Chưa hiểu bảng chữ cái tiếng Việt, xin đừng thêm F,J,W,Z

12/08/2011 10:25 GMT+7

(TT&VH) - Đề xuất thêm 4 ký tự (F, J, W, Z) vào bảng chữ cái tiếng Việt vừa qua khiến tôi phải mày mò lặn lội vào chuyên ngành ngôn ngữ học, hy vọng có thể hiểu được phần nào đề xuất gây sốc này. Và tôi bất ngờ nhận ra rằng, người ta đã hiểu sai hoàn toàn về các khái niệm căn bản của tiếng Việt khi đưa ra đề xuất này.

1. Trong bài “Mở rộng bảng chữ cái đến đâu?” đăng trên TT&VH số vừa qua, tôi đã thắc mắc, tại sao 4 ký tự không tham gia vào việc “đánh vần” tiếng Việt lại được đưa vào bảng chữ cái, “sánh ngang” với 29 chữ thông dụng?

Nghi ngờ đó là có cơ sở. Để đưa 4 ký tự vào bảng chữ cái, ta phải hiểu thế nào là “chữ cái”. Cuốn “Đại từ điển tiếng Việt” của Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam (Bộ GD&ĐT) do Nguyễn Như Ý chủ biên đã định nghĩa như sau: “Chữ cái (dt): Ký hiệu dùng để ghi âm vị và những biến thể của nó trong chữ viết ghi âm”.

Như vậy, chỉ những ký hiệu để ghi “âm vị” tiếng Việt mới được gọi là chữ cái tiếng Việt. “Âm vị” tiếng Việt như chúng ta biết là đơn vị ngữ âm nhỏ nhất có chức năng khu biệt nghĩa (tiếng Việt có 23 phụ âm, 16 nguyên âm, 2 bán nguyên âm). Những “âm vị” này được ký hiệu bằng các chữ cái quen thuộc, tất nhiên không có 4 chữ F, J, W, Z.

2. Đến đây đặt ra một vấn đề lớn và nghiêm trọng, nếu ta đưa chúng vào bảng chữ cái tiếng Việt (như một sự mở rộng) thì phải trao cho chúng đầy đủ chức năng của những “chữ cái” (đúng theo định nghĩa về “chữ cái”), tức là chúng sẽ được dùng để “ghi âm vị” tiếng Việt. Điều đó có nghĩa là chữ cái “f” được quyền thay thế chữ “ph” trong việc ghi âm vị có cách phát âm là “phờ”; chữ “j”, “z” được phép thay thế “d, gi, r”... Như thế là toàn bộ cách viết tiếng Việt phải thay đổi theo. Hệ lụy khôn lường. Nghe như sét đánh giữa trời quang.

Tất nhiên, có một cách khác nữa, đó là sửa lại Từ điển tiếng Việt, thay đổi định nghĩa về “chữ cái”. Nhưng xem ra cách này phản khoa học, vì một khái niệm khoa học phải được định nghĩa thống nhất trong toàn ngành, thậm chí trên thế giới, không thể thay đổi tùy tiện, một mình một kiểu, gọt chân cho vừa giày.

3. Nói một cách công bằng, đề xuất công nhận 4 ký hiệu F, J, W, Z không phải là không có lý, bởi đó là những ký tự được sử dụng khá thông dụng trong hội nhập quốc tế, dễ thấy nhất là trong toán học hoặc trong các từ nước ngoài. Nhưng chỉ có thể công nhận chúng là những “ký tự chính thức” trong các văn bản thôi, chứ không thể liệt chúng vào “bảng chữ cái tiếng Việt”. Đã là “chữ cái” thì liên quan đến cách ghi “âm vị”, cách ghép âm, không thể tùy tiện.

Xem ra trước khi “cải cách” tiếng Việt thì phải hiểu tiếng Việt đã, mà để hiểu tiếng Việt thì trước hết phải hiểu từ “chữ cái” trở lên.

Ngô Khởi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm