Chào tuần mới: 'Sen tàn cúc lại nở hoa...'

17/08/2020 07:00 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - “... Sầu dài, ngày ngắn, Đông đà sang Xuân”. Chỉ 2 câu thơ, Nguyễn Du đã tinh tế gói gọn 1 năm 4 mùa, trong chớp giật của thời gian, vốn không đợi ai.

Chào tuần mới: 'Sức dân' trong mùa dịch

Chào tuần mới: 'Sức dân' trong mùa dịch

Đại dịch Covid-19 một lần nữa cho thấy nếu sức dân được đánh thức, sẽ tạo nên một nguồn lực vô biên để vượt qua mọi khó khăn.

Những ngày này, hẳn chúng ta cũng nghe nhiều cảm thán từ thân hữu, nhất là những người kinh doanh, tựu trung, giữa quý 3 rồi, 1 năm còn lại chẳng bao nhiêu mà dịch bệnh còn đang ảnh hưởng quá lớn đến công việc làm ăn.

Đấy là tầm cá nhân, tổ chức nhỏ. Phạm vi tập đoàn, hoặc vĩ mô hơn là đất nước, chèo chống sao để duy trì và vượt lên, quả là trọng trách quá nặng nề. Bởi, từ cổ đến kim, thiên tai, dịch họa thường kéo theo các tác động tiêu cực lên toàn xã hội.

Không biết đến bao giờ, chúng ta mới được thoải mái gặp gỡ nhau. Ôi mùa Thu, mùa của lá vàng mơ mộng: “Có chắc mùa Thu lá rơi vàng tiếng gọi/ Lệ mừng gặp nhau xôn xao phím dương cầm”. Vậy mà nhiều người đã phải quen với việc "giữ khoảng cách" để chống dịch ở các mức độ khác nhau như: Đeo khẩu trang nơi công cộng, tránh tụ tập đông người, giữ khoảng cách tối thiểu 1 mét khi tiếp xúc, không ra khỏi nhà khi không cần thiết, hoặc một số nơi phải giãn cách xã hội, hoặc thậm chí có nơi bị phong tỏa. Nhiều con phố vắng lặng đến nao lòng.

Chú thích ảnh
Người dân thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang nơi bến xe, ga tàu. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN

Dịch bệnh khởi phát từ cuối mùa Đông, đầu Xuân năm 2020, mùa Hè này tưởng đã yên ả chút thì Thu về lại bùng phát. Chúng ta đã chứng kiến sự tàn phá khủng khiếp của con virus tai quái kia, ở mọi lĩnh vực, đã ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi gia đình. Những thành phố lớn đã có số người nhiễm tăng đáng lo. Nhiều tỉnh duyên hải miền Trung vốn cậy nhờ vào du lịch, như Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa, đang phải gồng mình chống dịch.

Nhiều chuyên gia tiên liệu đỉnh dịch Covid-19 tại Việt Nam có thể sớm qua. Dù thế, dự báo vẫn chỉ là dự báo, khi biến thể con virus quá phức tạp nên tâm lý phải "chiến đấu lâu dài" đã sẵn sàng với mọi người.

Tuần qua, đã có 2 tin nên gọi là đáng vui. Việt Nam hoàn thiện quy trình sản xuất vắc-xin Covid-19, chuẩn bị cho tiêm thử nghiệm trên người; Bộ Y tế đã đăng ký mua vắc-xin của Nga và Anh. Tuy nhiên, việc cung cấp vắc-xin phụ thuộc vào tiến độ thực hiện các thử nghiệm lâm sàng của nhà sản xuất.

Tin vui nữa là TP Buôn Ma Thuột kết thúc cách ly xã hội từ 0h ngày 17/8.

Chú thích ảnh
Việt Nam tăng cường nghiên cứu phát triển Vắc xin COVID-19. Ảnh: TTXVN

  ***

Ngày 15/8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chủ trì cuộc họp thảo luận các giải pháp để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm ổn định xã hội trong tình hình hiện nay. Chúng ta cùng đọc và suy ngẫm những chỉ số đáng chia sẻ.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, có tới 17,6 triệu người bị giảm thu nhập do dịch bệnh COVID-19.

Số doanh nghiệp đăng ký tạm dừng kinh doanh trong 7 tháng đầu năm tăng 41,5%. Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

Tại buổi thảo luận, các chuyên gia kinh tế cho rằng, hiệu quả các gói hỗ trợ thời gian qua chỉ ở mức vừa phải.

Chẳng hạn gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng mới triển khai được hơn 11 ngàn tỷ đồng, là đạt tỷ lệ quá thấp; có tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm khiến việc triển khai hỗ trợ bị chậm trễ. Các chuyên gia cho rằng cần có tổng kết đầy đủ những kết quả cũng như hạn chế của gói hỗ trợ lần này để rút ra những điều chỉnh cần thiết.

"Về nguyên tắc, chính sách lần 2 phải bao quát toàn diện các đối tượng, phải đủ lớn, đủ mạnh để tác động ngay, kích thích tăng trưởng kinh tế. Các chính sách đều phải gắn đến quản lý cơ cấu các ngành, lĩnh vực, phải gắn với tái cơ cấu và những lĩnh vực liên quan. Gói hỗ trợ phải đảm bảo đa mục tiêu chứ khôngchỉ hỗ trợ, kích thích kinh tế” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Chúng ta cùng chờ xem chính sách lần 2 hỗ trợ các đối tượng ảnh hưởng từ Covid-19 sẽ hiệu quả đến đâu. Chúc quý vị một tuần mới an lành, mong 2 câu thơ của cụ Nguyễn Du chỉ đơn thuần là sự chuyển biến các mùa theo quy luật tự nhiên, chứ không trĩu nặng nỗi lo âu.

Hữu Quý

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm