Bộ Tư pháp cùng Bộ Y tế xem xét những trường hợp cụ thể để xử lý theo đúng pháp luật, cần có thái độ dứt khoát để răn đe chung những cá nhân vi phạm, không trung thực khai báo khi đã biết mình có bệnh.

Thực tế đã cho thấy: Dịch Covid-19 chỉ có thể được kiểm soát và ngăn ngừa một cách hữu hiệu khi chúng ta kiểm soát tốt nguồn lây nhiễm. Và để làm được điều ấy, mỗi cá nhân cần có sự hợp tác với các cơ quan chức năng để cung cấp thông tin, cũng như tham gia các hoạt động phòng ngừa một cách tự nguyện và cả theo chỉ định. Việc 16 trường hợp nhiễm virus Covid-19 đầu được phát hiện kịp thời, cách ly và điều trị thành công đã chứng minh điều đó.

Chú thích ảnh
Hành khách làm thủ tục khai báo y tế trước khi nhập cảnh vào Việt Nam tại cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội), chiều 7/3. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Tất yếu, việc thay đổi nhịp sống thường nhật - nếu phải tham gia cách ly - chưa bao giờ là điều dễ chịu với mỗi cá nhân. Và kèm theo đó, thẳng thắn thì rất nhiều người cũng dễ mang tâm lý hoảng sợ, lo ngại và muốn lẩn tránh câu hỏi: liệu bản thân mình có bệnh?

Nhưng rõ ràng, người ta không thể dập tắt dịch bệnh bằng sự lẩn tránh tạm thời - cũng như trước sau vẫn sẽ phải đối mặt với câu hỏi về sức khỏe của bản thân mình.

Có nghĩa, đó không chỉ là vấn đề của mỗi cá nhân, mà còn là trách nhiệm tất yếu trong việc bảo vệ sức khỏe của gia đình, những người xung quanh và toàn xã hội.

***

Thẳng thắn, ở thời điểm những thông tin về dịch bệnh mới bắt đầu manh mún, câu chuyện về ý thức vẫn ít nhiều chưa được đặt đúng với vị trí quan trọng của nó.

Chẳng vậy mà chỉ 2 tuần trước, tại Bình Dương, một cô gái trở về từ vùng dịch Daegu (Hàn Quốc) vẫn có thể hớn hở lên mạng livestream để chia sẻ “bí quyết” khai dối khi nhập cảnh nhằm trốn cách ly của mình – như một thành tích về sự “thông minh” của bản thân.

Còn bây giờ, sau những phản ứng gay gắt mà cộng đồng trút xuống đầu cô gái này - cũng như những trường hợp tương tự về sự thiếu trung thực - rất khó để người ta tin rằng sẽ lại có một ai đó tiếp tục khoe chiến tích một cách… hồn nhiên như thế.

Chú thích ảnh
Khu vực cách ly. Nguồn: Internet

Bởi, trong những ngày qua, chúng ta đã có dịp đi từ thái cực này sang thái cực khác khi đón nhận những thông tin về dịch Covid-19. Chúng ta đã từng rất vui mừng và hy vọng, khi mà Việt Nam đang nhích dần đến thời điểm công bố hết dịch, với những nỗ lực rất hiệu quả để khống chế sự lây lan và không để có thêm ca nhiễm mới trong hơn 3 tuần. Để rồi, sự thay đổi trước một khúc quanh mới trên hành trình chống dịch, đã giúp chúng ta nhận ra: Cuộc đấu tranh chống dịch Covid-19 không đơn giản, và cần sự hỗ trợ từ rất nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề về ý thức.

Cần nhắc lại, trước Việt Nam, nhiều quốc gia cũng đã có những bài học đau đớn về sự thiếu ý thức của một vài cá nhân trong mùa dịch - mà trường hợp bệnh nhân thứ 31 của Hàn Quốc là ví dụ điển hình.

Nỗ lực của cả cộng đồng chỉ có thể không trở nên vô ích, nếu mỗi cá nhân biết tự vượt qua sự ngần ngại của bản thân và làm tròn trách nhiệm của mình trong mùa dịch.

Sơn Tùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm