Tôi đi xem derby Milano

05/10/2008 09:17 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH Cuối tuần) - Milano là gì trong thế giới calcio? Trận derby có ý nghĩa như thế nào đối với cái thế giới ấy, và liệu các tifosi có chết ngợp trong cái không khí hoành tráng và sặc mùi khói pháo ấy? Tôi đặt ra những câu hỏi ấy trong lần đầu tiên xem trận derby Milan-Inter. Và tôi đã có câu trả lời.

Ta phải làm gì khi ngồi trên sân, trong một trận derby uy tín và đầy quyến rũ như thế, sự quyến rũ không phải như khi ta nhìn một người phụ nữ đẹp, mà giống như khi nhìn thấy và sờ vào những cơ bắp cuồn cuộn của một chiến binh La Mã ? Tôi tự hỏi thế và tôi tự tìm cách trả lời sau khi leo có đến 2 cây số hành lang và bậc thang dẫn lên hàng ghế cao nhất trên khán đài của San Siro, để từ đó phóng tầm mắt ra khắp mặt cỏ xanh xanh phía xa, đến khán đài Nam, nơi các Milanista đang ngồi hát, đến các “tribuna” (khán đài giữa sân), nơi các VIP đang ngồi.

Tôi bịt tai và nhắm mắt lại trong giây lát, rồi mở hết ra và thú nhận với chính mình, rằng đây là sự thực. 10 năm tôi làm bóng đá Italia, bình luận trực tiếp và không trực tiếp hàng trăm trận đấu, đã trải qua những giây phút thăng hoa tột đỉnh khi đội tuyển Italia đoạt Cúp vàng thế giới, đã từng xúc động đến nghẹn ngào khi lần đầu tiên được ngồi trên khán đài của sân Olimpico ở Roma, được tận mắt nhìn thấy những thần tượng của mình dưới sân, nhưng đây là lần đầu tiên tôi có cảm giác tim đập nhanh hơn, máu như sôi lên sùng sục và mắt như hoa lên bởi biết bao sắc màu nhìn thấy, tai ù đi vì tiếng nhạc ầm ỹ phát trên loa. Trận derby trong 90 phút sắp tới là 10 năm bình luận và viết về bóng đá Ý của tôi cộng lại, dồn về trong một đêm. Cảm giác ấy giống hệt như tôi đã từng có khi đang đợi giờ phút chuyển giao năm cũ khi Giao thừa đang từng tích tắc một nhích đến gần hơn nữa. Cảm giác ấy đã không còn nữa khi tôi lớn lên, rời khỏi gia đình và bay đến một phương trời khác.
 
 
Mang theo cờ của AC Milan, tôi tiến vào San Siro
 
Con gái tôi, một CĐV nhí Việt Nam đặc biệt ở San Siro
 
Nhưng để có được trận đấu ấy là cả một nỗi nhọc nhằn. Vé kiếm được đâu phải dễ dàng như ta ăn một bữa cơm. Hàng trăm nghìn tifosi của 2 đội lùng sục những tấm vé được bán ra qua mạng của ngân hàng Banca Intesa, không biết bao nhiêu người đã chầu chực ở các quầy bán vé trước sân San Siro. Dăm vụ ẩu đả vì chen hàng đã được ghi nhận, các phe vé bị quét sạch ở sân nhưng lại rao bán trên mạng một cách chuyên nghiệp, và để có được 3 tấm vé, tôi đã phải nhờ một sinh viên xây dựng người Việt Nam sống và học tập ở Lecco, cách Milano 50 cây số. Cậu này (tên là Hưng) dùng hộ chiếu của một tay sinh viên người Ukraina (một anh chàng có tên Pavlo Galaganov nào đó) và một sinh viên Philippines (có tên Mark Anthony Baquir) để kiếm cho tôi 2 vé còn lại, trong một cuộc chạy đua với thời gian, với những tifosi khác để có được vài nghìn vé lẻ còn sót lại.
 
Nhưng vào được đến sân lại là chuyện khác. Đến giờ chót tôi mới biết trẻ con phải mua vé (2 euro), mà loại vé ấy thì mấy cô bán vé xinh đẹp ở quầy vé đều lắc đầu bảo đã hết từ một tuần nay. Tôi đã phải xin xỏ ngon ngọt lắm mấy cậu soát vé mới cho cô bé con tôi (sắp tròn 5 tuổi) vào sân. Trở ngại cần vượt qua bây giờ là chiếc cổng sắt quay điện tử. Con bé con phải nép người vào Hưng để đi qua cánh cổng ấy, nhưng chân bước chậm quá, bị kẹt, khóc thét lên, khiến mấy tay cảnh sát đứng đó chú ý. May thay, con bé không sao, và trò lậu vé của chúng tôi được cảnh sát chiếu cố cho qua. Ai lại nhẫn tâm đi bắt một đứa bé ngồi ngoài sân trong khi bố mẹ nó đang xem một trận derby hoành tráng đến thế. Con gái tôi vào sân Olimpico cho trận Roma-Real Madrid (lần đầu tiên trong đời, nó biết SVĐ là gì, khi đang bị bố “đầu độc” bằng thứ tình yêu của bố nó) mà chẳng ai hỏi vé, lại còn được các cô chú carabinieri (quân cảnh) dẫn vào bằng một cửa đặc biệt chỉ dành cho VIP. Thế mới biết, bóng đá ở miền nam Ý khác với miền bắc đến thế nào.
 
Khán đài phía Nam, nơi tập trung của CĐV AC Milan
 
Ở Roma, tôi không có cảm giác đến sân bằng tàu điện ngầm và xe bus. Chúng tôi bao giờ cũng đỗ xe ở gần Bộ ngoại giao Italia (đỗ xe “bậy”, không trả tiền), nhưng cách tốt nhất để đến San Siro là nhảy lên những chuyến metro ngày càng chật người khi đến ga gần sân nhất. Từ đó, chúng tôi nhảy lên những chuyến xe bus đặc biệt chỉ dành cho các tifosi đến sân. Dĩ nhiên, không một CĐV nào trả tiền vé, bởi nhà nước đã trợ giá cho hoạt động ấy. Người ta phải làm thế nào để giải tỏa giao thông một cách nhanh nhất trong những ngày có những trận đấu kinh khủng như thế này.
 
Một cái liếc nhanh: đi metro và bus ở Milano là cách rất tốt để hiểu Milano ra sao. Một nửa chuyến tàu và xe bus toàn người nước ngoài. Khách du lịch có, những tifosi đặc biệt như chúng tôi di chuyển từ phía nam lên cũng có, nhưng chủ yếu là dân nhập cư. Đó là lí do tại sao Inter, một đội bóng mà số cầu thủ Ý trong đó trở thành một thiểu số tội nghiệp, được người nhập cư ở đây hâm mộ đến thế. Đội bóng của Moratti trở thành một biểu tượng của xã hội Ý cởi mở. Milan khác hẳn. Luôn có những cầu thủ người nước ngoài xuất sắc nhất trong hàng ngũ của nó, nhưng Milan chưa bao giờ mất đi chất Ý.
 
Trận đấu diễn ra. Những cầu thủ trông xa như những con kiến đang bò trên sân. Hai vị HLV đứng bên đường piste chắc phải dùng ống nhòm mới thấy rõ được mặt, chỉ biết người có mái tóc bạc là Ancelotti, thì chắc người kia là Mourinho. Khán đài chúng tôi nằm ở vị trí cao nhất và xa sân nhất, nhưng không phải vì thế mà nó mất đi chất sống.
 
Chứng kiến trận đấu từ khán đài
 
Các tifosi không ngừng ca hát, vẫy cờ và đốt pháo sáng, chăm chú nhìn xuống phía dưới dù không thể nhìn rõ như những người ngồi gần mặt sân hơn. Thế cũng là toại nguyện lắm rồi, bởi khi đến sân, mục tiêu tối thượng của người CĐV không phải là chứng kiến tận mắt trận đấu (ngồi nhà xem tivi sướng hơn nhiều), mà là để sống trong không khí cuồng nhiệt đến tột đỉnh ở sân đấu, để giải tỏa hết những ức chế kìm nén trong lòng, để được sống, được vui và được buồn bã như tất cả những người khác xung quanh mình, thậm chí, để làm quen với những người bạn mới, mà vì cùng sẻ chia một tình yêu chung nay đã nên thành bạn, dù chỉ một đêm derby rồi lại chia tay nhau.
 
Niềm vui của CĐV AC Milan khi Ronaldinho ghi bàn
 
Bàn thắng. Ronaldinho.Cả San Siro rung chuyển trong niềm vui chiến thắng. Các CĐV Inter ngồi ở hàng dưới chúng tôi nín lặng trong giây lát rồi bắt đầu ca lên bài ca của họ. Họ hát suốt trận đấu không biết mệt mỏi. Họ hy vọng Mourinho và những phép mầu của ông sẽ đưa Inter đến chiến thắng. Nhưng đêm hôm ấy, Mourinho chỉ là một người bình thường. Inter thất bại, trận đầu tiên của mùa bóng mới, trận đầu tiên dưới triều đại Mourinho. Vị HLV người Bồ Đào Nha đã đem đến Inter và các CĐV của họ biết bao hy vọng và ảo tưởng, để rồi chỉ sau một tháng kể từ ngày mà trái bóng của mùa bóng mới bắt đầu lăn, đã rạn vỡ chút đỉnh từ một thất bại mà họ không chờ đợi. Ngồi cách tôi chừng dăm mét là một cậu Interista, hôm ấy đi xem derby cùng với một người bạn là Milanista. Họ ngồi cạnh nhau, một người mừng khôn xiết và hò reo cổ vũ Milan chiến thắng, người kia chửi thề sau những pha hỏng ăn của đội bóng mình yêu mến và ngồi ủ rũ khi tiếng còi kết cuộc vang lên.
 
Bảng điện tử thể hiện tỷ số 1-0 và tác giả của bàn thắng
 
Sáng hôm sau, tôi rời Milano. Thành phố này chẳng có vẻ gì của việc vừa diễn ra một trận derby nảy lửa tối hôm trước. Người ta có biết bao nhiêu điều cần phải lo nghĩ khi trái bóng derby không còn lăn nữa. Niềm đam mê bóng đá không bao giờ chết, nhưng giờ phải nhường chỗ cho những lo toan của cuộc sống.
 
Những người bạn Italia vui tính trên sân San Siro
 
Xe chạy trên đường A1 xuyên nước Ý. Những trạm nghỉ hết sạch báo thể thao. Các tay lái xe đọc ngốn ngấu những gì người ta viết về trận đấu. Màn hình tivi chiếu lại những pha gay cấn nhất của derby. Trận đấu sống lại qua những dòng chữ trên báo, qua những suy nghĩ trong đầu, trong cả sự tiếc nuối lẫn niềm vui của kẻ thất bại và người thắng cuộc. Lịch thi đấu đã tạo cho các tifosi một cảm giác thích thú khi được xem những trận đấu lớn ngay từ khi giải mới bắt đầu. Tôi chưa biết trận derby lượt về tôi có đến San Siro lần nữa không, nhưng tôi tin, là nếu Milan lẫn Inter càng vào sâu hơn ở Cúp châu Âu mùa này, tôi sẽ càng có nhiều cơ hội để lên phía bắc, đến với bóng đá và cuộc sống ở nơi ấy, để thỏa mãn nỗi đam mê bóng đá không bao giờ vơi cạn của mình.
 

Anh Ngọc (Phóng viên TTXVN tại Italia)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm