20/12/2020 06:51 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 12/1/2013, SVĐ Cao Lãnh đã từng được tái hiện trận cầu lịch sử: Trận chung kết giải VĐQG năm 1996 giữa CLB Đồng Tháp và Công an TP.HCM (cũ). Hàng vạn khán giả xứ bưng biền đã kéo đến Cao Lãnh như trẩy hội, để được chứng kiến cặp song sát Lê Huỳnh Đức - Trần Minh Chiến, đối đầu với Trần Công Minh, Thanh Nhạc, Huỳnh Quốc Cường, Công Nhậm...
Vào lúc 14h00, ngày 20/12 tới đây, một sự kiện tương tự như thế cũng sẽ diễn ra ở sân Hàng Đẫy: Trận đấu tái hiện 25 năm, một giai đoạn lịch sử các cuộc đối đầu Công an Hà Nội - CLB Quân Đội trước đây, từ Hàng Đẫy đến Cột Cờ.
Khúc tráng ca derby ngày ấy...
Giai đoạn 1995-2000 có thể nói là thời kỳ hoàng kim của bóng đá Việt Nam, kể từ sau hội nhập trở lại (1989-1991). Hệ thống giải VĐQG có tách và lên xuống hạng, với rất nhiều các cái tên đã được ghi vào biên niên sử. Bắc có Thể Công (CLB Quân Đội), Tổng cục Đường sắt, Nam Định và các đội bóng thuộc ngành Công an như Công an Hà Nội, Công an Hải Phòng, Thanh Hóa... Nam có Cảng Sài Gòn, Công an TP.HCM, Hải Quan, Đồng Tháp, Long An. Dải đất miền Trung là SLNA, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định...
Tại sao nói đó là thời kỳ cực thịnh của bóng đá Việt Nam, dù vẫn còn cơ chế bao cấp? Chúng ta có chiếc HCB SEA Games 1995 và đó là cơ sở để thu hút nguồn lực đầu tư vào bóng đá. Đội bóng Công an TP.HCM là một trong những tiên phong có được những nhà tài trợ như Pepsi Cola Việt Nam... Ngoài cơ chế tương đối thoáng, thì Công an TP.HCM còn có trong đội hình đầy đủ những ngôi sao như Lê Huỳnh Đức, Trần Minh Chiến, Liêm Thanh, Chí Bảo, Chu Văn Mùi, Thiện Quang, Bùi Sỹ Thành...
Cần nói thêm, Trần Minh Chiến chính là tác giả bàn thắng vàng vào lưới Myanmar ở bán kết, giật chiếc vé chơi chung kết SEA Games 1995 cho đội tuyển Việt Nam. Tại giải vô địch các đội mạnh toàn quốc lần thứ V năm ấy, Minh Chiến cũng đã giành danh hiệu Vua phá lưới (14 bàn), góp công lớn trong chức vô địch của Công an TP.HCM. Các trận đấu giữa Công an TP.HCM, Cảng Sài Gòn và Hải Quan tại sân Thống Nhất, khán giả luôn lèn kín các khán đài. Đây là 3 đội bóng mạnh bậc nhất Việt Nam thời bấy giờ hơn nữa lại cùng thành phố, derby đó chứ đâu.
Năm 1996, Công an TP.HCM hành quân xuống chảo lửa Cao Lãnh, trận chung kết gặp chủ nhà Đồng Tháp. Khán giả Đồng Tháp máu bóng đá đến đâu, chắc không cần phải nói thêm. Họ đổ về Cao Lãnh bằng đủ các phương tiện, chủ yếu là ghe thuyền, đường thủy và đường bộ. Bầu không khí sục sôi trên các khán đài, dưới cái nắng đến 40 độ C và cuối cùng, Đồng Tháp cũng được hưởng hương vị chiến thắng. Đó là một trận đấu lịch sử và màn rượt đuổi trọng tài (cố trọng tài Nguyễn Tuấn Hùng) kinh điển cũng được ghi vào biên niên sử.
Đồng Tháp vượt qua Công an TP.HCM 3-1, xứng đáng lên ngôi, cùng tuyên bố: Tiền đạo không bằng tiền mặt! Huỳnh Đức giành danh hiệu Vua phá lưới với 25 bàn, Chu Văn Mùi bị án treo giò vĩnh viễn...
Trong số các trận derby đầy khói lửa của bóng đá Việt Nam thời bao cấp, thì các cuộc đối đầu giữa Thể Công và Công an Hà Nội được liệt vào hàng kinh điển, vào huyền thoại. Thể Công có thể được xem là "đội bóng quốc dân", với lực lượng CĐV trải dài khắp cả nước. Đi đến đâu họ cũng có người hâm mộ. Song, ngay tại Thủ đô, không phải bao giờ họ cũng lấn lướt được Công an Hà Nội, từ dưới sân lên các khán đài. Thuộc tính lối chơi của các đội bóng ngành Công an khi ấy là có thể không đẹp nhưng độc và có các ngôi sao biết tỏa sáng.
Nếu có một hình dung về tính chất các trận derby ở 2 địa phương - những cái nôi của bóng đá Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM, thì các cuộc đối đầu giữa Thể Công và Công an Hà Nội, tựa như khi Cảng Sài Gòn gặp Công an TP.HCM. Rất căng thẳng và kịch tính. Một lời khó nói hết và tất cả sẽ được tái hiện ở sân Hàng Đẫy vào Chủ nhật này.
Nhạt nhòa thay derby bây giờ
Kể từ sau khi Hải Quan, Công an TP.HCM và Cảng Sài Gòn lần lượt bị giải thể, đầu những năm 2000, khoảng 10 năm sau, TP.HCM mới lại có các trận derby. Nhưng kiểu derby như Navibank Sài Gòn gặp Sài Gòn Xuân Thành, quá nhạt nhòa. Sau năm 2012, hai đội bóng này gộp lại thành một và 1 năm sau thì xóa sổ luôn. Gần 10 năm sau đó nữa, lại xuất hiện Sài Gòn FC đối đầu với CLB TP.HCM ở Thống Nhất. Và cũng tựa như trước đó, các trận đấu không gây được sự chú ý. Lý là bởi các đội bóng này đều là chắp vá, gom góp, nhập khẩu và có một lai lịch không thật rõ ràng.
So với những gì đã và đang diễn ra với bóng đá TP.HCM, tại Hà Nội, màu sắc trận derby có vẻ đậm hơn, mỗi khi CLB Hà Nội gặp CLB Viettel. Nó là vấn đề màu cờ sắc áo và phần nào nữa, là lịch sử. Viettel vẫn mang hồn cốt Thể Công, trong khi CLB Hà Nội đại diện cho phần còn lại của bóng đá Thủ đô, trong quá khứ và hiện tại.
V-League đã vắt qua tuổi 20, kể từ khi tên gọi này ra đời để thay thế cho khái niệm giải các đội mạnh toàn quốc hay giải VĐQG. Sự thay đổi, tiến lên chuyên nghiệp là điều tất yếu, nhưng với những người hoài cổ, xem bóng đá Việt Nam cấp CLB bây giờ không sướng như trước đây. Bóng đá bây giờ mang mùi kim tiền nhiều quá, thay vì sự tận hiến, chơi bóng như không còn có ngày mai, như thể đây là trận đấu cuối cùng. Nếu như không tin, hãy thử tìm một trận derby thành phố hay derby vùng miền mà xem. Có mà mỏi con mắt!
20 năm lên chuyên, bóng đá Việt Nam đang bước vào khúc cua tay áo, với sự bủa vây của cơn bão tài chính và một chiến lược khá mông lung về phương pháp làm. Dẫu biết rằng chúng ta đã và đang phải trải qua những khó khăn từ hệ lụy các đợt dịch Covid-19 kéo dài, nhưng vẫn có câu: "Tuế bất tàn, vô dĩ tri tùng bách/Sự bất nan, vô dĩ tri anh hùng". Nghĩa là, nếu Xuân không tàn sao thấy được sự xanh tươi của cây tùng, cây bách. Trong gian khó, mới thấu được bản lĩnh, tài năng của mình vậy.
Làm bóng đá, đừng mong hưởng an nhàn!
CLB Quân đội (phiên hiệu khác là Thể Công) và Công an Hà Nội là 2 trong số những đội bóng giàu truyền thống nhất của bóng đá Việt Nam, lần lượt ra đời vào các năm 1954 và 1956, rồi cùng nhau trở thành 2 thế lực của bóng đá miền Bắc giai đoạn trước khi đất nước hoàn toàn thống nhất. Từ khi giải bóng đá VĐQG được tổ chức vào năm 1980 (tên gọi ban đầu là giải A1 toàn quốc), 2 đội gần như luôn góp mặt, để rồi tạo nên một cặp đấu “derby Hà Nội” vô cùng thú vị. Sau 3 mùa vắng bóng vì phải xuống hạng (1993-1995), với một “thế hệ vàng” mới (gồm nhiều tên tuổi như Lã Xuân Thắng, Vũ Minh Hiếu, Nguyễn Bật Hưng, Nguyễn Tuấn Thành, Mai Tiến Dũng, Hoàng Trung Phong, Nguyễn Thanh Minh, Lê Dương Hưng...), Công an Hà Nội đã trở lại hạng cao nhất vào mùa giải 1996, và tiếp tục có những cuộc so tài nảy lửa đầy sức hấp dẫn cùng CLB Quân đội (tên gọi của Thể Công khi ấy) cũng với “một thế hệ vàng” đầy tài năng như Nguyễn Mạnh Cường, Nguyễn Hải Biên, Nguyễn Hồng Sơn, Trương Việt Hoàng, Triệu Quang Hà, Phạm Như Thuần, Đặng Phương Nam, Trần Tiến Anh, Đỗ Mạnh Dũng, Nguyễn Mạnh Dũng... Trận đấu này là dịp để các cựu cầu thủ, HLV của hai CLB tái hiện lại những phút giây hào hùng, không khí hừng hực vì màu cờ sắc áo của mỗi đội bóng sau nhiều năm rời xa nghiệp cầu thủ. Đây cũng có thể coi là một lời chia tay chính thức của các cầu thủ gửi tới CĐV cũng như tình cảm của CĐV dành cho các cầu thủ thân yêu của mình, khép lại quá khứ hào hùng, chuyển giao mở ra một tương lai nhiều màu sắc hơn cho bóng đá Thủ Đô với các trận derby giữa Hà Nội FC và Viettel. Có thể xem đây là sự kiện lịch sử của bóng đá Việt Nam, khi lần đầu tiên các cầu thủ được ra sân thi đấu trong một trận cầu chia tay sân cỏ một cách chính thức trên sân Hàng Đẫy. |
CCKM
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất