04/05/2023 11:00 GMT+7 | Văn hoá
Cho đến ngày hôm nay, ở bất kể đâu trên thế giới còn thực hành nghi lễ Shaman (tín ngưỡng cầu cúng tổ tiên và thế giới tâm linh nguyên thủy) thì nhạc điệu từ các loại bộ gõ vẫn tạo ra âm thanh chủ đạo, tạo nhịp cho các nghi lễ đó. Kỳ này, tôi tập trung nói về vai trò chủ đạo của trống đồng như đỉnh cao của nhạc cụ thuộc bộ gõ trong nghi lễ shaman Đông Sơn.
1. Thuộc vào bộ gõ nguyên thủy là các vật dụng phát ra âm thanh khi va chạm bởi một vật khác. Trước khi có kim loại thì đá, tre nứa, gỗ, xương sừng động vật đều có thể tạo ra nhạc cụ gõ. Nghi lễ chủ đạo diễn ra trong thời kỳ phát triển của văn hóa Đông Sơn cách ngày nay hơn 2.000 năm trên đất nước ta cũng không đứng ngoài quy luật chung đó.
Theo như tư liệu hiện có, có thể xác nhận bộ gõ Đông Sơn gồm trống (đồng và da), chuông, chiêng, chũm chọe, xênh và một số nồi, chậu, đĩa, nắp thạp, đỉnh vạc ba chân có trang trí ở đáy… Bộ gõ Đông Sơn luôn đi cùng bộ nhạc cụ thổi, trong đó khèn và sáo, tiêu đã từng được khai quật và thấy mô tả trên đồ đồng Đông Sơn. Chưa thấy nhạc cụ thuộc bộ dây thời Đông Sơn.
Sau nhiều năm nghiên cứu, chúng tôi đã xác định được lễ cảnh chính được mô tả trên những trống, thạp bằng đồng có giá trị nhất của văn hóa Đông Sơn (trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Đà, Cổ Loa, Khai Hóa, Drums Restaurant, Nguyễn Đình Sử… thạp Hợp Minh, Nguyễn Đại Dương) là một nghi lễ shaman với một trong hai nội dung: Lễ cầu mùa hoặc nghi lễ liên quan đến chiến tranh.
Trọng tâm của buổi lễ nằm ở trong ngôi nhà sàn mái cong có chim lớn đậu trên mái, nơi có cảnh múc và dâng "nước" (có thể là nước, rượu hay máu hiến tế…) đựng trong chiếc cốc đồng dâng lễ có hai tay cầm dài. Trong gian nhà sàn chính này, dù diện tích mô tả khá chật, nhưng đôi khi vẫn thấy người thổi khèn, đánh trống, quạt, người ngồi, kẻ quỳ dâng lễ, khiến tôi liên tưởng đến cảnh dâng lễ cho thủ lĩnh hoặc dâng lễ đến đại diện tâm linh tối cao (shaman, thày cúng) để cầu xin các đấng thánh thần, ma quỷ cao hơn.
Có hai tiểu cảnh trở nên rất ổn định trước và sau ngôi nhà sàn này: Phía trước là khoảng sân gồm một vũ đoàn hóa trang lông chim, cờ lau, tay cầm vũ khí đi theo tiếng khèn và nhạc chuông lục lạc nhỏ. Phía sau là một dàn trống 3 - 5 chiếc đặt theo chiều thẳng đứng, lọt dưới sàn. Người đánh trống đứng trên sàn dùng "dùi trống" như một chiếc chày nhỏ giộng xuống mặt trống, tạo ra nhịp chính cho toàn buổi lễ. Bên dưới sàn là cảnh kho thóc với hai người đâm cối giã gạo và một người sàng gạo chuẩn bị cho bữa ăn.
Cảnh tượng trong nhà giống như vậy đã được thể hiện qua một khối tượng bằng đồng hiện thuộc sưu tập CQK (California, Mỹ): Trong một ngôi nhà (có lẽ cũng là nhà sàn thiếu phần cột, bên dưới được đan như liếp tre) mô tả 8 người chia thành hai nhóm. Nhóm ngoài có ba người ở phía đầu nhà, nơi trên cột có hình một con chim giống loài chim cú vọ. Tại đây có hai dàn tre gác cao đặt hai trống đồng Đông Sơn theo chiều thẳng đứng và hai người ngồi vắt vẻo trên hai thanh tre buộc ngang làm ghế, một tay vịn cột, tay kia cầm dùi đánh theo kiểu "giã" vào mặt trống. Bên dưới là một người khác ngồi đánh trống da (như kiểu trống thùng gỗ hai mặt bọc da hiện nay).
Bên trong nhà là nhóm bốn người ngồi quanh một vò đựng nước (có thể là rượu) và một người hầu đứng phía sau. Cảnh trong nhà rõ ràng là một người đang dùng muôi quả bầu múc dung dịch từ một vò hình chậu để ở giữa, dâng lên người ngồi đối diện.
Cảnh tượng này cũng gợi cả hai khả năng là cảnh tiệc tùng dành cho quý tộc, thủ lĩnh hoặc là cảnh thực hiện nghi lễ cúng tế nào đó. Với dàn trống khá quy mô và long trọng ở phía đầu nhà, tôi nghiêng về nghi lễ shaman hơn là một yến tiệc thuần túy.
2. Quan sát kỹ từ khối tư liệu mỹ thuật Đông Sơn tôi nhận ra có hai cách đánh trống đồng trong nghi lễ.
Giai đoạn đầu, khoảng thế kỷ 5 - 4 trước Công nguyên xuất hiện những dụng cụ nấu nướng, đựng thức ăn bằng đồng có dấu hiệu được dùng làm nhạc cụ "gõ", trong đó điển hình là những nồi dáng trống. Khi ngửa những hiện vật này lên, chúng là một chiếc nồi nấu ăn. Nhiều chiếc còn cả vết muội lửa cháy ở đáy lan lên phần thân dưới của nồi. Khi úp miệng xuống, chính giữa đáy có hình tròn với các tia như dạng mặt trời. Không ít nhà nghiên cứu trên thế giới chủ trương trống đồng phát triển từ dạng bộ gõ kim loại kiểu lưỡng năng "nồi trống" như vậy. Nhiều nghi lễ cổ xưa có niên đại khoảng thiên niên kỷ 2 trước Công nguyên ở vùng Đông và Đông Nam Á ghi nhận hiện tượng các đồ đựng dùng trong ăn uống và nghi lễ bị đập phá chôn trong những hố thiêng lớn, như thể những người hành lễ sau cơn say sưa sùng tín đã dâng hiến tất cả chúng cho thần thánh. Trong khung cảnh đó, đa số dụng cụ bằng đồng dùng để gõ tạo nhịp vang cho các điệu nhảy múa nguyên thủy được "ôm" bên người, tương tự cách mà chúng tôi quan sát được ở người Cơ Tu trong lễ đâm trâu, sau khi no say rượu thịt đã ôm cồng vừa đi vừa gõ nhịp nhảy múa.
Có lẽ trống đồng được chế ra khi trở thành nhạc cụ nghi lễ chuyên nghiệp vào thời cực đỉnh của văn hóa Đông Sơn đã bao gồm cả hai loại hình: gõ ngang và gõ dọc. Kiểu "gõ ngang" gắn với nhóm trống lùn phân bố nhiều ở vùng núi trung và thượng nguồn sông Hồng. Loại "gõ dọc" như đã thấy trong các trống kể ở trên, tức trống đặt đứng, có đế thoát âm ở dưới, người đứng gióng dùi vào mặt trống, như cách giã cối vậy. Loại gõ dọc dáng cao hơn và phân bố chủ yếu ở vùng đồng bằng sông Hồng và châu thổ ngã ba sông Mã, sông Chu (Thanh Hóa).
Kiểu gõ dọc và gõ ngang dẫn đến chủ ý đúc hình trang trí trên mặt, thân tang trống khác nhau. Kiểu đánh trống dọc chú trọng nội dung trang trí chính trên mặt trống. Tại đây các nội dung chính của lễ nghi được trình bày, ngoài các băng chim (trên), hươu (dưới) thì ở giữa là hoạt động nghi lễ của con người. Phần thân, tang vẫn có thuyền và người hóa trang, nhưng được rạch chìm trong lòng khuôn đơn giản, không cầu kỳ như cách khắc chìm nổi như trên khuôn mặt trống.
Trái lại, đúc trống gõ ngang người xưa chú trọng trang trí ở phần tang và thân. Những lễ nghi chính được thể hiện ở tang và thân chứ không phải trên mặt trống.
3. Chắc chắn, tôi sẽ còn trở lại câu chuyện trống đồng Đông Sơn nhiều lần nữa. Do khuôn khổ trang báo mỗi kỳ, tôi đành tạm dừng ở đây với một nhấn mạnh, rằng nhiều người nghĩ nghi lễ dùng trống đồng trong lễ nghi cầu cúng đã vắng bóng ở những vùng vốn đã phân bố dày đặc trống Đông Sơn trong thời kỳ Bắc thuộc (thế kỷ 3 đến thế kỷ 10 sau Công nguyên).
Về mặt khảo cổ học, hiện tượng này bộc lộ khá rõ. Tôi nghĩ, hiện tượng này có liên quan đến cuộc rút chạy của các thủ lĩnh Âu và Lạc Việt về vùng núi Thanh Nghệ, bắc Trường Sơn, Tây Nguyên cũng như tỏa rộng ra nhiều vùng lục địa, hải đảo Đông Nam Á. Trống đồng đã trở thành hiện tượng Đông Nam Á chính là từ làn sóng di chuyển về phương nam của quý tộc Âu, Lạc Việt. Họ đã hòa hợp với các quý tộc bản địa nơi họ mới đến để tạo ra bức tranh văn hóa lịch sử mang đậm màu sắc Đông Sơn sau Công nguyên.
Truyền thống Đông Sơn dưới ách thống trị của phương Bắc vẫn đậm đà trong các nghi lễ dân gian và ở các vùng miền núi. Đó là lý do khi đã giành độc lập, từ thế kỷ 10, trống đồng Đại Việt với phong cách hoa văn Lý - Trần, gắn tượng khối cóc lại tiếp tục phát triển, đến mức trở thành một nhạc cụ chính trong nghi lễ triều đình đời Trần khi đón tiếp sứ giả Nguyên Mông. Đó cũng là lý do tôi muốn đưa ra ở đây bộ trống đồng trong sưu tập Mai Sĩ Tất Thắng (TP.HCM), khi chủ nhân luôn nhận thức tính bất diệt của trống đồng Đông Sơn và may mắn khi anh có được những trống Đông Sơn điển hình, trống Đông Sơn thế kỷ 1 -3 sau Công nguyên có khắc chữ Champa cổ và cả chữ Hán ghi nhận cúng dường của Thái Phó Tô Hiến Thành và những trống Đại Việt sớm điển hình.
Nhiều nghi lễ cổ xưa có niên đại khoảng thiên niên kỷ 2 trước Công nguyên ở vùng Đông và Đông Nam Á ghi nhận hiện tượng các đồ đựng dùng trong ăn uống và nghi lễ bị đập phá chôn trong những hố thiêng lớn, như thể những người hành lễ sau cơn say sưa sùng tín đã dâng hiến tất cả chúng cho thần thánh.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất