Chào tuần mới: Trở về 'bình thường mới' thế nào?

04/05/2020 07:17 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Thuật ngữ “bình thường mới” được mọi người biết đến vào năm 2010, sau khi xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008. Cảm nhận được mức nghiêm trọng và khác lạ của sự kiện, lúc bấy giờ các chuyên gia thế giới dự đoán rằng kinh tế thế giới sẽ chuyển sang trạng thái bình thường khác lạ hơn và gọi là “New normal” - bình thường mới, tức là phải nhìn ra những điều cần thay đổi để thích ứng trong điều kiện mới.

Nhân lên ý chí, sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19

Nhân lên ý chí, sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19

Trong những ngày này, nhân dân cả nước đang vui mừng kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2020). Đất nước sau 45 năm thống nhất liên tục đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện ở tất cả các lĩnh vực: phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, công tác đối ngoại và xây dựng, củng cố hệ thống chính trị; các nhiệm vụ về bảo đảm an sinh xã hội, chính sách người có công...

Việt Nam chúng ta bước sang giai đoạn mới sau hơn 100 ngày đồng lòng đoàn kết, vất vả chiến đấu chống đại dịch Covid-19. Nhưng phía trước vẫn còn nhiều thách thức, vẫn cần mọi người phải có những hành động để bảo vệ bản thân và cộng đồng, tiếp tục làm các công việc để ổn định cuộc sống trong trạng thái “bình thường mới”.

Cá nhân tôi cũng đã ít nhất một lần được trải nghiệm chuyển đổi trạng thái cuộc sống, đó là những ngày mới xuất ngũ trở về địa phương cách đây gần 30 năm. Từ việc đang quen với cuộc sống kỷ luật nghiêm ngặt, giờ nào việc đấy, ăn uống hàng ngày không phải lo lắng. Lúc đó phải trở về nhà với cuộc sống tự lập, tự tìm kiếm việc làm, tìm trường để học thêm kiến thức, nói thật cảm giác ban đầu cũng bỡ ngỡ, lạ lẫm.

Cũng mất một thời gian quyết tâm gạt bỏ nhiều thói quen sinh hoạt cũ không còn phù hợp để thích nghi với cuộc sống đời thường, để quen với cơ chế thị trường. Nghĩ lại cũng thấy thực sự rất vất vả.

Tháng 5 này trên toàn quốc, chúng ta cũng sẽ phải có những chuyển đổi trạng thái. Bắt đầu từ các em học sinh. Các trường học mở cửa trở lại, học sinh sẽ đến trường học với những yêu cầu mới, phải đảm bảo giảm, giãn số học sinh trong phòng học, bố trí lệch giờ học, ăn trưa, sinh hoạt tập thể bảo đảm không tập trung đông người; thực hiện khử trùng, vệ sinh lớp học; kết hợp học trực tuyến, thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho học sinh.

Chú thích ảnh
Học sinh trở lại trường học. Ảnh: Đức Tưởng- TTXVN

Với các hộ kinh doanh, UBND TP Hà Nội yêu cầu các cửa hàng kinh doanh, dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị tại các quận nội thành, thị trấn, khu đô thị mới trên địa bàn (trừ các cửa hàng kinh doanh ăn uống, thuốc chữa bệnh, xăng dầu, kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hoa quả trong các chợ) chỉ được mở cửa sau 9h sáng hằng ngày để hạn chế tiếp xúc, giảm mật độ giao thông tại các khu vực đô thị. Đồng thời, cấm toàn bộ các hoạt động, hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh bán hàng dưới bất kỳ hình thức nào.

Vận tải hành khách công cộng giai đoạn này sẽ gặp khó khăn nhiều hơn vì phải tuân thủ số lượng hành khách mỗi chuyến theo quy định, tần suất hoạt động sẽ giảm. Người dân thì nên duy trì thói quen chỉ ra đường khi có việc, linh hoạt trong việc lựa chọn phương tiện giao thông đi lại cho phù hợp.

Nhưng vấn đề được quan tâm nhiều nhất hiện nay chính là công ăn việc làm cho người lao động. Ngày Quốc tế lao động 1/5 năm nay có lẽ là đáng ghi nhớ do tác động của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến công ăn việc làm của người lao động trên toàn thế giới. Tổ chức lao động quốc tế ILO đánh giá có khoảng gần 1,6 tỷ người có nguy cơ bị mất việc làm do đại dịch mà mất việc làm đồng nghĩa với việc kéo theo nhiều vấn đề bất ổn an sinh xã hội.

Tại Việt Nam, theo Tổng cục thống kê thì giữa tháng 4 có gần 5 triệu người lao động bị ảnh hưởng do đại dịch. Gần 67% các doanh nghiệp phải áp dụng các hình thức cắt giảm lương hoặc là cho nghỉ luân phiên, nghỉ không lương, giãn việc để cố gắng tồn tại. Cho nên, với trạng thái “bình thường mới”, bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, của những tổ chức từ thiện, mỗi cá nhân và doanh nghiệp cũng cần phải có những thay đổi phù hợp để tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chú thích ảnh
Người dân đổ về Thủ đô sau dịp nghỉ Lễ 30/4 và 1/5. Ảnh: TTXVN

Làm quen với cái mới thì ban đầu sẽ có những khó khăn, mà điều khó nhất chính là tránh không để những thói quen cũ lặp lại. Cho đến giờ phút này, chuyện dịch bệnh có bùng phát trở lại hay không là điều không thể nói trước. Vì vậy, đòi hỏi mỗi cá nhân cần phải có sự thay đổi hay nói cách khác là “nâng cấp” nhận thức cho phù hợp với thực tế để hòa nhịp với cuộc sống đời thường sau những ngày phải giãn cách xã hội.

Ví dụ cho vấn đề này chính là tai nạn giao thông bùng phát trở lại trong kỳ nghỉ lễ vừa qua. Sau 2 ngày 30/4 và 1/5, số liệu thống kê trên cả nước cho thấy đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, làm chết và bị thương nhiều người.

Tại các cửa ngõ ra khỏi TP.HCM và Hà Nội, các phương tiện giao thông tắc nghẽn khi kỳ nghỉ bắt đầu, hay là tại các điểm du lịch nghỉ mát cũng đông cứng người khiến cho quy định phải đeo khẩu trang, không tụ tập đông người bị ảnh hưởng. Đây cũng là những thói quen “cũ” không phù hợp với trạng thái “bình thường mới”.

Thay đổi thói quen tiêu dùng, chi tiêu tiết kiệm hơn, hạn chế đi xa khi không cần thiết, tránh tụ tập đông người, duy trì thói quen đeo khẩu trang nơi công cộng, tăng các tương tác online cho những công việc không cần giao tiếp trực tiếp. Đấy có thể coi là những hành động mỗi người cần phải tiếp tục duy trì trong trạng thái “bình thường mới”. Đó cũng là biện pháp phòng chống dịch bệnh chắc chắn. Giữ được mình bình an thì mới có thể làm các việc khác được tốt.

Xuân An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm