22/07/2024 13:00 GMT+7 | Văn hoá
Tập thơ Đêm hoa vàng của Bình Nguyên Trang biểu lộ "một tài năng đang độ sung mãn", ngay sau khi ra đời đã nhận được sự đánh giá cao của bạn đọc gần xa. Đây là tập thơ thứ 5 xinh xắn, dịu dàng, tinh tế từ trang bìa đến hơn 120 trang ruột đến với người mong đợi.
Tập thơ vẹn nguyên bao cảm xúc trong tôi với dấu ấn thời gian, không gian rộng mở nhiều chiều kích, nhưng trên mạch cảm xúc trong trẻo, hồn nhiên ấy vẫn là sự tiếp nối của cái tôi với thế giới nội tâm phong phú, nồng hậu, khát vọng về cái đẹp, cái thiện, tình yêu, tri ân cuộc đời, đằm lắng suy tư, chiêm nghiệm, ẩn chứa nhiều triết lý nhân sinh sâu sắc...
Tập thơ Đêm hoa vàng gồm 43 bài thơ, chia làm hai phần: "Thuyền đã mất dấu buồm, sông đã vội" (16 bài) và Niệm (27 bài). Tên tập thơ lấy từ một bài thơ trong phần Niệm.
"Tình yêu như phép màu"
Phần 1 chủ yếu là thơ tình yêu. Thơ tình yêu Bình Nguyên Trang chân thành, hồn hậu, tận cùng cảm xúc, có đắm đuối, si mê, cuồng đắm, dại khờ... mà chẳng cần phải e dè, giấu giữ. Đó mới chính là Bình Nguyên Trang - người đàn bà yêu trân trọng, chi chút và hiểu "Tình yêu như ngàn hoa", "tình yêu như phép màu" (Thư).
Như thuyền có biển, như đò có bến, tình yêu có em-anh, nhân vật "anh" được coi "Anh là biển của tháng ngày rộng lượng/ cất giữ giùm em muối mặn cuộc đời" (Tìm trong muôn vạn kiếp đời em đã sống); "Anh như miền quê cũ/ từ ngàn xưa của em... Anh từ trong nỗi nhớ/ anh từ muôn trùng xa" (Trong mênh mông thiên hà)...
Yêu làm sao có thể cắt nghĩa cụ thể như "Sóng bắt đầu từ gió" (Xuân Quỳnh). Cái lắc đầu "chẳng biết" ấy là lời thú nhận chân thành, dịu dàng: "Em chẳng biết vì sao em yêu anh?" (Chỉ em và chiếc bình pha lê biết). Chỉ có yêu mới biết tình yêu khổ đau nhiều đến thế. Tâm trạng người đàn bà yêu thành thực, thành thực với cả sự vô tình không dễ tỏ bày: "Dù suốt bốn năm chiếc bình hoa của em không có hoa hồng anh đến cắm/ Dù những lần chúng ta gặp gỡ/ Tính bằng tháng năm... Dù chỉ có bông hoa cất từ nước mắt/ Nở trong em hai chữ vô tình" (Chỉ em và chiếc bình pha lê biết).
Dẫu vậy, em không giận, vẫn đi "tìm anh/ tìm anh" mặc cho "mắt hồ thu lưu lạc" (Tìm); khao khát tìm "một chân trời riêng ta" (Thư); vẫn với cảm xúc của người đàn bà yêu cuồng nhiệt, đắm đuối: "Yêu anh" dẫu "ngày nắng hạn/ ngày dâng mưa/ sớm sương mù/ chiều giá lạnh/ Yêu như sông như biển/ yêu như trăng như sao/ yêu như môi kề cận/ yêu như ngực sóng trào/ Yêu như từ kiếp nào"; và khẳng định: "Tình ta còn thức ngủ/ trong mênh mông thiên hà" (Trong mênh mông thiên hà).
Cũng vì yêu mà đôi khi "em muốn chết như mùa thu/ gom những ngày rực rỡ/ gửi người em yêu" (Đôi khi); "Em muốn ôm anh dưới bầu trời này... Em cầu xin đêm nay/ cho tình yêu còn lại", bởi chị hiểu sức mạnh của tình yêu: "như liều thuốc băng bó vết thương hồi sinh nhân loại/ cho chúng ta dù còn sống một ngày" (Xin tình yêu còn lại); khẳng định "yêu anh": không bất ngờ/ không đường đột" (Thư); "xanh lời yêu anh nói hôm nào/ còn nồng nàn trong gió" (Đôi khi)...
Tâm hồn, trái tim nhà thơ vốn nhạy cảm, mong manh trước mọi biến động. Không ngoại lệ khi thơ chị thường đề cập đến nỗi buồn, cô đơn, một mình, trống vắng... Trong tập thơ có khoảng hơn 20 lần từ buồn, nỗi buồn... được nhắc đến với nhiều cung bậc: "Em mang về mỗi ngày một nỗi buồn" (Tìm); "đôi khi quá buồn không biết vì sao/ em muốn khóc khi nắng chiều dần tắt" (Đôi khi); "Mắt ai buồn như lá rớt đường mưa" (Tháng Mười); "buồn không hết cơn mưa vui ngày không cạn đáy" (Có thể một sáng nào ngủ dậy)...
Người buồn nhuốm tâm trạng buồn lên mọi cảnh vật "những ly cốc buồn tênh/ hoa chợt nở một mùa im lặng" (Tìm); "từ đáy hồn tôi vết sẹo buồn câm lặng" (Khoảng trời màu tím)... Cô đơn cùng buồn thường trực: "gương soi một bóng một mình" (Những ngày không đi ra phố); "em cô đơn không còn biển gọi/ cất vào đâu khô khát những buổi chiều" (Tìm trong muôn vạn kiếp đời em đã sống); "Một mảnh cô đơn bên trời" (Những mùa trăng ta đã quên)...
Nhà thơ đã truy tìm ra "thủ phạm" buồn chính bởi tình yêu: "Ôi tình yêu/ người ở đâu sau lửa ấm tro tàn/ ta đã đến giữa đời nhau, đã buồn hai nửa/ Không thể nào khớp lại thành vui" (Tìm); "tình yêu kia bị đánh lưới tiêu điều" (Tìm trong muôn vạn kiếp đời em đã sống)... Ta - người tưởng rành rẽ là hai nhưng ai dám bảo không là một khi: "ta mất người hay ta mất ta từ độ ấy/ trong nắng tháng Năm nhòe ướt nụ cười" (Có thể một sáng nào ngủ dậy); "Người vì ai mà rực rỡ đến hoang tàn/ Hay ta vì yêu người mà buộc vào gánh nặng" (Đêm hoa vàng)...
Chữa lành cho nỗi cô đơn
Giải pháp "chữa lành" cho cô đơn bằng chính tình yêu: "Em đã cầu xin đêm nay cho tình yêu còn lại/ như liều thuốc băng bó vết thương hồi sinh nhân loại/ cho chúng ta, dù còn sống một ngày" (Xin tình yêu còn lại); để: "Tình ta còn thức ngủ/ trong mênh mông thiên hà" (Trong mênh mông thiên hà).
Chữa nỗi buồn cho em chính là anh, chỉ cần "vai anh em tìm, tựa", "một bờ vai nương tựa", cần lắm được anh "ôm em ngày tháng lạ" (Trong mênh mông thiên hà); "bờ vai anh thiên đường xứ sở" (Đôi khi)...
Mong ước của người đàn bà yêu chân thành, đằm thắm, dung dị: "Em muốn mình thơ dại/ trong tình yêu của anh". Biết ơn tình yêu: "Cảm ơn vì anh đến/ cho em vui mỗi ngày/ cho tim em chứa đầy/ nụ cười anh, ánh mắt... Cho bốn mùa trời đất/ men nồng thơm môi em" (Thư)...
Khi "đã qua bao đoạn đường đời", thơ Bình Nguyên Trang có cái nhìn trải nghiệm, rộng mở, bao dung, phân tích, lý giải, tìm quy luật, chọn giải pháp thông minh, tự động viên mình: "Ta buồn quá nhưng xin đừng khóc nhé" (Có thể một sáng nào ngủ dậy); "nhắc rằng đừng tuyệt vọng lòng tôi" (Trăng); "Đừng ôm lấy quá khứ", "hãy buông", "hãy làm rơi" vì "đó chỉ là thứ ánh sáng hắt lại của ngày đã mất", chỉ "hiện tại bước đi là mới/ là tình yêu tuyệt đối phút giây này" (Rồi sớm mai). Nhà thơ thấm lời đức Phật: "Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình" để chữa lành "ta đã thương đau và ta đã chữa lành" (Tìm trong muôn vạn kiếp đời em đã sống).
Giải pháp an trú trong hiện tại chính là trân trọng phút giây hiện tại và niềm an lạc sâu thẳm vốn đã tiềm ẩn trong mỗi con người. Thơ Bình Nguyên Trang vì thế có sự an nhiên, chấp nhận: "Cả thương tích cũng nở hoa, vì tôi biết/ rằng hư ảo, mất còn và sự thật", "Sao trong tôi vẫn rực rỡ ngục tù/ âm vọng của lời yêu đã cũ" (Nguyện cầu tháng Tám); "Ẩn nấp trong mùa Đông một nụ mầm vẫy gọi/ Bần thần màn mưa như nhung hé cánh hoa đào/ Tôi đi dưới bầu trời xanh lá mới/ Sông Hồng phơi màu áo phù sa" (Trong biển đợi sông về); "Hạt đã gieo từ hôm nào nay vừa chớm/ Mọc một đóa ân tình trên đất nhân duyên" (Trở về). Tìm thấy sự yên lặng là "ngôi đền an trú/ ta soi vào thăm thẳm đời nhau" (Tự sự). Mong ước, nguyện cầu: "Xin anh đấy ngày mai dù hoại diệt/ đủ thẳm sâu cho em một cõi về/ đủ thứ tha qua dằng dặc bến mê/ cho em hát một bình minh trước biển" (Tìm trong muôn vạn kiếp đời em đã sống).
Là "kẻ nghiện ăn ký ức", Bình Nguyên Trang tìm về ký ức "Xuôi về tuổi thơ một mái rạ buồn" (Những mùa trăng ta đã quên), "Trở lại ngôi nhà tuổi thơ gột tinh tươm gió bụi" (Về);... Đặc biệt, ký ức không gian, thời gian tuổi học trò, mùa hạ trở đi trở lại trong thơ: "mùa Hạ như cơn lũ tràn qua vùng ký ức thiếu thời" (Khoảng trời màu tím); "Mùa Hè giấu vô vàn tiếng gọi" (Trong cơn dông tình cờ); "Như tình cờ đến tình cờ đi, chào nhé/ Những mùa Hè thắm đỏ giấc mơ xưa" (Trong cơn dông tình cờ); "Mùa Hè trên suy tư ai đó đang ngồi" (Trong cơn dông tình cờ)... Màu sắc gợi về phượng hồng, bằng lăng: "trong mắt người sẫm tím ánh bằng lăng" (Khoảng trời màu tím); "Trên thân cây nâu trên màu phượng chói/ Trên tàn phai lấp ló dưới xanh ngời... Buồn làm sao khi hiểu ra phượng kia rồi sẽ chết" (Trong cơn dông tình cờ)...
"Anh là biển của tháng ngày rộng lượng/ cất giữ giùm em muối mặn cuộc đời" (thơ Bình Nguyên Trang).
Trên con đường tìm đạo
Ngoài thơ tình yêu, tập thơ mang đến cho bạn đọc phần Niệm, thơ nhuốm thiền định với an trú, luân hồi: "Bài thơ vô danh kiếp kiếp luân hồi" (Đêm hoa vàng); "Khoảnh khắc này tôi vui/ Hoa vô ưu bừng nở"...
Trên con đường tìm đạo, nhà thơ phát hiện ra mối quan hệ đạo và đời, đó là "con đường không lối/ con đường sâu mãi vào bên trong, con đường không thể nhìn thấy/ con đường trở về xứ sở của chiếc bào thai" và chân lý: "Phật là mẹ trong nhà vậy đó". Từ đó, một thông điệp đạo hiếu "Kinh kệ làm chi nếu để mẹ buồn/ mẹ đã già rồi như gió lắt lay/ mẹ đã ôm con một đời không mỏi/ mẹ vẫn ôm con lúc con lỗi lầm/ ai buông tay con cũng không sợ hãi/ khi sau lưng con còn mẹ vỗ về (Đoản khúc dâng mẹ)...
Ngoài thơ tự do là chủ yếu, tập thơ còn được làm theo các thể thơ: 5 chữ (5 bài), 6 chữ (1 bài), 4 chữ (1 bài), thơ văn xuôi (1 bài). Thơ chị có nhiều câu thơ ấn tượng, giàu nhạc điệu: "xót thương những núm ruột còn bơ bải", "tôi chán véo von những mỹ từ nhóng nhánh" (Đoản khúc dâng mẹ); "cho tôi tựa những chênh chao mùa hạ" (Nguyện cầu tháng Tám); "phượng nhỏ máu những mặt đường bặt gió" (Có thể một sáng nào ngủ dậy); "Nếu không vàng không kịp với mùa thu" (Đêm hoa vàng); "Mẹ đi đâu, về đâu con đường nhỏ/ Khói vờn xanh gương mặt của làng" (Mộng tháng Ba), "Nắng chất vấn ta về tuổi trẻ" (Có thể một sáng nào ngủ dậy)...
Thông minh, thân thiện, nữ tính, dịu dàng, đằm thắm, tinh tế là nét thường thấy khi gặp Bình Nguyên Trang. Chân dung người đàn bà thơ cộng hưởng của rất nhiều phẩm tính mạnh mẽ, yêu mềm đến dại khờ; quyết liệt mà hoang hoải; khảng khái mà ướt mềm nữ tính; phiêu phiêu mà ăm ắp tự sự; thẳng thắn mà ẩn ức vơi đầy...
Thơ là cuộc đời, chị gửi trong đó bức chân dung tự họa "Trôi trong trưa ai về cõi nhớ/ không gian thơm mùi cỏ vô thường/ bàn tay mở bao đường vân số phận/ tư lự buồn đôi mắt thế nhân" (Trôi trong trưa); "Ngày vừa hiu quạnh/ ngày vừa dịu êm/ ngày vừa cuồng điên/ ngày vừa rã mỏi" (Trong tình riêng tôi).
Nhớ một "món nợ" cũ
Bình Nguyên Trang là cây bút đa tài, đa năng, cộng hưởng hài hòa sáng tác văn chương và báo chí. Chị viết nhiều thể loại: thơ, văn xuôi (tản văn, truyện, ký), báo, nhưng thơ mới là thế mạnh lưu lâu bền trong lòng người hâm mộ. Kể từ tập thơ trình làng năm 1995, đến nay Bình Nguyên Trang vẫn bền bỉ trên con đường sáng tạo văn chương với 10 cuốn sách có phần "quý hồ tinh".
Cuối những năm 1990, một người bạn từ phía Nam ra công tác tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đưa cho tôi bài thơ chép tay từ báo của tác giả Vũ Quỳnh Trang, với lời nhắn: "Em ở Hà Nội có nhiều cơ hội gặp các nhà thơ, hãy chuyển lời của anh đến nhà thơ rằng anh rất thích tâm hồn thơ đẹp dung chứa, gợi thức tâm tư của cô ấy". Không khó để tìm được "nàng thơ" với bút danh Bình Nguyên Trang, người cùng Hội Nhà văn Việt Nam với tôi, mà không chỉ riêng anh ngưỡng mộ.
Từ lúc học Học viện Báo chí - Tuyên truyền, cô sinh viên ấy đã có thơ đăng báo Hoa học trò, Mực tím, Tiền phong, hội bút Hương đầu mùa... với lối viết thuần khiết, sáng trong, mát lành, hồn hậu về tuổi học trò. Tôi đã hoàn thành chuyển lời nhắn của người hâm mộ thơ Trang từ hơn 1/4 thế kỷ trước. Chỉ có điều bạn ấy chưa biết nhiệm vụ của tôi đã hoàn thành.
Ngày ấy, điện thoại cầm tay, thông tin mạng không tiện như bây giờ. Tôi và bạn ấy từng có vài cuộc "Nói với tác giả bài thơ Một mình". Sau đó, mọi liên hệ gián đoạn và thưa mỏng dần. Nếu kết nối được với người ấy thì hẳn bạn tôi sẽ trong danh sách người hâm mộ nhận tập thơ mới Đêm hoa vàng của Bình Nguyên Trang.
Vài nét về Bình Nguyên Trang
Tên thật là Vũ Thị Quỳnh Trang, sinh năm 1977 tại Nam Định; từng công tác tại báo Tiền phong, báo Hoa học trò, báo Công an nhân dân, hiện làm việc tại báo Nhân dân.
Các tập thơ đã xuất bản: Lối về (1995), Chỉ em và chiếc bình pha lê biết (2022), Những bông hoa đang thiền (2012), Những người đàn bà trở về (2016), Đêm hoa vàng (2024); các tập truyện: Chuyến tàu thời gian (2000), Mùa đom đóm mở hội (2013); tản văn Hoa gạo cuối trời (2016); tập ký chân dung: Sông của nhiều bờ (2012), Tìm trong cõi người (2012).
Giải Nhất Tác phẩm tuổi xanh báo Tiền phong (1997); Giải B Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cho tập thơ Những bông hoa đang thiền (2012).
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất