Đừng quên chuyện rác

05/11/2020 07:05 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Tính đến hôm nay người Hà Nội vừa có tròn 10 ngày sống... bình thường, kể từ khi các hộ dân quanh bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn) giải tán và mở đường cho xe chở rác vào bãi. Còn 3 ngày trước thời điểm bình thường ấy tất nhiên là... không bình thường, khi lượng rác thải (khoảng 5000 tấn/ngày) bị ngăn chặn và không thể trút xuống đây.

Xe đã có thể vận chuyển rác vào khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, Hà Nội

Xe đã có thể vận chuyển rác vào khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, Hà Nội

Đêm 26/10, ông Phạm Văn Minh, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết, khoảng 20h cùng ngày, các phương tiện đã có thể chở rác vào khu Liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (bãi rác Nam Sơn) để xử lý theo quy định trước đây.

Cái sự “không bình thường ấy” đã được dư luận nhắc tới nhiều, với những bức ảnh chụp các đống rác bị ùn ứ tại nội đô Hà Nội. Nhưng, xa hơn thế, đó còn là câu chuyện về một mắt xích bị ngừng lại và ảnh hưởng tới nhịp vận hành mỗi ngày của một đô thị lớn.

Thực ra, đây là lần thứ 2 trong năm 2020 - và là lần thứ 15 trong vài năm qua - người dân quanh bãi rác Nam Sơn làm điều này. Vắn tắt, câu chuyện vẫn được họ giải thích bằng sự bức xúc kéo dài từ nhiều năm qua, quanh những bất đồng với chính quyền địa phương về các vấn đề đền bù, di dời và tổ chức tái định cư cho những hộ dân sống quanh bãi rác.

Chú thích ảnh

Tất nhiên, cách phản ứng ấy không thể nhận được sự đồng tình từ dư luận. Nhưng ở chiều ngược lại, cũng dễ hiểu khi nhiều người bày tỏ sự thông cảm và ái ngại với nỗi bức xúc của những hộ dân tại đây.

Riêng người viết khá chú ý tới chia sẻ của một người dân Nam Sơn trên mặt báo. Rằng, thay vì cụm từ “bãi rác”, anh mong dư luận gọi đúng cái tên trên giấy tờ của nó - khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn - để các hộ dân bản địa khỏi... chạnh lòng.

Quả thật, về bản chất, rác là những thứ bỏ đi và không còn hữu dụng trong cuộc sống. Để rồi, từ cái sự “bỏ đi” ấy, chúng ta cũng rất thoải mái gắn kèm khái niệm này với những gì thấp kém mà mình bắt gặp. Và dù rất khó có chuyện... quên đổ rác mỗi ngày, phần đông trong chúng ta cũng không mấy quan tâm tới hành trình tiếp theo của nó, trong chặng đường di chuyển và “biến mất” khỏi đời sống thường nhật.

Nhưng tất nhiên, khi mọi thứ không thể tự mất đi, đô thị vẫn cần những con người và không gian đặc thù để làm cái việc tất yếu: Giải quyết những thứ rác bẩn và không còn hữu dụng. Và ở một xã hội càng phát triển, những con người chịu thiệt thòi vì công việc ấy càng cần được quan tâm để đảm bảo sức khỏe và quyền lợi của mình.

***

Trò chuyện với người viết, KTS Trần Huy Ánh (Hội KTS Hà Nội) từng nhiều lần nhắc đến một nhận xét từ 15 năm trước của GS Nguyễn Lân, nguyên Kiến trúc sư trưởng đầu tiên của Hà Nội. Ở thời điểm ấy, vị GS này đã sớm khẳng định: Hà Nội đang rất thiếu đất để chôn rác và làm nghĩa trang.

Để rồi, theo thời gian, nếu những không gian dành cho nghĩa trang xuất hiện nhiều hơn và được cải thiện tốt hơn - với nhu cầu ngày một tăng của người dân và sự nhạy bén của những đơn vị xã hội hóa - thì câu chuyện của rác thải lại không được cải thiện bao nhiêu. Thực tế, chúng ta chủ yếu vẫn sử dụng hình thức chôn lấp rác thải theo kiểu “truyền thống”, với một chút thay đổi về hệ thống thu gom và vận chuyển.

Đó là một vấn đề đang lưu tâm, khi mà công nghệ thế giới đang tiến hóa hàng ngày và cho phép đưa ra những giải pháp hấp dẫn trong câu chuyện xử lý rác thải. Đơn cử, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, có tới 98% thành phần rác ở Hà Nội có thể tái dụng được vào các mục đích khác nhau (như tái chế, làm chất đốt tạo điện năng hay san lấp mặt bằng) và chỉ có 2% có thể độc hại phải xử lý đặc biệt… Và, nếu có sự đầu tư phù hợp về công nghệ, cũng như các giải pháp đi kèm, đó không phải là một câu chuyện bất khả thi với rác thải của một Hà Nội trong tương lai.

Tất nhiên, đi kèm với ước muốn ấy phải là những giải pháp và dự án từ sự đóng góp đa ngành của các nhà khoa học đô thị, nông nghiệp, kinh tế - cũng như những cơ chế phù hợp để thu hút nguồn lực xã hội hóa. Nhưng chắc chắn, đó mới là giải pháp căn cơ và bền vững cho một đô thị của thế kỷ 21.

Chúng ta đừng vì mười ngày bình thường vừa qua mà quên đi câu chuyện của một thứ tưởng chừng “hạ cấp” như rác thải.

Anh Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm